Nhắc đến một doanh nghiệp cụ thể hẳn bạn sẽ hình dung ngay về sản phẩm, dịch vụ họ đang cung cấp ra thị trường. Vậy nhưng, sức mạnh, sự “bền bỉ” của doanh nghiệp nhiều khi không chỉ nằm ở sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà còn nằm ở chính văn hóa của họ. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về Văn hóa Doanh nghiệp là gì qua bài viết sau.
Khái niệm văn hóa doanh nghiệp
Có thể có nhiều cách hiểu, khái niệm khác nhau về văn hóa doanh nghiệp. Từ thực tế quản trị, vận hành doanh nghiệp, VNOKRs nhận thấy về bản chất, văn hóa doanh nghiệp chính là tính cách, khí chất, là cách suy nghĩ, hành động của chủ doanh nghiệp, người đứng đầu tổ chức.
Ban lãnh đạo công ty là những người đề cao sự trung thực thì văn hóa doanh nghiệp đó sẽ tập trung nhiều vào yếu tố trung thực. Tính cách của người đứng đầu sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh, đến các quản lý cấp trung và cho đến từng nhân viên. Tích cách người đứng đầu cũng sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để tạo nên tiêu chí tuyển dụng, lựa chọn thành viên gia nhập công ty, tổ chức.
Văn hóa một doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí được hình thành dần từ chính tính cách người đứng đầu. Để hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp, bạn hãy cùng VNOKRs so sánh văn hóa doanh nghiệp mạnh và văn hóa doanh nghiệp yếu qua bảng sau:
Tiêu chí | Văn hóa doanh nghiệp mạnh | Văn hóa doanh nghiệp yếu |
Thái độ của nhân viên | Tôn trọng – nhân viên sẽ tôn trọng những giá trị văn hóa, quy định, chính sách của công ty | Sợ hãi – nhân viên sẽ chấp nhận tuân thủ các quy định vì họ sợ hãi. Họ chấp nhận tuân thủ nhưng thực hiện với một tâm thế đối phó |
Giá trị với công việc | Nhân viên xem công việc như một cơ hội để trải nghiệm, học hỏi và cố gắng đạt hiệu suất công việc tốt | Nhân viên làm việc bị động, cơ học |
Sự gắn bó với tổ chức | Nhân viên chấp nhận vai trò, trách nhiệm công việc của mình; hiểu rõ văn hóa tổ chức và có sự gắn bó lâu dài | Nhân viên đơn thuần xem công ty, tổ chức là nơi kiếm tiền và có mức độ gắn bó thấp, biến động nhân sự cao |
Mô hình văn hoá doanh nghiệp của Edgar Schein
Vào năm 1980, Edgar Schein, cựu giáo sư tại Trường Quản lý MIT Sloan (Mỹ) đã phát triển và công bố một mô hình văn hóa doanh nghiệp. Trong mô hình này, ông cũng chỉ ra những bước nên tiến hành để mang lại những thay đổi tích cực cho văn hóa doanh nghiệp. Sau này, mô hình đó thường được nhắc tới bằng chính tên của người phát triển.
Giới thiệu về mô hình văn hoá tổ chức của Edgar Schein
Vấn đề được đặt ra trong thực tế quản trị, vận hành doanh nghiệp là tại sao nhân viên sẽ cư xử khác nhau ở các tổ chức khác nhau?
Mô hình văn hóa tổ chức của Edgar Schein chỉ ra: trong một tổ chức sẽ có các cơ chế vận hành trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, mô hình văn hóa doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng của các cơ chế trực tiếp, bao gồm 3 yếu tố cũng là những cấp bậc khác nhau của mô hình văn hóa tổ chức:
- Quan niệm nền tảng – ngầm định
- Các giá trị được đồng thuận – tuyên bố
- “Tạo tác” và các hành vi – hữu hình
Cơ chế gián tiếp của doanh nghiệp tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa tổ chức. Tuy nhiên, cơ chế gián tiếp như sứ mệnh, tầm nhìn, bản sắc của doanh nghiệp có ảnh hưởng mang tính quyết định, lâu dài đến văn hóa tổ chức.
Theo Edgar Schein: “Các tri thức đã học được và được tích lũy như một hình mẫu (pattern) hay hệ thống các niềm tin, giá trị và chuẩn mực hành vi đã trở thành hiển nhiên, khỏi bàn cãi vì đã biến thành các ngầm định cơ bản và rơi rụng khỏi ý thức của mọi người (trở thành vô thức)”.
Văn hoá của một nhóm được định nghĩa là quá trình học tập và tích luỹ cùng nhau của các thành viên nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ quá trình thích nghi với bên ngoài và hoà nhập với bên trong. Thành quả của quá trình ấy sẽ trở thành quy tắc nền tảng của nhóm và sẽ định hướng nhận thức, tư duy, hành vi và cảm xúc của các thành viên mới khi họ gặp phải vấn đề tương tự trong tương lai
Edgar Schein
Quan niệm nền tảng – ngầm định (Basic Assumptions)
Quan niệm nền tảng, ngầm định là niềm tin, nhận thức mặc định đối với tất cả các thành viên của doanh nghiệp. Đây là cấp bậc cao nhất của văn hóa tổ chức, chi phối, giúp tất cả các phòng ban, nhân viên cùng hành động, suy nghĩ trong một tâm thế chung như một chỉnh thể.
Chẳng hạn như bạn ngầm định và xây dựng quan niệm nền tảng của tập thể công ty là kiến tạo một tập thể đoàn kết như một đội bóng. Như vậy, trong cách hành xử, giao tiếp giữa các thành viên công ty cũng sẽ trên tâm thế là những người đồng đội cùng nhau sát cánh hướng tới chiến thắng.
Để xây dựng được quan niệm nền tảng, ngầm định thấm nhuần đến từng nhân viên sẽ cần rất nhiều nỗ lực, thời gian. Chỉ khi nhân viên của bạn xem những ngầm định đó như những luật bất thành văn và họ sẽ tuân thủ mà không thắc mắc thì quan niệm nền tảng mới thực sự hiện hữu trong tổ chức.
Các giá trị được đồng thuận – tuyên bố ( Espoused values)
Các giá trị được đồng thuận, tuyên bố thường được thể hiện qua các hình thức như:
- Giá trị cốt lõi
- Bộ quy tắc chung
- Các quy định được ban hành
- Chiến lược, sứ mệnh
Chẳng hạn như ở Amazon, tỷ phú Jeff Bezos công khai về 16 nguyên tắc lãnh đạo:
- Nỗi ám ảnh của khách hàng
- Quyền sở hữu
- Phát minh và đơn giản hóa
- Đúng, rất nhiều
- Tìm hiểu và tò mò
- Thuê và phát triển tốt nhất
- Nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn cao nhất
- Suy nghĩ lớn
- Thiên vị cho hành động
- Tính tiết kiệm
- Kiếm được niềm tin
- Chi tiết
- Có chính kiến; không đồng ý và cam kết
- Cung cấp kết quả
- Phấn đấu trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất Trái đất
- Thành công và mở rộng trách nhiệm lớn hơn
Các giá trị được đồng thuận, tuyên bố như trên được công bố rộng rãi trong toàn tổ chức và thậm chí là cả với bên ngoài. Ở cấp độ văn hóa này, các giá trị được đồng thuận được áp dụng như một kim chỉ nam giúp mọi cá nhân trong tổ chức hiểu rõ cần đi về đâu, đi như thế nào. Do đó, nhìn vào giá trị được đồng thuận, tuyên bố của một tổ chức, bạn có thể cảm nhận được tổ chức này định vị mình ở đâu và họ đang muốn hướng tới điều gì trong dài hạn.
“Tạo tác” và các hành vi – hữu hình (Artefacts)
Những tạo tác, các hành vi hữu hình trong tổ chức thể hiện văn hóa doanh nghiệp có thể kể đến như: logo; slogan; màu sắc thiết kế; trang phục; bảng biểu; cách viết email; cách giao tiếp, phối hợp, quy trình làm việc…
Những tạo tác, hành vi hữu hình phản ánh văn hóa của doanh nghiệp một cách trực diện, dễ nhận biết. Khi vào một văn phòng công ty, bạn có thể sẽ thấy những slogan được in nổi bật dán trên tường văn phòng. Có những slogan nổi bật, ghi dấu ấn và thậm chí “ghim” vào tâm trí khách hàng, nhân viên về tính cách, văn hóa doanh nghiệp đó.
Công ty | Slogan | Hình dung về văn hóa doanh nghiệp |
Vinamilk | Vươn cao Việt Nam | Nỗ lực hướng tới việc cải thiện tầm vóc, phát triển trí tuệ cho người Việt thông qua sản phẩm sữa |
Mobifone | Mọi lúc mọi nơi | Nỗ lực đạt chất lượng dịch vụ tốt nhất, giúp người dùng có thể kết nối mạng di động bất cứ lúc nào |
Biti’s | Nâng niu bàn chân Việt | Nỗ lực tối ưu sản phẩm để đảm bảo người dùng giày dép có trải nghiệm tốt nhất |
Prudential | Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu | Nỗ lực đạt chất lượng tư vấn khách hàng tốt nhất |
Tiki | Niềm vui mua sắm | Nỗ lực đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm hàng hóa tốt nhất với thật nhiều niềm vui mỗi ngày |
Tạo tác, hành vi hữu hình còn được thể hiện qua nhiều yếu tố khác trong vận hành doanh nghiệp, chẳng hạn như:
Hành vi | Hình dung về văn hóa doanh nghiệp |
Bố trí cho nhân viên chỗ ăn trưa, nghỉ trưa | Quan tâm, chu đáo, tin cậy |
Yêu cầu mặc đồng phục vào đầu tuần | Hướng đến sự đoàn kết, đồng lòng |
Nhiều quy định và hình phạt kèm theo được ban hành | Hướng đến sự kỷ luật, tuân thủ |
Cho phép nghe nhạc trong giờ làm việc | Đề cao sự thoải mái, sáng tạo |
Bắt buộc sử dụng “Kính gửi” trong mọi email | Đề cao sự tôn trọng, thứ bậc |
Về tổng quan, tạo tác và các hành vi hữu hình dễ nhận biết nhưng cũng dễ thay đổi. Chẳng hạn như trong trường hợp công ty thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới chẳng hạn. Các tạo tác, hành vi hữu hình dễ thay đổi nhưng bản chất văn hóa doanh nghiệp sẽ có độ trễ và cần thời gian nếu thượng tầng doanh nghiệp muốn thay đổi.
Tìm hiểu thêm:
Các loại hình văn hoá doanh nghiệp
Các yếu tố ảnh hưởng tới văn hoá doanh nghiệp
Tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng với mọi doanh nghiệp dù ở quy mô, ngành nghề nào. Bạn có thể nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp ở nhiều góc độ phát triển của doanh nghiệp như:
Văn hóa doanh nghiệp với phát triển nhân sự, tổ chức
Văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng với công tác phát triển nhân sự, tổ chức của doanh nghiệp, thể hiện qua 4 khía cạnh:
- Giảm bớt các xung đột trong tổ chức: Văn hóa doanh nghiệp với các tạo tác hành vi hữu hình, các giá trị được đồng thuận và đặc biệt là quan niệm nền tảng ngầm định sẽ giúp định hướng cho nhân viên trong các hành xử, phối hợp công việc. Khi tất cả nhân viên, các phòng ban, bộ phận cùng làm việc với một tâm thế giống nhau thì các xung đột trong tổ chức sẽ được giảm bớt.Bởi lẽ, các xung đột thường nảy sinh từ những khác biệt. Còn khi bạn kiến tạo được sự đồng thuận, nhất trí trong tổ chức theo một chuẩn mực chung thì sẽ hạn chế được tối đa những khác biệt dẫn đến xung đột trong tổ chức.
- Giảm biến động nhân sự: Một nỗi đau lớn với mọi doanh nghiệp là biến động nhân sự cao. Nhân sự qua một vài năm, thậm chí là chỉ sau một vài tháng quen việc lại tìm cách chuyển việc. Điều đó sẽ khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí về tuyển dụng mới, đào tạo, phát triển tổ chức…Khi bạn kiến tạo và định hình được văn hóa doanh nghiệp của mình, bạn sẽ giúp nhân viên gắn bó lâu dài hơn với tổ chức. Nhân viên sẽ gắn bó với tổ chức không hẳn chỉ vì phúc lợi, vì lương tháng, thưởng quý, thưởng năm… mà còn văn hóa tổ chức phù hợp với họ. Họ thấy mình là một phần của tổ chức và yên tâm làm việc, phát triển nghề nghiệp.
- Thuận lợi hơn trong công tác tuyển dụng: Rõ ràng một tổ chức có văn hóa doanh nghiệp tích cực sẽ có sức hút tuyển dụng tốt hơn. Đó cũng là lý do các nhà tuyển dụng hiện thường hiếm khi chỉ đăng tuyển những tin tuyển dụng khô khan theo dạng làm gì, được bao nhiêu mà họ sẽ lồng ghép các yếu tố cơ hội phát triển, văn hóa doanh nghiệp vào trong tin tuyển dụng của mình.
- Kích thích sự đổi mới, sáng tạo: Một tổ chức có văn hóa doanh nghiệp mạnh thì từ các cấp quản lý cho đến nhân viên đều hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp. Họ hiểu họ cần hướng đến điều gì và nỗ lực đạt được điều đó cùng tổ chức. Mong muốn đạt được những điều tốt đẹp hơn là động lực để mỗi nhân viên tự kích thích sự đổi mới, sáng tạo trong bản thân mình.Về cơ bản, mọi nhân viên đều mong muốn đóng góp, đem lại giá trị tích cực cho doanh nghiệp. Vấn đề là tổ chức có cung cấp được cho họ môi trường văn hóa doanh nghiệp phù hợp để họ phát triển, công hiến và “thăng hoa” cùng tổ chức hay không mà thôi.
Văn hóa doanh nghiệp với sản xuất, vận hành
Để sản xuất, vận hành doanh nghiệp bạn có thể chú ý nhiều vào các yếu tố như công nghệ; nguồn nhân lực; nguồn cung ứng; các yếu tố thay đổi của thị trường… Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng khác cũng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình sản xuất, vận hành của công ty là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng với sản xuất, vận hành thể hiện qua các khía cạnh như:
- Nâng cao hiệu suất công việc: Khi mọi nhân viên thấm nhuần, suy nghĩ và hành xử theo văn hóa doanh nghiệp thì họ sẽ hiểu doanh nghiệp thực sự mong muốn họ hướng đến điều gì. Nhân viên sẽ có được sự chủ động trong công việc của mình thay vì làm việc cơ học, máy móc theo chỉ đạo. Từ đó hiệu suất công việc của nhân viên sẽ được cải thiện.
- Gia tăng khả năng làm việc nhóm: Mỗi thành viên trong công ty có một tính cách, một chuyên môn riêng. Tuy nhiên, khi họ được gắn kết với nhau trong một tổng thể văn hóa doanh nghiệp chung thì họ sẽ trở thành những mảnh ghép kết nối với nhau, tạo nên giá trị cộng hưởng trong công việc, trong phát triển đội ngũ. Văn hóa doanh nghiệp có thể giúp đội ngũ của bạn thực sự trở thành một đội ngũ gắn kết, làm việc nhóm hiệu quả chứ không chỉ là những củ khoai tây được bó chung lại trong một chiếc bao.
Văn hóa doanh nghiệp với kinh doanh
Văn hóa doanh nghiệp không hề trừu tượng, xa vời. Nó được thể hiện rất rõ qua tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, qua cách phối hợp, hành động, cách ứng xử trong đội ngũ tổ chức và với khách hàng, đối tác. Khi tổ chức của bạn có được văn hóa doanh nghiệp tích cực, tổ chức của bạn sẽ có sức thu hút, tạo được sự tin cậy với khách hàng, đối tác.
Một thói quen dễ thấy khi bạn định hợp tác hay muốn tìm hiểu một tổ chức nào đó là lên Google tìm kiếm từ khóa chính tên công ty đó. Thói quen đó chính là cách bạn tìm hiểu về tạo tác, các hành vi hữu hình; các giá trị được đồng thuận, tuyên bố của doanh nghiệp đó. Bạn thực sự mong muốn cảm nhận được tổ chức này như thế nào thông qua các thông tin họ thể hiện.
Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hợp tác với một tổ chức có website, thông tin về văn hóa doanh nghiệp được cập nhật thường xuyên, chu đáo, đầy đủ hơn là một tổ chức không có bất cứ thông tin nào.
Như vậy, khi tổ chức nỗ lực kiến tạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì cũng là cách họ đặt nền móng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh về lâu dài.
Ví dụ về văn hóa doanh nghiệp thành công
Sẽ thật khó để khẳng định đâu là một văn hóa doanh nghiệp thành công. Lý do là vì mỗi doanh nghiệp ở mỗi quốc gia khác nhau, nền văn hóa khác nhau sẽ có những đặc thù, chuẩn mực, định hướng phát triển riêng biệt. Bạn không thể lấy một hình mẫu văn hóa doanh nghiệp nào đó áp đặt hoàn toàn lên doanh nghiệp của mình mà không tính đến các yếu tố đặc thù, riêng biệt này.
Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số ví dụ về văn hóa doanh nghiệp ở trên thế giới và Việt Nam để có thêm gợi ý xây dựng cho văn hóa tổ chức của mình.
Văn hóa doanh nghiệp của Google
Google nổi tiếng là công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Đồng thời, Google cũng được biết đến với mô hình văn hóa doanh nghiệp giàu bản sắc, quản lý hiệu quả và phúc lợi dành cho nhân viên đa dạng.
Văn hóa doanh nghiệp của Google tập trung vào các yếu tố cốt lõi như:
- Cho đi – Nhận lại: Google tạo điều kiện cung cấp thức ăn, dịch vụ giải trí, các phúc lợi đa dạng và nhân viên của họ có thể yên tâm làm việc với hiệu suất cao nhất.
- Cởi mở (Openness): Nhân viên Google được khuyến khích và tạo điều kiện để chia sẻ thông tin cởi mở với nhau. Văn phòng Google có khu vực giải trí đa dạng, khu uống cafe… để nhân viên chia sẻ những ý tưởng, trao đổi công việc với nhau. Đặc biệt, vào mỗi thứ sáu hàng tuần, công ty sẽ tổ chức họp lãnh đạo với nhân viên để các thành viên cởi mở chia sẻ ý kiến của mình.
Một ví dụ khác về tính cởi mở trong văn hóa của Google là vào năm 2009, Google từng tiến hành chương trình “Bureaucracy Busters”. Đây là chương trình phát hiện bất cập khi thực hiện các chỉ tiêu công việc. Các thành viên Google sẽ nói lên những bức xúc trong công việc của mình và đề xuất cách giúp công ty giải quyết các bất cập, vấn đề đó.
- Sáng tạo (Innovation): Google là công ty đề cao sáng tạo, xem yếu tố sáng tạo là then chốt cho sự phát triển lâu dài. Google cho phép nhân viên dành khoảng 20% thời gian làm việc để làm những điều họ muốn, tập trung phát triển những ý tưởng độc đáo, mới lạ
- Ưu tú (Excellence that comes with smartness): Google tập trung phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng, ưu tú. Các chương trình phát triển nhân sự đều hướng đến việc thúc đẩy đội ngũ nhân sự liên tục học tập, cải thiện kết quả công việc.
- Tiếp cận theo hướng thực hành (Hands-on approach): Nhân viên Google được yêu cầu không chỉ giỏi kiến thức lý thuyết mà còn cần có kỹ năng làm việc, khả năng thực hành. Nhân viên được kỳ vọng tiếp tục học tập ngay trong quá trình làm việc thông qua các khóa đào tạo, dự án và thử nghiệm.
Một con số thú vị là có đến 14% nhân viên một phòng ban tại Google chưa bao giờ học tập tại trường đại học.
- Mô hình công ty nhỏ (Small-company-family rapport): Dù Google cho đến nay được biết đến với danh xưng là gã khổng lồ của thế giới công nghệ với quy mô nhân sự lên đến vài chục nghìn người nhưng văn hóa doanh nghiệp Google vẫn hướng đến mô hình công ty nhỏ. Công ty nhỏ có nghĩa là Google sẽ duy trì môi trường làm việc gần gũi, dễ dàng trò chuyện, chia sẻ công việc. Điều đó giúp nhân viên công ty có được tinh thần làm việc tích cực hơn và gia tăng sự gắn kết giữa các nhân viên.
Văn hóa doanh nghiệp của Zappos
Tạp chí Fortune vào năm 2009 đã thực hiện bình chọn “Những công ty có môi trường làm việc tốt nhất”. Zappos khi đó là công ty được bình chọn giữ vị trí đầu bảng. Sau 10 năm phát triển, Zappos sau đó được Amazon mua lại với giá 1,2 tỷ USD.
Văn hóa doanh nghiệp của Zappos tập trung vào các yếu tố cốt lõi như:
- Niềm tin “động lực nội tại” (intrinsic motivation): Zappos xem các động lực nội tại như công việc có cơ hội học hỏi, phát triển sẽ giúp nhân viên gắn bó với tổ chức hơn là những động lực từ bên ngoài như tăng lương, thăng chức…
- Công việc – đời sống – cá nhân hòa hợp: Zappos sẽ chỉ tuyển dụng những nhân viên phù hợp với văn hóa tổ chức. Nhân viên mới ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ trải qua 5 tuần thực hiện trả lời điện thoại khách hàng. Qua 5 tuần này, họ sẽ cảm nhận được văn hóa công ty có phù hợp không. Nếu cảm thấy không phù hợp, nhân viên mới sẽ được trả 2.000 USD để ra đi. Ranh giới giữa công việc, đời sống, cá nhân ở Zappos khá mờ nhạt vì nó được định hướng cho sự hòa hợp, phù hợp giữa cá nhân và tổ chức ngay từ đầu.
Nhân viên tại Zappos sẽ được khuyến khích xây dựng những mối quan hệ chân thành, cởi mở. Họ nỗ lực xây dựng team hoạt động tích cực và xem nhau như gia đình.
- Cung cấp dịch vụ với trải nghiệm “WOW”: Zappos thực hiện chính sách miễn phí giao hàng, trả hàng trong thời gian lên đến 1 năm. Bên cạnh đó, công ty này còn có dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7 qua điện thoại. Nhân viên tại Zappos được khuyến khích làm việc, tương tác với khách hàng, đồng nghiệp trên tinh thần “WOW” – vượt khỏi mong đợi.
- Tạo dựng niềm vui và một chút “khác biệt”: Tại Zappos, để không khí làm việc vui vẻ hơn, nhân viên có thể xử lý công việc khác biệt hơn một chút so với cách xử lý thông thường. Cựu CEO Zappos, ông Tony Hsieh từng nói: “Các doanh nghiệp thường quên đi văn hóa, và cuối cùng, họ phải trả giá cho điều đó vì dịch vụ tốt không thể được mang lại bởi những nhân viên không hạnh phúc”.
- Mạo hiểm, sáng tạo & cởi mở: Nhân viên ở các công ty khác thường được cảnh báo để tránh các sai lầm. Còn ở Zappos, nhân viên được chấp nhận mạo hiểm, sáng tạo. Họ có thể mắc sai lầm miễn là học hỏi được điều gì đó từ sai lầm đã mắc phải. Nhân vật Zappos có tinh thần cởi mở, dám chấp nhận thử thách và nỗ lực tìm ra những giải pháp sáng tạo giải quyết vấn đề.
- Theo đuổi sự phát triển và học hỏi: “Tôi của ngày hôm nay tốt hơn tôi của ngày hôm qua” – đó là kim chỉ nam của mỗi nhân viên Zappos. Ở Zappos, nhân viên sẽ làm việc nhiều hơn để hướng tới việc làm ít đi. Họ luôn cố gắng để cải tiến hiệu suất công việc, đổi mới phát triển chứ không đi theo lối mòn.
- Đam mê, quyết tâm và khiêm tốn: Nhân viên Zappos được khuyến khích cần có đam mê và quyết tâm trong công việc. Họ được truyền cảm hứng, cảm thấy hạnh phúc và tin tưởng vào những giá trị mình đem lại cho công ty, cho khách hàng.
Họ cũng là những người khiêm tốn, biết lắng nghe và tôn trọng người khác.
Văn hóa doanh nghiệp của SpaceX
SpaceX là công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. SpaceX nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt, nhân viên thường xuyên làm việc quá giờ. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt này không đến từ các quy định bắt ép của công ty mà vì bản thân nhân viên SpaceX có khả năng tự tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ sẽ nỗ lực để đạt kết quả công việc dù phải làm thêm giờ, dù nguồn lực hạn chế bởi họ yêu thích công việc đang làm và hiểu giá trị công việc của mình.
Để xây dựng được văn hóa làm việc vượt giới hạn như vậy, nhân viên SpaceX được nhận nhiều lợi ích, động lực đa dạng như:
- Bữa tối, cafe miễn phí
- Chuyên gia massage
- Lễ vinh danh hàng tháng cho những người làm việc tốt nhất
- Thường xuyên gặp những người nổi tiếng, minh tinh hàng đầu đến thăm văn phòng SpaceX
- Những bài phát biểu khích lệ tinh thần hoặc email gửi toàn nhân viên của CEO Elon Musk
- Môi trường làm việc nhóm chăm chỉ, tạo nhiều động lực cho mỗi thành viên
- Tham gia các cuộc họp nhóm về cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Văn hóa doanh nghiệp của FPT
Mô hình văn hóa doanh nghiệp FPT hướng tới là mô hình đề cao tinh thần đồng đội và dân chủ. Tại FPT, ý kiến của các cá nhân luôn được tôn trọng và nếu có xung đột giữa các ý tưởng thì đội ngũ FPT đã có văn hóa gắn kết tinh thần đồng đội để dung hòa các ý tưởng theo lợi ích chung của công ty.
Văn hóa doanh nghiệp của FPT tập trung vào các yếu tố cốt lõi như:
- Sáng tạo không ngừng: Triết lý phát triển của FPT dựa trên nền tảng 5 chữ: “Sâu, Sáng, Tuyệt, Thông, Phong”. Năm chữ này có nghĩa là sâu sắc triết lý, sáng suốt trong việc quản lý, chất lượng tuyệt hảo, thông suốt lựa chọn thông tin và phong phú sáng tạo. Nhân viên của FPT được khuyến khích sáng tạo không ngừng trong công việc.
- Tôn trọng ý kiến cá nhân: Mọi ý kiến cá nhân đều được tôn trọng ở FPT, khó có tình trạng xảy ra xung đột ý tưởng, căng thẳng trong nội bộ. Văn hóa doanh nghiệp như chất dung môi làm dịu mát, gắn kết tinh thần đồng đội của mỗi thành viên công ty. Tôn trọng ý kiến cá nhân ở FPT được thể hiện rõ qua 3 tinh thần: nói thẳng – lắng nghe – bao dung.
- Kết nối và gắn kết bền chặt các thành viên: Tại FPT, các sự kiện thường niên, giao lưu, các trò chơi tập thể được đầu tư, quan tâm. Thông qua các hoạt động tập thể, các thành viên FPT có cơ hội hiểu hơn về nhau và nâng cao tinh thần đoàn kết trong công việc.
Xem thêm: “Chửi” sếp, một nhân viên FPT được thăng chức Chủ tịch
Văn hóa doanh nghiệp của Thế giới di động
Thế giới di động được biết đến là tập đoàn bán lẻ đa ngành hàng, có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Văn hóa doanh nghiệp của Thế giới di động tập trung vào các yếu tố cốt lõi như:
- Thân thiện, vui vẻ, chuyên nghiệp, ổn định và cơ hội công bằng trong thăng tiến
- Đề cao vấn đề giao tiếp và truyền đạt, nhân viên cần luôn có thái độ tôn trọng, thân thiện, vui vẻ và “coi khách hàng là trọng tâm”
- Kiến tạo môi trường làm việc ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp và tôn trọng lẫn nhau
- Hợp tác cùng phát triển
*
Văn hóa doanh nghiệp là “hồn cốt”, là điều làm nên bản sắc ở mỗi doanh nghiệp. Tại sao nhân viên ở các công ty có văn hóa khác nhau lại hành xử khác nhau? Đó chính là do yếu tố chi phối của văn hóa doanh nghiệp – kim chỉ nam định hướng cho sự vận hành, phát triển của doanh nghiệp.
Và chắc chắn, một công ty có văn hóa doanh nghiệp tích cực, lành mạnh thì nhân viên của công ty đó cũng sẽ cải thiện được hiệu suất, hiệu quả và cảm giác hạnh phúc khi làm việc.
Để tìm hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp và các lý thuyết quản trị đúng đắn, bạn có thể tìm đọc các bài viết của VNOKRs tại đây