Quản lý nguồn nhân lực (Human Resource Management – HRM) là tổng thể của nhiều hoạt động trong vận hành doanh nghiệp như: tuyển dụng, triển khai và quản lý nhân viên của một tổ chức. Hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong thực tế doanh nghiệp thường tập trung ở Phòng Hành chính – Nhân sự hoặc Bộ phận BO (Back Office). Đây là bộ phận chịu trách nhiệm đề xuất các chính sách quản lý nhân sự, xử lý các phát sinh giữa tổ chức với nhân viên. Vậy mục tiêu chính của quản lý nhân sự là gì? cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Tìm hiểu thêm: Quản lý nguồn nhân lực là gì?
HRM là gì?
Trước khi tìm hiểu về mục tiêu chính của HRM, chúng ta cần xác định rõ HRM là gì.
HRM là thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1900 và sau đó được phổ biến rộng rãi từ những năm 1960. Cho đến nay, công tác HRM vẫn được xem là thiết yếu với mỗi doanh nghiệp. Con người trong góc nhìn của quản lý nguồn nhân lực không phải chỉ là một yếu tố của quy trình sản xuất mà chính là tài sản quý báu song hành cùng quá trình phát triển của doanh nghiệp. Quản lý nguồn nhân lực sẽ giúp phát huy tối đa tài sản đó, phục vụ tầm nhìn, hướng đến đạt được sứ mệnh doanh nghiệp đề ra.
Bạn có thể thấy bất cứ một kế hoạch kinh doanh hay phát triển dự án nào khi lên kế hoạch cũng cần xem xét đến nguồn lực thực tế của doanh nghiệp đang có. Nguồn nhân sự còn yếu sẽ cần đào tạo, còn thiếu sẽ cần tuyển dụng bổ sung. Khi nhân lực cho một công việc dư thừa, thiếu việc sẽ cần điều chuyển hỗ trợ bộ phận khác… Những điều chỉnh kế hoạch như vậy sẽ giúp xác định cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp và hướng tới thúc đẩy năng suất tổng thể.
Về tổng thể, HRM có 4 mục tiêu chính:
- Xác định cơ cấu tổ chức để thúc đẩy năng suất
- Đào tạo và phát triển nhân sự
- Kiến tạo môi trường làm việc hiệu quả
- Xây dựng và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp
Xác định cơ cấu tổ chức để thúc đẩy năng suất
Bản chất cốt lõi của quản lý nhân sự là sắp xếp được đúng người làm đúng việc. Quản lý nhân sự hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp kiến tạo, duy trì được những vòng quay công việc ăn khớp cùng nhiều bánh răng chuyển động với nhau. HRM sẽ giúp doanh nghiệp của bạn xác định được cơ cấu tổ chức để thúc đẩy năng suất tổng thể. Mỗi thành viên của công ty sẽ hiểu rõ vị trí công việc, những mục tiêu hay nỗ lực công việc họ cần hướng tới và từ đó cải thiện được hiệu quả, hiệu suất công việc của mình.
Khi tổ chức có cơ cấu xác định sẽ giúp đảm bảo tất cả các nhiệm vụ cần thiết của tổ chức được giao phó đúng người và thực sự được triển khai trong thực tế. Điều này là nhờ cơ cấu tổ chức quy định rõ chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt của từng phòng ban, vị trí công việc. Nhà cung cấp giải pháp nhân sự Datis giải thích: Một cơ cấu tổ chức tốt giúp loại bỏ những lời bào chữa như “Tôi không biết đó là công việc của mình” hoặc “Tôi nghĩ đó là công việc của cô ấy”…
Cơ cấu tổ chức do HRM thiết lập cũng giải thích cách thức các bộ phận, phòng ban làm việc và hỗ trợ lẫn nhau như thế nào. Khi lãnh đạo cho đến từng nhân viên hiểu được cơ cấu tổ chức đang vận hành, từng vị trí sẽ làm việc với đúng vai trò, giữ được sự phối hợp cần thiết trong tổ chức.
Chẳng hạn như trong một công ty công nghệ thường sẽ có các bộ phận, phòng ban chuyên môn như:
- Phòng Sản phẩm
- Phòng Kinh doanh
- Phòng Tư vấn triển khai dự án
- Phòng Công nghệ
- Phòng Bảo hành bảo trì
- Phòng Chăm sóc khách hàng
Thay vì mỗi phòng ban chuyên môn làm việc độc lập, thiếu sự gắn kết, phối hợp thì HRM với vai trò của mình sẽ xác định cơ cấu tổ chức để giúp định hình cách thức phối hợp giữa các phòng ban.
Phòng Sản phẩm đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu, tích hợp sản phẩm, cho ra mắt các phân hệ, sản phẩm mới. Trên cơ sở đó, phòng Kinh doanh có thể đi giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng, đối tác để chốt hợp đồng. Tiếp theo, phòng Tư vấn triển khai dự án sẽ làm việc với khách hàng để xác định bài toán công nghệ khách hàng cần giải quyết. Họ sẽ viết tài liệu triển khai dự án để xác nhận lại với khách hàng trước khi đội ngũ lập trình của phòng Công nghệ tiến hành code.
Sau khi dự án được khách hàng nghiệm thu, việc hỗ trợ khách hàng sẽ được chuyển giao sang cho phòng Bảo hành bảo trì và Chăm sóc khách hàng thực hiện. Quy trình thường thấy là Chăm sóc khách hàng ghi nhận các yêu cầu của khách hàng và chuyển cho Bảo hành bảo trì xử lý.
Bạn có thể nhận thấy việc xác định cơ cấu tổ chức không chỉ giúp cải thiện hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp; giúp chuyên biệt hóa nhiệm vụ từng phòng ban mà còn giúp các phòng ban định hình, duy trì được cách thức phối hợp nhằm hướng đến lợi ích, mục tiêu doanh nghiệp đề ra.
Mặt khác, khi doanh nghiệp đã có cơ cấu tổ chức rõ ràng, bạn sẽ hiểu rõ định biên nhân sự cần thiết cho từng phòng ban ở mức nào trong từng giai đoạn phát triển của tổ chức. Chẳng hạn như Phòng Sản phẩm trong giai đoạn gấp rút ra mắt sản phẩm trước quý I-2023 sẽ cần có định biên 1 Trưởng phòng; 2 Senior Dev; 3 Junior Dev; 1 BA; 1 Tester chẳng hạn. Yêu cầu về nhiệm vụ, mục tiêu công ty đề ra sẽ quyết định đến định biên nhân sự từng phòng ban, bộ phận.
Rõ về định biên nhân sự, HRM sẽ chủ động được trong việc tuyển dụng, thu hút nhân tài và có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ nguồn lực tổ chức cần theo từng giai đoạn. Từ đó, công tác quản lý nhân sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tối đa hóa chi phí đầu tư vào tuyển dụng nhân sự.
Đào tạo và phát triển nhân sự
Một trong những mục tiêu cốt lõi của quản lý nhân sự là đào tạo và phát triển nhân sự.
HRM thông thường sẽ thực hiện đào tạo hội nhập văn hóa cho nhân viên và phối hợp với các phòng ban chuyên môn để đào tạo nghiệp vụ chuyên môn. Những khóa đào tạo khác có thể còn là đào tạo về kỹ năng mềm; về các công nghệ ứng dụng, hỗ trợ công việc… Về tổng thể, đào tạo và phát triển nhân viên sẽ bao gồm tất cả các hoạt động nhằm giúp nhân viên có được hoặc cải thiện kiến thức, kỹ năng để hoàn thành, thậm chí hoàn thành xuất sắc công việc của họ.
Đào tạo và phát triển nhân viên có thể giúp nhân viên tối ưu hóa công việc của họ và khắc phục những khoảng cách về hiệu suất do thiếu kiến thức hoặc kỹ năng. Điều này có thể giúp các phòng ban, bộ phận và toàn công ty bạn làm việc hiệu quả, đạt được lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường.
Mặt khác, đào tạo và phát triển nhân viên còn là công cụ hiệu quả để tuyển dụng, giữ chân nhân viên. Nhân viên khi được tuyển dụng vào công ty đều cần được đào tạo và có lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng. Điều đó sẽ giúp nhân viên yên tâm công tác lâu dài và gắn bó hơn với tổ chức.
Báo cáo về việc học tập tại nơi làm việc năm 2018 của LinkedIn cho biết: 93% nhân viên sẽ làm việc tại công ty lâu dài hơn nếu công ty đầu tư vào sự nghiệp của họ.
Đồng thời, thực hiện quản lý nhân sự tập trung vào đào tạo, phát triển nhân sự còn giúp công ty của bạn dự phòng các tình huống bất lợi như:
- Nhân viên không rõ quy trình công ty và dẫn đến những sai sót gây thiệt hại
- Nhân viên không rõ quy định công ty dẫn đến các tranh chấp, kiện tụng
- Nhân viên không được đào tạo về an toàn lao động dẫn đến xảy ra tai nạn lao động, thương tích tại nơi làm việc…
Tìm hiểu thêm: Các quy trình quản lý nhân sự trong doanh nghiệp
Kiến tạo môi trường làm việc hiệu quả
Hoạt động của HRM hướng đến việc kiến tạo môi trường làm việc hiệu quả cho doanh nghiệp. HRM sẽ thực hiện điều này thông qua những việc làm cụ thể của mình như:
- Đề xuất, xây dựng môi trường làm việc phù hợp
- Đề xuất các chính sách, quy định liên quan đến môi trường làm việc
- Tạo sự gắn kết, vui vẻ, hòa đồng giữa các thành viên trong công ty…
Quản lý nhân sự thông qua việc kiến tạo môi trường làm việc hiệu quả hoàn toàn có thể giúp công ty bạn tạo ra sự gắn bó trong đội ngũ và giữ chân nhân tài.
Khi nhắc đến môi trường làm việc hiệu quả, bạn có thể tham khảo cách Google – một trong những công ty hàng đầu thế giới đã làm.
- Nhân viên Google được khuyến khích và tạo điều kiện để chia sẻ thông tin cởi mở với nhau. Văn phòng Google có khu vực giải trí đa dạng, khu uống cafe… để nhân viên chia sẻ những ý tưởng, trao đổi công việc với nhau. Đặc biệt, vào mỗi thứ sáu hàng tuần, công ty sẽ tổ chức họp lãnh đạo với nhân viên để các thành viên cởi mở chia sẻ ý kiến của mình.
- Google cung cấp những phòng ngủ trưa tiện lợi cho nhân viên. Trong nhiều trường hợp, một giấc ngủ ngắn 20 – 30 phút sẽ giúp nhân viên duy trì sự tập trung, tỉnh táo tốt hơn một tách cafe hay chất kích thích khác.
- Năm 2009, Google từng tiến hành chương trình “Bureaucracy Busters”. Đây là chương trình phát hiện bất cập khi thực hiện các chỉ tiêu công việc. Các thành viên Google sẽ nói lên những bức xúc trong công việc của mình và đề xuất cách giúp công ty giải quyết các bất cập, vấn đề đó.
- Google là công ty đề cao sáng tạo, xem yếu tố sáng tạo là then chốt cho sự phát triển lâu dài. Google cho phép nhân viên dành khoảng 20% thời gian làm việc để làm những điều họ muốn, tập trung phát triển những ý tưởng độc đáo, mới lạ. Google là một trong những công ty đầu tiên cho phép nhân viên làm việc theo khung thời gian linh hoạt để nhân viên sáng tạo và đạt năng suất cao hơn.
- Google đề cao sự thoải mái, vui vẻ của đội ngũ nhân viên. Họ thậm chí có riêng một vị trí công việc đảm nhận duy nhất 1 nhiệm vụ giúp các nhân viên khác có được cảm giác thoải mái, vui vẻ.
- Ăn uống, khám bệnh, giặt là, tập thể dục, dịch vụ chăm sóc trẻ tại chỗ – tất cả đều miễn phí cho hơn 64.000 nhân viên của Google. Google còn dành cho nhân viên của mình nhiều quyền lợi khác như trợ cấp đi lại, cho phép mang thú cưng đến văn phòng…
- Dù Google cho đến nay được biết đến với danh xưng là gã khổng lồ của thế giới công nghệ với quy mô nhân sự lên đến vài chục nghìn người nhưng văn hóa doanh nghiệp Google vẫn hướng đến mô hình công ty nhỏ. Công ty nhỏ có nghĩa là Google sẽ duy trì môi trường làm việc gần gũi, dễ dàng trò chuyện, chia sẻ công việc. Điều đó giúp nhân viên công ty có được tinh thần làm việc tích cực hơn và gia tăng sự gắn kết giữa các nhân viên.
Đọc thêm: Giải pháp giúp cải thiện môi trường làm việc hiệu quả
Xây dựng và thúc đẩy văn hoá doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố duy nhất giúp doanh nghiệp của bạn có thể tự động hóa. Văn hóa doanh nghiệp bao trùm và ảnh hưởng đến tất cả các khâu trong quá trình vận hành doanh nghiệp của bạn. Từ tuyển dụng, đào tạo, phát triển kinh doanh cho đến triển khai dự án, chăm sóc khách hàng… đều có vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp cũng như tính cách của một doanh nghiệp vậy.
Trong tương quan đó, quản lý nhân sự cũng có một mục tiêu cốt lõi là xây dựng và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của Deloitte, 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa doanh nghiệp quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Cuộc khảo sát của Deloitte cũng cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa những nhân viên cảm thấy hạnh phúc, được đánh giá cao trong công việc với môi trường làm việc có văn hóa tích cực, mạnh mẽ.
Thực tế, những doanh nghiệp được đánh giá là nơi làm việc tốt nhất cũng thường là những tổ chức đã kiến tạo và duy trì được văn hóa doanh nghiệp thành công. Nghiên cứu do Culture IQ thu thập cho biết: Những công ty có văn hóa tích cực, mạnh mẽ được nhân viên đánh giá cao hơn 20% về các yếu tố như: sự hợp tác, môi trường làm việc và giá trị công ty đem lại.
Quản lý nhân sự góp phần giúp xây dựng, thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp và ngược lại, khi văn hóa doạnh nghiệp ngày càng mạnh mẽ, biến chuyển theo hướng tích cực thì hoạt động quản lý nhân sự cũng sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả hơn.
*
Việc đạt được các mục tiêu quản lý nhân sự như kể trên là điều không hề đơn giản và cần một quá trình tích lũy, điều chỉnh, nỗ lực của cả tổ chức. Để có những gợi ý hữu ích trong câu chuyện tối ưu hóa quản lý nhân sự, bạn có thể tham khảo chương trình Building the True Company để xây dựng, vận hành hoạt động HRM chuyên nghiệp, phù hợp với tổ chức của mình.