Quản lý nguồn nhân lực là hoạt động không thể thiếu ở mọi doanh nghiệp. Nguồn nhân lực ở doanh nghiệp đều có giới hạn và cần được quản lý, kiểm soát tốt để tối ưu kết quả, hiệu suất công việc đạt được. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp qua bài viết sau.

Quản lý nguồn nhân lực là gì?

Quản lý nguồn nhân lực (Human Resource Management – HRM) là tổng thể của nhiều hoạt động trong vận hành doanh nghiệp như: tuyển dụng, triển khai và quản lý nhân viên của một tổ chức. Hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong thực tế doanh nghiệp thường tập trung ở Phòng Hành chính – Nhân sự hoặc Bộ phận BO (Back Office). Đây là bộ phận chịu trách nhiệm đề xuất các chính sách quản lý nhân sự, xử lý các phát sinh giữa tổ chức với nhân viên.

HRM là thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1900 và sau đó được phổ biến rộng rãi từ những năm 1960. Cho đến nay, công tác HRM vẫn được xem là thiết yếu với mỗi doanh nghiệp. Con người trong góc nhìn của quản lý nguồn nhân lực không phải chỉ là một yếu tố của quy trình sản xuất mà chính là tài sản quý báu song hành cùng quá trình phát triển của doanh nghiệp. Quản lý nguồn nhân lực sẽ giúp phát huy tối đa tài sản đó, phục vụ tầm nhìn, hướng đến đạt được sứ mệnh doanh nghiệp đề ra.

Bạn có thể thấy bất cứ một kế hoạch kinh doanh hay phát triển dự án nào khi lên kế hoạch cũng cần xem xét đến nguồn lực thực tế của doanh nghiệp đang có. Nguồn nhân sự còn yếu sẽ cần đào tạo, còn thiếu sẽ cần tuyển dụng bổ sung. Khi nhân lực cho một công việc dư thừa, thiếu việc sẽ cần điều chuyển hỗ trợ bộ phận khác… Những điều chỉnh kế hoạch như vậy đều giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn nhân lực mình đang có.

quản lý nguồn nhân lực
HRM là thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1900 và sau đó được phổ biến rộng rãi từ những năm 1960

Tầm quan trọng của quản lý nguồn nhân lực

Bạn sẽ cần thực hiện quản lý nguồn nhân lực dù doanh nghiệp của bạn là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nào đi chăng nữa. Quản lý nguồn nhân lực tốt là nền tảng giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích trong cả ngắn, trung và dài hạn.

Giúp đạt được sứ mệnh của tổ chức

Sứ mệnh của một tổ chức là lý do tổ chức ấy tồn tại. Mọi doanh nghiệp khi bắt đầu đều sẽ hướng đến việc giải quyết một vấn đề, “nỗi đau” nào đó của khách hàng, của xã hội. Ví dụ như:

  • Doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm nhân sự để giúp việc quản trị nhân sự trở nên đơn giản, tốn ít nỗ lực hơn
  • Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển để giúp khách hàng giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa, con người
  • Doanh nghiệp lĩnh vực headhunter sẽ giải quyết bài toán tuyển dụng cho doanh nghiệp…

Tùy theo sứ mệnh của mình, doanh nghiệp sẽ tập hợp, huấn luyện, đào tạo đội ngũ nhân sự có khả năng giúp doanh nghiệp đạt được sứ mệnh đã đề ra. Quá trình tập hợp, huấn luyện, đào tạo đội ngũ để hướng đến sứ mệnh doanh nghiệp như vậy đều có vai trò của hoạt động quản lý nguồn nhân lực.

Chỉ khi quản lý nguồn nhân lực tốt, nhà quản trị mới có thể đảm bảo đội ngũ của mình phù hợp để cùng cộng hưởng các giá trị, ưu điểm bản thân và hướng đến cùng tổ chức đạt được sứ mệnh đã đề ra. 

Chẳng hạn như SpaceX là một công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và nổi tiếng với văn hóa làm việc quá giờ một cách khắc nghiệt. Tuy nhiên, bản thân nhân viên SpaceX không xem đó là khắc nghiệt vì họ hiểu rõ kết quả mà tổ chức và bản thân muốn hướng tới. Và, họ sẽ nỗ lực để đạt được kết quả đó dù có phải làm thêm giờ thường xuyên. Văn hóa kết quả với khả năng làm việc vượt giới hạn của mỗi thành viên đã góp phần tạo nên thành công của SpaceX.

Nhân viên SpaceX hiểu rõ ý nghĩa công việc họ đang làm sẽ góp phần tạo ra lịch sử cho ngành hàng không vũ trụ. Vì vậy, họ thậm chí thể làm việc liên tục 60 – 70 tiếng mỗi tuần.

Nhân viên SpaceX hiểu rõ ý nghĩa công việc họ đang làm sẽ góp phần tạo ra lịch sử cho ngành hàng không vũ trụ và nỗ lực hướng đến sứ mệnh của tổ chức

Củng cố văn hoá doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp có thể giúp định hình, kiến tạo và ảnh hưởng đến các thành viên của tổ chức. Tuy nhiên ở góc độ ngược lại, chính mỗi thành viên tổ chức cũng giúp lan tỏa, đóng góp, làm thăng hoa văn hóa doanh nghiệp.

Khi quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp được thực hiện tốt, doanh nghiệp của bạn sẽ lựa chọn được những người không chỉ đáp ứng về chuyên môn mà còn phù hợp về văn hóa. Từ đó, văn hóa của doanh nghiệp sẽ tiếp tục được củng cố, duy trì và phát triển đúng như tầm nhìn doanh nghiệp hướng tới.

Nghiên cứu của WeSpire vào năm 2018 cho biết: thế hệ Z sẽ chiếm 30% lực lượng lao động vào năm 2022 và là thế hệ đầu tiên ưu tiên mục đích hơn tiền bạc. Họ đọc các tuyên bố sứ mệnh và giá trị của công ty để xác định nơi họ phù hợp nhất. Thế hệ này mong đợi sự nhất quán và tính xác thực và kỳ vọng vào một doanh nghiệp có văn hóa tích cực với mục đích, giá trị cốt lõi mạnh mẽ.

Phát triển nhân sự

Quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nhân sự. Điều này thể hiện qua nhiều góc độ:

  • Giúp điều phối đúng người làm đúng việc, tận dụng hiệu quả các kỹ năng và khả năng của từng nhân viên
  • Hỗ trợ nhân viên làm việc hiệu quả thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo, huấn luyện kịp thời
  • Xây dựng, duy trì trải nghiệm làm việc tích cực của nhân viên
  • Đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời các chính sách, thủ tục, quy định của công ty để nhân viên thực hiện…

Quá trình làm việc của nhân viên tại doanh nghiệp có vai trò của HRM ngay từ khâu tuyển dụng – ngày đầu đến công ty – quá trình làm việc – cho đến khi nhân viên nghỉ việc. Quản lý nguồn nhân lực tối ưu sẽ giúp nhân viên nhanh chóng hòa nhập cùng môi trường văn hóa, môi trường làm việc của doanh nghiệp và đạt được hiệu suất, hiệu quả tốt hơn.

Quản lý nguồn nhân lực
Quản lý nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong phát triển nhân sự của tổ chức

Tìm hiểu thêm: 4 Mục tiêu chính của quản lý nguồn nhân lực

Quản lý rủi ro của công ty

Những xung đột lợi ích dẫn đến khiếu kiện giữa doanh nghiệp và người lao động là điều không doanh nghiệp nào mong muốn. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng danh tiếng, làm đội ngũ nhân sự có tâm lý hoang mang… Để dự phòng những rủi ro trong quá trình sử dụng lao động, doanh nghiệp cần đảm bảo quản lý nguồn nhân lực đúng quy trình, quy định pháp luật.

Mặt khác, quản lý nguồn nhân lực còn đóng vai trò quan trọng giúp gắn kết đội ngũ nhân sự của tổ chức, dự phòng rủi ro suy giảm hiệu suất, hiệu quả công việc.

Một nghiên cứu Gallup cho biết: những công ty có nhân viên có sự gắn bó, hợp tác cao tạo ra lợi nhuận cao hơn 21% và có tỷ lệ năng suất cao hơn 17% so với những công ty không có. Mức độ hợp tác cao của nhân viên có thể giúp nhân viên làm việc hiệu quả, thông minh với hiệu suất ngày càng được cải thiện.

Quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp yếu kém có khả năng khiến nhân viên nghỉ việc cao hơn. Có đến 38% nhân viên cân nhắc rời bỏ công việc hiện tại khi họ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị mắc kẹt trong môi trường làm việc không được chào đón. Đồng thời, khoảng 65% nhân viên cho biết văn hóa công ty là yếu tố quan trọng trong việc duy trì công việc của họ. 

Tạo động lực và sự hài lòng cho nhân sự

Quản lý nguồn nhân lực có thể giúp tạo động lực, sự hài lòng cho nhân sự. Có được điều này là vì trong quá trình thực hiện quản lý nguồn nhân lực, đội ngũ HR sẽ đảm bảo cung cấp cho nhân viên trải nghiệm làm việc tích cực.

Quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp sẽ cung cấp những hoạt động, sự kiện giúp tạo động lực, sự hài lòng cho nhân sự như: các buổi lễ vinh danh; tổ chức sinh nhật; đảm bảo thực hiện các chế độ, phúc lợi theo đúng quy định công ty…

Nghiên cứu của Business Solver (đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý các quỹ phúc lợi cho người lao động) cho biết: 40% số nhân viên tham gia khảo sát sẵn sàng làm việc ngoài giờ nếu tổ chức ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của họ trong công việc.

Tại các doanh nghiệp, tổ chức hiện nay, bạn có thể bắt gặp khá thường xuyên những buổi lễ vinh danh nhân viên xuất sắc hàng tháng, hàng quý hay minh tinh hàng năm. Hoạt động vinh danh, ghi nhận này thường được HRM đại diện công ty tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo công ty.

Quản lý nguồn nhân lực
Cải thiện động lực, sự hài lòng cho nhân viên là một trong những giá trị cốt lõi HRM đem lại cho tổ chức

Đọc thêm: 10 cách tăng động lực của nhân viên mà ít tốn kém

Quản lý nguồn nhân lực trên thế giới

Quản lý nguồn nhân lực trên thế giới có rất nhiều xu hướng, nghiên cứu khác nhau. Thời gian gần đây, chúng ta có thể điểm lại một số xu hướng chủ đạo, tiêu biểu như:

– Quản lý nguồn nhân lực như một sản phẩm: Một trong những xu hướng quản lý nguồn nhân lực đáng chú ý nhất mà chúng ta đang thấy hiện nay là sự chuyển hướng từ nhân sự tập trung vào các dự án sang nhân sự tập trung vào sản phẩm. 

Điều này thể hiện một sự thay đổi cơ bản đối với cách vận hành của bộ phận nhân sự. Theo truyền thống, bộ phận nhân sự hoạt động với tư duy dự án. Một dự án có một lịch trình rõ ràng, thiết lập các sản phẩm phân phối, một tập hợp tài nguyên được xác định trước và nhằm mục đích giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Quản lý nguồn nhân lực lúc này đóng vai trò hỗ trợ các bộ phận khác trong tổ chức là chính yếu.

Còn với tư duy mới, xem quản lý nguồn nhân lực như một sản phẩm, tổ chức của bạn sẽ không chỉ nâng cao được chất lượng dịch vụ nhân sự mà còn cho phép quản lý nguồn nhân lực trực tiếp giúp tổ chức cải thiện lợi nhuận. HRM lúc này đóng vai trò là một bộ phận, một khâu thiết yếu của tổ chức trong mọi hoạt động chứ không chỉ giữ vai trò đứng sau hỗ trợ. 

HRM cũng sẽ cung cấp sản phẩm, dịch vụ của họ và khách hàng của HRM chính là những thành viên nội bộ trong tổ chức. HRM sẽ cần nỗ lực tối ưu hóa hoạt động của mình bởi vì họ cũng là những người đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.

Quản lý nguồn nhân lực
HRM cung cấp sản phẩm, dịch vụ với khách hàng là chính những thành viên trong tổ chức

– Định hình cách thức hợp tác, sáng tạo: Với sự hỗ trợ của các nền tảng online, hiện nay nhân viên có thể làm việc tốt không chỉ ở văn phòng mà còn ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, việc làm việc từ xa có thể dẫn đến khả năng suy giảm sự hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức.

Theo International Facilities Management Association, đa phần các nhân viên Mỹ đều ưa chuộng không gian làm việc mở, tuy nhiên hiện tại, các công ty bắt đầu nhận thức được rằng không gian mở không phải luôn là nơi thích hợp nhất để hoàn thành công việc.

Cũng theo đó, nghiên cứu từ Steelcase lấy ý kiến từ 12.480 nhân viên tại 17 quốc gia trên toàn cầu cho thấy, việc có lựa chọn một không gian làm việc mở hay không thật sự không quan trọng. Điều quan trọng chính là tổ chức làm cách nào để trao quyền cho nhân viên lựa chọn nơi mình sẽ làm việc và theo đuổi mục tiêu công việc. 

Theo dữ liệu từ ADP, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, những nhân viên làm việc từ xa chỉ có 60% cuộc trò chuyện đột xuất với đồng nghiệp. Con số này với những nhân viên làm việc tại văn phòng là 77%.

Đứng trước viễn cảnh một bộ phận nhân sự sẽ làm việc từ xa và gặp hạn chế trong tương tác, trao đổi với nhau, vai trò của quản lý nguồn nhân lực lúc này là giúp tổ chức định hình cách thức hợp tác, sáng tạo. HRM sẽ giúp tổ chức định hình cách thức hợp tác, sáng tạo thông qua thiết kế các phương pháp, quy trình, cách thức làm việc, tương tác phù hợp với cả nhân sự làm việc trực tiếp và từ xa. Chỉ có duy trì được hợp tác, sáng tạo tập thể, tổ chức mới đảm bảo được sự đổi mới cần thiết để hướng tới phát triển trong cả ngắn, trung và dài hạn.

– Quản trị nhân tài: Một trong những bài học lớn nhất rút ra từ đại dịch Covid-19 vừa qua với hầu hết tổ chức là họ không thể chỉ dựa vào việc tuyển dụng nhân tài từ bên ngoài mà còn cần tận dụng, phát triển những tài năng hiện có của tổ chức.

Quản lý nguồn nhân lực sẽ cần tập trung vào câu chuyện quản trị nhân tài của tổ chức. Quản trị nhân tài ở đây không chỉ bao hàm việc đảm bảo tuyển dụng đủ nhu cầu nguồn lực từ các phòng ban, bộ phận mà HRM còn cần đóng vai trò dự báo nguồn lực để có kế hoạch phát triển, đào tạo từ chính đội ngũ hiện tại của tổ chức hoặc thuê nguồn lực từ bên ngoài.

Theo báo cáo của Harvard Business School, gần 2/3 doanh nghiệp hiện thích mượn hoặc thuê những người có kỹ năng nhất định từ các công ty khác, thay vì tuyển dụng nhân viên toàn thời gian mới. Theo mô hình này, các tổ chức sẽ thực hiện hợp đồng dịch vụ có thời hạn với người lao động khi cần tham vấn ý kiến ​​hoặc thực hiện một công việc cụ thể.

– Phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp: Thông tin từ AIHR cho biết: người lao động hiện nay ít có khả năng cống hiến toàn bộ sự nghiệp của họ cho một tổ chức. Trên thực tế, trung bình người lao động sẽ thay đổi công việc 4 năm một lần. Nhân viên trong độ tuổi từ 18 đến 24 có thể thay đổi công việc từ 5 – 7 lần trong sự nghiệp của họ. 

Việc nhân sự thường xuyên thay đổi môi trường làm việc đặt ra cho công tác quản lý nguồn nhân lực bài toán cần phát triển kinh nghiệm làm việc của nhân viên mới tương ứng, phù hợp với tổ chức của mình. HRM cần tạo ra cơ hội học tập từ cả đào tạo và thực tế công việc cho nhân viên để họ có thể phát triển kinh nghiệm nghề nghiệp phù hợp với tổ chức.

Quản lý nguồn nhân lực
Kinh nghiệm nghề nghiệp của nhân viên sẽ được tích lũy dần qua quá trình đào tạo và thực tế công việc

– Dự phòng các tình huống phát sinh: Quản lý nguồn nhân lực được xem là công việc có tính linh hoạt, tùy biến khá cao. Vai trò của HRM trong sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay cũng đòi hỏi khả năng dự phòng các tình huống phát sinh tốt hơn.

Doanh nghiệp và nhân viên cần học cách làm việc linh hoạt, thích ứng nhanh chóng hơn với sự thay đổi của thị trường, khách. Điều đó cũng ảnh hưởng và đòi hỏi HRM phải dự phòng tình huống phát sinh để giúp quá trình vận hành doanh nghiệp, trải nghiệm làm việc của nhân viên diễn ra thông suốt.

Chẳng hạn như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vai trò của HRM lúc này là dự phòng các tình huống phát sinh, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn lực phù hợp, thích ứng tình hình mới. Các chính sách nhân sự lúc này cần vừa đảm bảo câu chuyện doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng cũng cần đảm bảo giữ được nguồn nhân sự chất lượng của doanh nghiệp.

– Ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự: Cùng với sự phát triển của công nghệ, quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp cũng ghi nhận xu hướng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. HR hiện có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để đánh giá các kỹ năng hiện có của ứng viên. Hay như các báo cáo từ phần mềm nhân sự chuyên nghiệp có thể giúp nhà quản trị dự báo được xu hướng biến động, thời điểm biến động nhân sự của tổ chức…

Gideon Mann – Giám đốc khoa học số liệu của Bloomberg LP cho biết: “trong vòng 5 năm tới, tự động hóa sẽ thâm nhập ngày càng sâu vào công việc và cuộc sống cá nhân của chúng ta.”  Thực tế hiện nay, bạn có thể bắt gặp những đoạn hội thoại phục vụ tuyển dụng do chatbot thực hiện thay vì do nhân sự tuyển dụng thực hiện. Công nghệ đang được tích hợp vào từng khâu của công tác quản lý nguồn nhân lực.

Xu hướng ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự xuất hiện tập trung và mạnh mẽ ở các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn. Những bài toán nhân sự của doanh nghiệp lớn thực sự tốn nhiều nỗ lực, thời gian để xử lý và công nghệ có thể cung cấp lời giải để gia tăng hiệu suất, hiệu quả công tác quản lý nhân lực.

– Chuyển từ phân tích con người sang phân tích dữ liệu: Quản lý nguồn nhân lực sẽ gắn liền với những hoạt động liên quan đến con người của tổ chức. Tuy nhiên xu hướng HRM hiện nay đã chuyển dần từ phân tích con người sang phân tích dữ liệu.

Các chuyên gia nhân sự đồng thời cũng cần phải trở thành chuyên gia phân tích dữ liệu. Hoạt động của nhân sự sẽ không còn bị đánh giá cảm tính, gắn với con người cụ thể mà cần những dữ liệu phân tích, số liệu cụ thể để đánh giá.

– Xây dựng chính sách tác động đến hiệu suất doanh nghiệp: Mỗi chính sách nhân sự của HRM không chỉ bó hẹp trong từng con người cụ thể mà còn có ảnh hưởng tới hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp. Một số chính sách mà các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới áp dụng để đảm bảo hiệu suất doanh nghiệp, sự hài lòng, hạnh phúc của đội ngũ có thể kể đến như: đảm bảo không có sự chênh lệch về chủng tộc và dân tộc trong các kế hoạch chăm sóc sức khỏe; lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo cách chăm sóc phù hợp về văn hóa và ngôn ngữ của từng đối tượng nhân sự…

Thay đổi lớn khác trong xây dựng chính sách của HRM còn phải kể đến là chính sách chi trả lương thưởng cho nhân viên dựa trên kỹ năng của họ thay vì chỉ dựa theo chức danh công việc hay kinh nghiệm.

– Quan tâm đến phát triển trải nghiệm làm việc tích cực của nhân viên: Nghiên cứu của The Future Workplace and Beyond.com chỉ ra rằng, 83% lãnh đạo quản trị nhân sự nhận định, sự trải nghiệm nhân viên hoặc quan trọng, hoặc rất quan trọng đối với sự thành công của tổ chức. HRM các công ty đang đầu tư nhiều hơn trong việc đào tạo (56%), cải thiện không gian làm việc (51%) và trao nhiều phần thưởng tạo động lực, khuyến khích nhân viên hơn (47%).

Động lực lớn giúp các công ty tập trung phát triển những trải nghiệm hấp dẫn nhân viên đến từ “cuộc chiến” thu hút nhân tài đang ngày càng quyết liệt. Theo Mercer, có đến 90% chủ doanh nghiệp cảm nhận mức độ cạnh tranh hơn trong công việc tìm người tài. Vì vậy, việc tạo ra trải nghiệm làm việc tích cực giúp công ty ghi dấu ấn mạnh mẽ đối với các nhân viên hiện tại và cả tiềm năng.

Quản lý nguồn nhân lực tại Việt Nam

Để xem xét về quản lý nguồn nhân lực tại Việt Nam, bạn hãy cùng VNOKRs điểm lại một số báo cáo, thống kê.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2019, Việt Nam chỉ có 22,8% lao động được đào tạo nghề và kỹ năng. Trong các doanh nghiệp FDI, có đến gần 80% lao động không có chứng chỉ đào tạo hay bằng cấp. Đặc biệt, tỷ lệ đào tạo nghề, kỹ năng ở lao động Việt Nam không có quá nhiều thay đổi qua các năm.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến tháng 12/2020, Việt Nam có 32,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch Covid-19 như: mất việc làm; bị luân chuyển; giảm thu nhập; giảm giờ làm…

Tháng 4/2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đưa ra báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai. Theo đó Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 trong danh sách các quốc gia được khảo sát. Thực tế, lực lượng lao động Việt Nam chưa hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xem xét trong tương quan khu vực Đông Nam Á, mức độ sẵn sàng của Việt Nam chỉ gần tương đương Campuchia và xếp sau hàng loạt các quốc gia khác như: Thái Lan; Malaysia; Philippines… 

Thực tế về nguồn lực, chất lượng lao động Việt Nam dẫn đến quản lý nguồn nhân lực tại nước ta gặp nhiều khó khăn như:

  • Chất lượng lao động thiếu và yếu về kỹ năng, đặc biệt ở các lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao như: kiểm toán; tài chính; luật; công nghệ…
  • Kỷ luật lao động còn kém. Một bộ phận lao động còn nặng tư duy nông nghiệp, tùy tiện về tác phong, thời gian.
  • Khả năng làm việc nhóm, hợp tác kém, thiếu những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.

Để giải quyết bài toán quản lý nguồn nhân lực, doanh nghiệp Việt có thể tham khảo một số giải pháp như:

  • Tích hợp công nghệ cao để hỗ trợ công tác quản lý nguồn nhân lực
  • Thực hiện tuyển dụng kỹ càng nhân sự không chỉ đáp ứng về chuyên môn mà còn phù hợp về văn hóa doanh nghiệp
  • Quan tâm đến trải nghiệm làm việc của nhân viên để tìm phương án cải thiện hiệu suất, hiệu quả lao động
  • Đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, đào tạo văn hóa doanh nghiệp
  • Thực hiện chính sách nhân sự đảm bảo công bằng, khuyến khích giữ chân nhân tài
Quản lý nguồn nhân lực
Tích hợp công nghệ để hỗ trợ công tác quản lý nguồn nhân lực là một xu hướng có thể giúp doanh nghiệp Việt giải quyết các bài toán HRM

*

Quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực để phát triển bền vững trong cả ngắn, trung và dài hạn. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần quan tâm đến HRM.

Hy vọng những chia sẻ của VNOKRs hữu ích và là những gợi mở tốt để bạn xây dựng công tác quản lý nguồn lực trong doanh nghiệp của mình. Để quản lý nguồn lực tốt hơn, bạn còn có thể tham khảo khóa học về nhân sự tại VHRS.

Chương trình MHRM – Modern Human Resource Management – của VHRS được thiết kế dành riêng cho những người làm nghề nhân sự ở các cấp bậc khác nhau và các nhà quản lý, lãnh đạo – những người nắm giữ vai trò quản trị con người – một trong những nhân tố sống còn của các doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tìm hiểu chi tiết về chương trình MHRM