Theo Peter Drucker – cha đẻ của ngành quản trị học hiện đại: Chiến thắng đầu tiên và tốt nhất là chinh phục bản thân. Khi bạn chinh phục được chính bản thân mình, có kỹ năng lãnh đạo bản thân tốt thì hiệu quả, hiệu suất công việc của bạn và đội nhóm sẽ được cải thiện tích cực.

Lãnh đạo bản thân là gì?

Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lãnh đạo bản thân là gì. Lãnh đạo bản thân là việc thực hành để hiểu:

  • Bạn là ai
  • Xác định những trải nghiệm mong muốn của bản thân
  • Nỗ lực có chủ đích để bản thân đạt được những trải nghiệm mong muốn

Lãnh đạo bản thân bao gồm việc xác định các yếu tố: chúng ta làm gì, tại sao chúng ta làm điều đó và chúng ta làm như thế nào. Năng lực lãnh đạo bản thân có thể giúp bạn đạt được mục tiêu thông qua động lực và tự định hướng bản thân.

kỹ năng lãnh đạo bản thân
Lãnh đạo bản thân bao gồm việc xác định các yếu tố: chúng ta làm gì, tại sao chúng ta làm điều đó và chúng ta làm như thế nào

Thuật ngữ “lãnh đạo bản thân” lần đầu tiên xuất hiện trong tài liệu quản lý tổ chức của Charles C. Manz (1983). Manz định nghĩa lãnh đạo bản thân là: Quan điểm ảnh hưởng toàn diện đến bản thân liên quan đến việc dẫn dắt bản thân thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy tự nhiên cũng như quản lý bản thân để làm công việc phải làm nhưng không phải là động lực tự nhiên.

Khái niệm này dựa trên cơ sở khả năng lãnh đạo bản thân là điều kiện tiên quyết để lãnh đạo nhóm hiệu quả. Trên thực tế, những người lao động tự chủ hơn, tự lãnh đạo có năng suất cao hơn, bất kể vai trò công việc của họ là gì.

Peter Drucker (2010) nói rằng trở thành nhà lãnh đạo bản thân là để phục vụ với tư cách là giám đốc, đội trưởng hoặc giám đốc điều hành cuộc sống của chính mình. 

Kể từ lần đầu tiên được đề cập đến, việc thảo luận và xem xét khái niệm tự lãnh đạo vẫn chủ yếu trong bối cảnh lãnh đạo và quản lý của tổ chức. Gần đây hơn, Marieta Du Plessis (2019) đã bổ sung khái niệm này với những hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu tâm lý học tích cực và đưa ra định nghĩa sau: Khả năng lãnh đạo bản thân tích cực đề cập đến khả năng xác định và áp dụng các điểm mạnh đặc trưng của một người để bắt đầu, duy trì các hành vi có ảnh hưởng đến bản thân.

Du Plessis nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự truyền cảm hứng dựa trên giá trị và đặt mục tiêu cho bản thân trong hành trình lãnh đạo bản thân.

Đọc thêm: 6 cách giúp bạn phát triển kỹ năng lãnh đạo

Các mô hình lãnh đạo bản thân

Khái niệm lãnh đạo bản thân dựa trên một số mô hình và khuôn khổ lý thuyết liên ngành, bao gồm nhiều mô hình từ lĩnh vực tâm lý học tích cực. Các mô hình lãnh đạo bản thân có thể kể đến như:

Tự kiểm soát (Carver & Scheier, 1981)

Tự kiểm soát đồng nghĩa với tự quản lý và tự điều chỉnh. Tự kiểm soát là quá trình lặp đi lặp lại một hoạt động để xác định trạng thái mong muốn cuối cùng. Người có khả năng tự kiểm soát sẽ tiến hành so sánh trạng thái hiện tại với trạng thái mong muốn và nỗ lực hành động để thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa 2 trạng thái.

Ở đây, bạn cần phân biệt thuật ngữ tự kiểm soát và tự quản. Hai khái niệm này thường được sử dụng thay thế nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất.

Nếu tự quản chỉ đơn giản là đề cập đến việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ theo quy định đã ban hành, công bố thì tự lãnh đạo đòi hỏi nhiều hơn thế. Tự lãnh đạo bao gồm sự lựa chọn được quy định trong nội bộ, sự liên kết giá trị và thực hiện hoạt động đã chọn (tức là giải quyết cái gì, tại sao và bằng cách nào).

Nhận thức xã hội (Bandura, 1986)

Lý thuyết nhận thức xã hội  thừa nhận sự tương tác giữa 3 yếu tố: 

  • Yếu tố cá nhân (nhận thức, tình cảm, sinh học…)
  • Yếu tố môi trường (môi trường vật lý, môi trường xã hội)
  • Hành vi

Để đưa ra lý thuyết về nhận thức xã hội, Bandura cùng các cộng sự đã tiến hành nhiều thí nghiệm.

  • Những năm 1960, thí nghiệm búp bê Bobo: Những đứa trẻ trong thử nghiệm này được tiếp xúc với những người lớn hung bạo hoặc không hung bạo. Những người lớn hung bạo đã tấn công búp bê Bobo bằng cả hành động và lời nói trước mặt những đứa trẻ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được thử nghiệm tiếp xúc với những người lớn hung bạo cũng sẽ có biểu hiện hung bạo bằng cả lời nói, thể chất và bao gồm cả việc tấn công búp bê Bobo khi gặp cảm giác thất vọng.

  • Thí nghiệm tiếp theo của Bandura lấy hình mẫu xuất hiện trong phim ảnh. Những đứa trẻ tiếp xúc với phim ảnh có nhân vật hung bạo cũng sẽ có hành vi hung bạo hơn khi gặp cảm giác thất vọng.
  • Năm 1977, Bandura đã giới thiệu lý thuyết học tập xã hội
  • Năm 1986, lý thuyết học tập xã hội được Bandura đổi tên thành lý thuyết nhận thức xã hội. Việc đổi tên này nhằm nhấn mạnh yếu tố nhận thức trong quá trình học tập cư xử, tương tác của mỗi cá nhân.

Tự quyết định (Deci & Ryan, 1985)

Lý thuyết tự quyết định mô tả sự tương hỗ giữa động cơ của con người và một cuộc sống có mục đích. Lý thuyết này làm nổi bật vai trò của động cơ được điều chỉnh nội tại và nội tại như một động lực thúc đẩy các hành vi tự lãnh đạo.

Tuy nhiên, lý thuyết lãnh đạo bản thân cũng rất phù hợp với một vài lý thuyết khác. Dựa trên khái niệm trung tâm về hành động tự quyết định phù hợp với nhu cầu nội tại của một người, cụ thể là các hành vi tự hiện thực hóa. Hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow là một trong những quan điểm như vậy.

Tìm hiểu ngay: Khoá học “Thực hành Lãnh đạo Hiệu suất cao”

Năng lực và kỹ năng cốt lõi để lãnh đạo bản thân

Để lãnh đạo bản thân, bạn sẽ cần có những năng lực, kỹ năng cốt lõi như:

Tự nhận thức và hiểu biết về bản thân

Tự nhận thức là khả năng nhận thức rõ ràng về bản thân thông qua sự kiểm tra nội tâm của chính bạn. Theo các nghiên cứu của Carver & Scheier, 1981; Silvia & O’Brien, 2004 thì: tự nhận thức cho phép chúng ta nhận thức được thực tại hoặc trạng thái bên trong hiện tại của mình và như vậy, là điều kiện tiên quyết của sự tự chủ và tự điều chỉnh.  

Tự nhận thức và hiểu biết về bản thân là năng lực cốt lõi giúp bạn hiểu về nhu cầu, động cơ, động lực làm việc của mình. Năng lực này bao gồm 4 yếu tố nội hàm:

  • Đặc điểm tính cách: Đặc điểm tính cách sẽ giúp dự đoán và giải thích những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Đặc biệt là những hành động tự phát. Theo nghiên cứu của Stewart, Carson & Cardy, 1996 thì những nhân viên có tính cách tận tâm được chứng minh cũng là những người có khả năng tự lãnh đạo hiệu quả hơn.
  • Điểm mạnh và điểm yếu của cá nhân: Điểm mạnh sẽ ảnh hưởng tới những điều khiến bạn bị thu hút, cách bạn giải quyết các vấn đề hay những điều bạn làm thực sự tốt. Còn điểm yếu sẽ là những điều khiến bạn kiệt sức hoặc có xu hướng trì hoãn, không hành động.
  • Giá trị: Đây là những điều quan trọng, ý nghĩa nhất với bạn trong cuộc sống. Bạn thường sẽ quyết định hành động dựa trên những giá trị của bản thân. Chẳng hạn như bạn nỗ lực, kỷ luật tập thể thao hàng ngày vì giá trị sức khỏe thực sự quan trọng với bạn.
  • Tài năng và sở thích: Bạn sẽ sử dụng tài năng, sở thích của mình để làm việc và tận hưởng thành quả công việc đạt được. Tài năng, sở thích là sự cụ thể hóa những điểm mạnh mà bạn có.
kỹ năng lãnh đạo bản thân
Tự nhận thức và hiểu biết về bản thân là năng lực cốt lõi giúp bạn hiểu về nhu cầu, động cơ, động lực làm việc của mình

Tìm hiểu thêm: Tại sao tự quản lý bản thân lại quan trọng với tổ chức

Xác định mục đích cốt lõi của bản thân

Nghiên cứu của Gilbert & Wilson, 2006 cho biết: Tất cả chúng ta đều phấn đấu, nỗ lực vì cảm giác hạnh phúc. Trong tương quan đó, mục tiêu mỗi cá nhân hướng tới là phương tiện để cá nhân đạt được cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các cá nhân thường có khả năng xác định điều gì khiến họ hạnh phúc kém hơn so với họ nghĩ.

Nói theo cách khác thì có thể chính bạn chưa hiểu bạn thực sự mong muốn điều gì. Để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo bản thân, bạn rất cần xác định được mục đích cốt lõi mình muốn hướng tới. Khi bạn xác định được mục đích cốt lõi của mình, bạn sẽ gia tăng được động lực để duy trì, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ví dụ mục đích cốt lõi bạn đề ra là có một gia đình hạnh phúc chẳng hạn. Như vậy, mục đích này sẽ tạo động lực để bạn duy trì nhiều hoạt động khác nhau như:

  • 30 phút kể chuyện cho con nghe mỗi tối trước khi đi ngủ
  • Đi chơi mỗi cuối tuần cùng gia đình
  • Luôn đối thoại với con như một người bạn thay vì ra lệnh hay hăm dọa…

Kỹ năng ra quyết định

Bạn thường luôn mong muốn mình có thể đưa ra các quyết định đúng, kịp thời. Tuy nhiên, điều này sẽ thật khó đạt được, nhất là trong tình trạng bạn bị ức chế, bị căng thẳng và phải đối diện với phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Nghiên cứu của Fredrickson & Losada, 2005 cho biết: khi bạn thoải mái, có được trạng thái cảm xúc tích cực, bạn có thể suy nghĩ một cách sáng tạo và đổi mới.

Bạn sẽ không có khả năng lựa chọn những tình huống mình phải đối diện. Nhưng, bạn có thể rèn luyện kỹ năng đưa ra quyết định và lựa chọn cách bản thân sẽ phản ứng với tình huống như thế nào.

Ví dụ như con của bạn vô ý làm rơi vỡ một chiếc bát. Nếu bạn bình tĩnh và có kỹ năng ra quyết định tốt, bạn có thể lựa chọn cách cùng con dọn dẹp mảnh bát vụn, dặn dò con cẩn thận hơn thay vì la mắng, chỉ trích. 

kỹ năng lãnh đạo bản thân
Kỹ năng ra quyết định sẽ giúp bạn kiểm soát tình huống, kiểm soát cảm xúc bản thân tốt hơn để dần hoàn thiện khả năng, kỹ năng lãnh đạo bản thân mình

Kỹ năng quản lý và tự thiết lập mục tiêu

Năng lực lập kế hoạch và thiết lập mục tiêu là việc chuyển hóa những giấc mơ lớn, dài hạn thành những cột mốc có thể quản lý được và sau đó tối ưu hóa từng cột mốc thành mục tiêu.

Quá trình thiết lập mục tiêu bao gồm các bước như:

  • Thiết lập mục tiêu SMART. SMART là viết tắt của Specific (cụ thể) – Measurable (đo lường) – Achievable (khả thi) – Relevant (liên quan) – Time bound (giới hạn thời gian).
  • Xác định các kế hoạch dự phòng
  • Ghi lại mục tiêu và cam kết thực hiện một cách chủ động
  • Phân công trách nhiệm thực hiện, giải trình
  • Sử dụng phần thưởng tích cực để khuyến khích đạt mục tiêu

Còn để quản lý mục tiêu một cách hiệu quả, bạn có thể tham khảo phương pháp quản trị mục tiêu OKRs. OKRs là viết tắt của Objective (mục tiêu) và Key Results (các kết quả chính). Đây là phương pháp quản trị mục tiêu đã được nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới và Việt Nam áp dụng như Google; Intel; Amazon; FPT; Careerbuilder; Tinh Vân…

Với OKRs, các mục tiêu của bạn sẽ được đo lường, đảm bảo đạt được bằng chính những kết quả chính gắn liền với mục tiêu đó. Khi bạn hoàn thành những KRs thì cũng có nghĩa là bạn đang tiến những bước gần hơn đến với mục tiêu mình đề ra.

Xem thêm: OKRs là gì? 15+ Điều bạn cần biết về Quản trị mục tiêu OKRs trước khi áp dụng

Tạo động lực

Tạo động lực, tối ưu hóa động lực bao gồm khả năng điều chỉnh mục tiêu của một người để mục tiêu trở nên hấp dẫn hơn. Theo nghiên cứu của Ryan & Deci, 2000, tạo động lực có thể đạt được bằng cách xác định hành vi mục tiêu thúc đẩy bản chất và điều chỉnh mục tiêu phù hợp với các giá trị và quan niệm của bản thân.

Để tạo động lực cho bản thân, bạn có thể chia nhỏ mục tiêu của mình thành từng bước, từng phần nhỏ và nỗ lực hoàn thành từng phần nhỏ đó. Việc chia nhỏ mục tiêu này sẽ giúp bạn tránh được trạng thái cảm thấy bị choáng ngợp, chán nản, thậm chí sợ hãi vì mục tiêu quá thử thách, bất khả thi.

Rõ ràng, với một người chưa bao giờ tập thể dục đều đặn trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp đại học thì việc đặt mục tiêu chạy bộ ngay 42km là không tưởng. Thay vào đó, bạn có thể đặt mục tiêu duy trì đi bộ 10.000 bước mỗi ngày chẳng hạn. Chia nhỏ mục tiêu thành từng bước sẽ giúp bạn duy trì được động lực để đạt được mục tiêu. Chẳng hạn như sau:

  • Tháng 1: đi bộ 10.000 bước mỗi ngày
  • Tháng 2: chạy bộ 5km lần đầu tiên
  • Tháng 3: chạy bộ 10km lần đầu tiên
  • Tháng 4: chạy bộ 21km lần đầu tiên
  • Tháng 5: chạy bộ 42km lần đầu tiên

Sau khi đạt cột mốc chạy marathon 42km, bạn có thể tiếp tục duy trì động lực tập luyện bằng cách cải thiện thành tích chạy bộ, giảm thời gian hoàn thành quãng đường.

kỹ năng lãnh đạo bản thân
Để tạo động lực cho bản thân, bạn có thể chia nhỏ mục tiêu của mình thành từng bước, từng phần nhỏ và nỗ lực hoàn thành từng phần nhỏ đó

Đăng ký để nhận ebook về Động lực của VNOKRs tại đây

Nâng cao hiệu suất

Xét về mặt công thức đo lường, hiệu suất công việc là chỉ số được tính bằng công thức: Kết quả đạt được / Chi phí bỏ ra.

Như vậy, để nâng cao hiệu suất công việc một cách hiệu quả, bạn có thể thực hiện theo các cách như sau:

  • Cải thiện kết quả đạt được
  • Giảm thiểu chi phí bỏ ra
  • Hoặc phương án tối ưu là vừa cải thiện kết quả đạt được đồng thời nỗ lực giảm thiểu chi phí bỏ ra

Để nâng cao hiệu suất đòi hỏi bạn có thể áp dụng một số phương pháp làm việc như:

  • Pomodoro: Bạn có thể tập trung cao độ trong khoảng thời gian 25 phút kết hợp cùng quãng nghỉ 5 phút để giải quyết công việc hiệu quả.
  • SMART: Bạn có thể sử dụng nguyên tắc SMART để thiết lập mục tiêu công việc của mình. Các yếu tố cụ thể, đo lường, khả thi, liên quan, giới hạn thời gian sẽ giúp bạn xác định đúng, trúng mục tiêu công việc ngay từ đầu. Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ phải làm lại một công việc hay thay đổi mục tiêu khi đã nỗ lực được nửa đường.
  • Làm việc đơn nhiệm: Tập trung, cho phép bản thân được làm việc đơn nhiệm, tránh phân tán sự chú ý bởi các thông báo mạng xã hội hay các việc chưa cấp thiết khác sẽ giúp bạn đạt hiệu suất công việc tốt hơn.
  • Phân chia thứ tự ưu tiên công việc theo sơ đồ Eisenhower: Bạn có thể phân chia thứ tự ưu tiên hoàn thành công việc ra thành 4 dạng. Dạng 1, làm ngay những việc quan trọng và khẩn cấp. Dạng 2, sắp xếp thời gian để làm những việc quan trọng nhưng không khẩn cấp. Dạng 3, ủy thác những việc không quan trọng nhưng khẩn cấp. Dạng 4, có thể bỏ qua những việc không quan trọng, không khẩn cấp.

Xem thêm: Hiệu suất công việc là gì? Cách đo lường hiệu suất của nhân viên

Học tập từ thất bại

Sẽ thật khó để bạn luôn đảm bảo thành công trong mọi công việc. Những trải nghiệm thực tế của mỗi cá nhân nhiều khi được tích lũy không phải chỉ với những thành công mà còn là trở ngại, thất bại.

Bạn có thể không cần sợ hãi với những thất bại đó. Vấn đề là bạn học tập được gì từ những thất bại. Khi bạn đúc rút được những vấn đề mình gặp phải dẫn đến thất bại và không lặp lại chúng sau này thì đó là một thất bại có giá trị.

  • J.K Rowling – tác giả của bộ truyện Harry Potter trước khi nổi tiếng trên toàn cầu đã bị 12 nhà xuất bản từ chối bản thảo của mình.
  • Harland Sanders trước khi thành công với thương hiệu gà rán KFC đã bị từ chối đến 1009 lần khi đi bán những gói gia vị và công thức chế biến gà rán.
  • Henry Ford trước khi thành công với Ford Motor Company đã bị phá sản tới 5 lần.

Bạn có thể biết đến nhiều câu chuyện thành công từ những thất bại và chắc chắn, để lãnh đạo bản thân, bạn không nên sợ hãi thất bại mà cần học tập từ thất bại.

*

Dù bạn là lãnh đạo, là quản lý cấp trung hay chỉ là nhân viên thì kỹ năng lãnh đạo bản thân cũng rất cần thiết để làm chủ công việc, cải thiện hiệu quả, hiệu suất mỗi ngày.