Các chỉ số đánh giá hiệu suất trọng yếu (KPI) và mục tiêu (Goal) đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau để mô tả những gì bạn cần đo lường để xác định xem bạn đã đạt được kết quả mong muốn hay chưa.

“Nhưng KPI không giống như mục tiêu (Goal).”

  • Mục tiêu – Goal: Kết quả cuối cùng mong muốn.
  • KPI: Các chỉ số trọng yếu cho biết hiệu suất của bạn có đủ tốt để đạt được mục tiêu cuối cùng hay không.

Các chỉ số không nên trở thành mục tiêu.

KPI giống như chỉ số đo lường sức khỏe của bạn, bằng cách sử dụng một bộ chỉ số đo lường các yếu tố quan trọng của sức khỏe như huyết áp, cholesterol và chỉ số cơ thể, cùng những chỉ số khác. 

KPI ở trong công ty cũng tương tự như vậy, KPI sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và giúp bạn biết được “sức khỏe” của công ty đang trong tình trạng như thế nào.

Nếu chúng ta chỉ chọn một hoặc hai chỉ số và biến chúng thành mốc mục tiêu (Target), chúng ta có thể nhanh chóng cải thiện được mốc mục tiêu (Target) nhưng sẽ gây bất lợi cho những điều khác. 

Ví dụ: Nếu bác sĩ của bạn nói với bạn rằng bạn cần giảm cân để khỏe mạnh, bạn có thể dễ dàng giảm cân bằng cách nhịn ăn mọi lúc, chỉ ăn một loại thực phẩm hoặc uống thuốc giảm cân – nhưng không có cách nào trong số này sẽ góp phần vào mục tiêu chung là khỏe mạnh.

Trong trường hợp này, cân nặng của bạn có thể là KPI, nhưng nó không phải là điều bạn hướng đến (Goal).

Ngoài ra, KPI về sức khỏe của bạn có thể thay đổi dựa trên các mục tiêu sức khỏe cụ thể của bạn. Một bác sĩ sẽ không nhất thiết phải xem trọng lượng của bệnh nhân như một KPI nếu mục tiêu (goal) là chữa khỏi một căn bệnh ngoài da của người đó.

Một ví dụ cụ thể trong kinh doanh đó là một công ty đang cần nhiều doanh số hơn và muốn đạt được tỷ lệ phần trăm doanh thu cao từ email marketing, vì vậy họ muốn tìm kiếm thêm được nhiều email của khách hàng. Nhóm marketing ra ngoài và bắt đầu chạy một loạt chiến dịch để thu được thật nhiều email. 

Các chiến dịch thành công và danh sách email tăng lên, vì vậy nhóm tin rằng họ đã đạt được mục tiêu của mình. Nhưng những email họ thu thập không thực sự đảm bảo chất lượng và đúng tệp khách hàng họ đang hướng tới, cuối cùng doanh số bán hàng vẫn không thay đổi.

Trong trường hợp này, số liệu có thể đã làm tăng lượt đăng ký email, nhưng mục tiêu (Goal) thực sự lại là doanh số bán hàng – nhóm marketing đã nhầm lẫn giữa KPI và mục tiêu (Goal)

Điều này đưa chúng ta đến điểm tiếp theo:

Không phải tất cả các chỉ số đều là KPI.

Trong thế giới “Big Data” ngày nay, bạn có thể thu thập dữ liệu về bất cứ điều gì, nhưng bí quyết ở đây là bạn phải tìm kiếm đúng các chỉ số KPI sẽ thực sự đánh giá tiến độ của một mục tiêu (Goal) cụ thể.

Trong ví dụ email marketing ở trên, công ty nghĩ rằng KPI của họ là độ lớn của danh sách email (càng nhiều email càng tốt), tuy nhiên họ thực sự có thể làm tốt hơn nếu tập trung vào tỷ lệ chuyển đổi.

Tương tự như ví dụ về sức khỏe, bạn có thể đo số bước bạn đi bộ trong một ngày như một thước đo sức khỏe của bạn, nhưng nếu mục tiêu của bạn là “đủ điều kiện cho một cuộc chạy marathon”, bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó với chỉ số bước đi bộ của bạn – bất kể là việc bạn có thể đạt được bao nhiêu bước một ngày.

Vì vậy, điểm mấu chốt ở đây là: không phải tất cả các chỉ số đều là KPI và KPI không phải là Goal hoặc Target. Các công ty cần Goal, còn KPI và Target để tạo ra kết quả bạn mong muốn trong bất kỳ tình huống nhất định nào và bạn phải hiểu sự khác biệt để đạt được kết quả bạn mong muốn:

  • Goal: Mục tiêu bạn đang cố gắng đạt được, ví dụ như cải thiện sức khỏe
  • KPI: (Các) thước đo giúp bạn hiểu liệu bạn có thể đạt được kết quả của mình hay không, chẳng hạn như huyết áp, mức cholesterol, chỉ số khối cơ thể, v.v.
  • Target: các mốc mục tiêu, mức độ hoặc điểm chuẩn bạn muốn đạt được cho KPI của mình, chẳng hạn như huyết áp 120, mức cholesterol dưới 200 (mg / dL) hoặc chỉ số khối cơ thể từ 18,5 đến 25.

Để tạo sự liên kết và tham gia của toàn bộ tổ chức xung quanh các mục tiêu có thể đo lường được, các công ty có thể áp dụng phương pháp OKRs (Mục tiêu và các kết quả chính).

Đây là một phương pháp giúp quản trị theo mục tiêu hiệu quả. Những lợi ích của OKRs mang lại sẽ thúc đẩy hiệu quả làm việc và khát vọng phát triển bản thân của nhân viên.

Đọc thêm bài viết: So sánh giữa OKRs và KPI

Nguồn bài viết: The Difference Between KPIs, Targets and Goals

VNOKRs