Quản lý mục tiêu cá nhân giúp bạn nhìn nhận rõ ràng tiến trình công việc đã thực hiện và dễ dàng đạt được mục tiêu hơn.

Tuy nhiên nếu quản trị sai cách, bạn có thể bị lạc lối, mất cân bằng giữa việc quản lý và việc tập trung thực hiện mục tiêu, khiến đích đến trở nên xa vời, khó với tới. 
Quản trị mục tiêu cá nhân hiệu quả

1. Tại sao nên đặt mục tiêu cho bản thân?

Đặt mục tiêu cá nhân thoạt nghe có vẻ rất “sách vở” và có chút “kém hấp dẫn”. Tuy nhiên, việc làm đơn giản này có thể mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích như:

  • Giúp bạn định hướng cho sự phát triển của bản thân
  • Tạo động lực cho bạn làm việc và phát triển theo chiều hướng tốt lên
  • Giữ cho bạn luôn tập trung vào điều cần làm, giữ vững phong độ
  • Giúp bạn thích nghi tốt hơn và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh
  • Giúp đánh giá kết quả của những việc mình đã làm, từ đó mà có trách nhiệm hơn với chính cuộc sống và công việc của bản thân. 

Đây đều là những điều rất quan trọng, giúp cuộc sống của bạn trở nên chất lượng hơn và có giá trị hơn. 
ĐỪNG BỎ LỠ | Phương pháp quản trị mục tiêu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ – VNOKRs

2. Thiết lập mục tiêu cá nhân

Tùy vào từng giai đoạn trong cuộc đời, bạn sẽ cần đặt ra các mục tiêu khác nhau, có thể là ngắn hạn, hay dài hạn. 

Mục tiêu dài hạn

Bạn muốn đạt được điều gì trong cuộc sống này? Mục tiêu trong 5, 10, 15, 20 năm nữa của bạn là gì? 

Khi bạn đặt mục tiêu trọn đời hay ít nhất là mục tiêu trong khoảng thời gian đủ dài, bạn sẽ nhìn nhận được sơ bộ bức tranh tương lai của mình.

Đó cũng chính là mục đích sống của bạn, giúp bạn tạo ra một cuộc sống đậm chất cá nhân và thỏa mãn được cái tôi nhất. 

Cách quản trị mục tiêu cá nhân dài hạn

Mục tiêu dài hạn thường hướng tới những giá trị khá to lớn, mang tính dài hạn, cần một quá trình tích lũy mới có thể đạt được.

Bạn có thể tham khảo cách đặt mục tiêu theo các tiêu chí:

  • Sự nghiệp: Bạn muốn đạt được điều gì trong sự nghiệp của mình? Bạn muốn mình đạt được vị trí gì?
  • Tài chính: Bạn muốn có thu nhập bao nhiêu, trong giai đoạn nào? Làm thế nào để mục tiêu tài chính gắn với mục tiêu sự nghiệp của bạn?
  • Giáo dục: Bạn muốn học hỏi thêm kiến thức, kĩ năng lĩnh vực nào? Bạn cần trau dồi các kỹ năng, kinh nghiệm nào để phục vụ thực hiện các mục tiêu khác?
  • Gia đình: Bạn muốn có con năm bao nhiêu tuổi, khi nào? Bạn muốn kết hôn với người như thế nào? Làm thế nào để gắn bó các thành viên trong gia đình bạn hơn?
  • Nghệ thuật: Bạn muốn học thêm nhạc cụ nào? Bạn muốn biết thêm một lĩnh vực nghệ thuật nào?
  • Tính cách: Có điều gì trong tính cách của bạn cần phải thay đổi, cải thiện cho tốt hơn?
  • Thể chất: Bạn muốn tập luyện môn thể thao nào? Bạn muốn cải thiện chỉ số cân nặng của mình như thế nào?
  • Niềm vui: Bạn có thể tìm được niềm vui nào khác ngoài công việc?

Bạn nên dành thời gian cân nhắc các tiêu chí mục tiêu phù hợp là những điều mình mong muốn thực hiện. Sau đó, bạn rà soát, cân nhắc để có bản mục tiêu chọn lọc, tập trung, muốn thực hiện nhất.

Bạn cần chắc chắn đây là bản mục tiêu bạn thực sự muốn thực hiện chứ không phải những mục tiêu mà cha mẹ, gia đình hoặc nhà tuyển dụng, công ty của bạn mong muốn. 

Nếu bạn có một đối tác để thực hiện mục tiêu, bạn cũng nên lắng nghe ý kiến của đối tác nhưng bạn vẫn cần chắc chắn sau khi thống nhất ý kiến, bản mục tiêu vẫn là những điều bạn thực sự mong muốn làm.

Mục tiêu ngắn hạn

Bên cạnh mục tiêu dài hạn, mục tiêu trọn đời bạn cũng cần thiết lập các mục tiêu ngắn hạn cho mình. 

Ngắn hạn có thể là trong 5 năm, 1 năm, 1 quý, 1 tháng… Mục tiêu ngắn hạn còn có thể là danh sách việc cần làm trong tuần, cần làm trong ngày.

Có thể hình dung các mục tiêu ngắn hạn cũng như những bậc thang giúp bạn tiến gần hơn và đạt được mục tiêu dài hạn.

Các mục tiêu ngắn hạn cần có sự nối tiếp, cộng hưởng, hỗ trợ để giúp bạn đạt được mục tiêu dài hạn. Bạn cũng nên cân nhắc thiết lập các mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của mình.

Ngoài ra, mục tiêu dài hạn thường khá khó hình dung và dễ bị quên lãng khi thực hiện. Do đó, các mục tiêu ngắn hạn sẽ là những bước đệm nhỏ, nhắc nhở bạn về những điều tuyệt vời mà bạn sẽ đạt được về sau. 
Cách quản trị mục tiêu cá nhân ngắn hạn

Mục tiêu ngắn hạn là những bước tiến nhỏ, giúp bạn đạt được mục tiêu dài hạn to lớn hơn.

3. Một số mẹo thiết lập mục tiêu cá nhân hiệu quả

Để việc thiết lập mục tiêu của bạn diễn ra dễ dàng hơn, bạn có thể áp dụng một số mẹo hữu ích sau:

  • TÍCH CỰC – Bạn nên suy nghĩ, thiết lập các mục tiêu theo chiều hướng tích cực. Ví dụ đặt mục tiêu thực hiện tốt một điều gì đó sẽ tốt hơn là đặt mục tiêu không phạm sai lầm ngu ngốc ở một điều gì đó.
  • CHÍNH XÁC – Bạn nên xác lập mục tiêu chính xác, có các mốc thời gian, có các công cụ đo lường cụ thể để đánh giá hiệu quả thực hiện. Nếu bạn định lượng được việc hoàn thành mục tiêu, bạn sẽ biết bao giờ sẽ hoàn thành công việc và nỗ lực đạt được điều đó. 
  • ƯU TIÊN – Khi bạn có nhiều mục tiêu, bạn cần phân loại và có ưu tiên cho mục tiêu quan trọng nhất. Nếu bạn không có thứ tự ưu tiên, bạn có thể bị choáng ngợp khi có quá nhiều mục tiêu và không biết nên bắt đầu từ đâu.
  • VIẾT RA – Bạn nên viết các mục tiêu ra. Như vậy, bạn có thể nhìn nhận rõ hơn và thêm quyết tâm thực hiện mục tiêu.
  • ĐI TỪNG BƯỚC – Bạn nên đặt ra các mục tiêu từng bước, có thể thực hiện được. Nếu đặt mục tiêu quá tham vọng ngay từ đầu, bạn sẽ không nhìn nhận được đúng những tiến bộ, thành quả mình đạt được.
  • ĐẢM BẢO HIỆU SUẤT – Bạn nên đặt ra mục tiêu đảm bảo hiệu suất công việc để kiểm soát tiến độ thực hiện.
  • LƯỜNG TRƯỚC RỦI RO – Trong kinh doanh, rủi ro có thể là khủng hoảng kinh tế, tác động bất ngờ của chính sách, dịch bệnh, thiên tai… Trong thi đấu thể thao, rủi ro có thể là thời tiết xấu, chấn thương… Khi bạn lường trước được rủi ro, bạn sẽ hạn chế được phần nào những tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra.
  • THỰC TẾ – Bạn cần hiểu rõ hoàn cảnh, nguồn lực, tiềm năng của mình để đặt mục tiêu phù hợp thực tế.

Nếu bạn vẫn còn khá hoang mang về cách thiết lập và quản lý mục tiêu cá nhân, đừng bỏ qua phần tiếp theo của bài viết nhé. 

4. Ví dụ về quản lý mục tiêu cá nhân

Hãy tưởng tượng năm nay bạn 30 tuổi. Bạn thiết lập mục tiêu trọn đời đầu tiên là sống thật khỏe mạnh. Bởi vậy, mục tiêu dài hạn của bạn là “có thể chạy marathon 42km kể cả khi đã 60 tuổi”. Bây giờ, bạn chia nhỏ mục tiêu để dễ dàng theo dõi và thực hiện.

  • Mục tiêu 5 năm: Chạy cự ly 42km dưới 4 giờ đồng hồ  
  • Mục tiêu 1 năm: Lần đầu tiên chạy cự ly Marathon 42km, không quan tâm thời gian
  • Mục tiêu 6 tháng: Lần đầu tiên chạy cự ly 21km, không quan tâm thời gian
  • Mục tiêu 1 tháng: Lần đầu tiên chạy cự ly 10km, không quan tâm thời gian
  • Mục tiêu 1 tuần: Duy trì chạy liên tục trong 30 phút không nghỉ 

Bạn thấy sao? Khá dễ hiểu phải không nào? 

Tuy nhiên, khi đã đặt ra mục tiêu, bạn cần theo sát chúng, quản lý và thực hiện chúng thật nghiêm túc. 

5. Cách quản lý mục tiêu cá nhân

Chia mục tiêu thành các nhiệm vụ nhỏ

Khi bạn chia mục tiêu thành các nhiệm vụ nhỏ, mỗi bước tiến, thành tựu, nhiệm vụ đạt được đều sẽ thúc đẩy động lực tinh thần của bạn. Ngoài ra, quản lý, thực hiện các nhiệm vụ nhỏ theo từng bước sẽ dễ dàng hơn thực hiện ngay một mục tiêu lớn, đầy tham vọng.

Lập kế hoạch khung thời gian và tuân thủ nghiêm chỉnh

Kiên trì, kỷ luật mới giúp bạn thực hiện thành công mục tiêu. Bạn cần thực hiện mục tiêu có khung thời gian và tuân thủ khung thời gian đó. 

Trong trường hợp quá trình hoàn thành mục tiêu bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất ngờ, việc có một kế hoạch rõ ràng từ đầu cũng giúp bạn nhanh chóng có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.

Viết ra những khó khăn khi thực hiện mục tiêu

Viết ra những khó khăn sẽ giúp bạn định hình, lường trước và tìm cách xử lý những khó khăn, rủi ro có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu. 

Ví dụ

Khi Eliud Kipchoge thực hiện thử thách INEOS 1:59 (chạy marathon 42km dưới 2 giờ đồng hồ). 

Anh và đội ngũ hỗ trợ đông đảo đã phải viết ra, xác định hàng loạt các khó khăn như thời tiết, đường chạy, thể trạng, tâm lý, nhịp tim của vận động viên…

Trên cơ sở nhìn nhận được các khó khăn, team dự án INEOS 1:59 mới tìm ra được các phương án xử lý tối ưu giúp đạt được mục tiêu đề ra.

Tìm những nguồn năng lượng tích cực

Những nguồn năng lượng tích cực có thể là một buổi sáng cuối tuần bạn thong thả đi bộ trong công viên nhiều nắng; có thể là gặp những người thân, bạn bè vui vẻ; có thể là ăn một món ngon, xem một bộ phim hay; có thể là vận động thể thao đều đặn…

Năng lượng tích cực quan trọng khác còn chính là những người đồng hành, cộng sự hỗ trợ bạn thực hiện mục tiêu.

Mỗi người đều có thể tìm những nguồn năng lượng tích cực riêng phù hợp với mình.

Tìm cách phá vỡ khó khăn

Hiểu về những khó khăn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu, bạn cần lên phương án tìm cách phá vỡ khó khăn. 

Có nhiều phương cách vượt khó khác nhau. Ví dụ như khi bạn định đi qua một ngọn núi, có người đi men dưới chân núi vượt qua; có người leo lên đỉnh núi đi xuống; thậm chí có người nghĩ cách xuyên núi làm đường…

Tùy vào hoàn cảnh, tình hình cụ thể, những điều kiện bản thân mà bạn lựa chọn cách phá vỡ khó khăn phù hợp với bản thân.

Loại bỏ thói quen xấu, gây cản trở mục tiêu

Mục tiêu của bạn là giảm cân chẳng hạn thì bạn cần loại bỏ các thói quen xấu như thức khuya; ăn đêm; ăn nhiều đồ ăn nhanh; lười vận động…

Mục tiêu của bạn là trở thành một quản lý cấp trung của công ty sau 3 năm làm việc thì bạn cần loại bỏ các thói quen gây cản trở mục tiêu như: trễ giờ, chậm hoàn thành công việc; ngại giao tiếp…

Sử dụng phương pháp OKRs

Bạn cũng có thể tham khảo phương pháp quản trị mục tiêu OKRs –  Objectives and Key Results (mục tiêu và các kết quả chính) để quản trị mục tiêu cá nhân.

Đây là phương pháp quản trị mục tiêu tương đối đơn giản và cực kỳ linh hoạt, có thể áp dụng được trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. 

Để hình dung dễ hơn về OKRs, bạn có thể tham khảo ví dụ sau:

Mục tiêu (O): Có khoản tiết kiệm 60 triệu vào cuối năm

Kết quả chính (KRs):

    • Tăng thu nhập tại công ty lên mức 15 triệu/tháng
    • Giảm phí chi tiêu mỗi tháng xuống dưới 7 triệu/tháng 
    • Đóng 5 triệu/tháng vào sổ tiết kiệm cộng dồn

Qua ví dụ trên, chúng ta hiểu OKRs được hợp thành từ 2 yếu tố: “Objective” và “Key results”. Trong đó:

  • O – Objective – là mục tiêu cần đạt được trong một khoảng thời gian xác định. Nói đơn giản, một Objectives phải thể hiện rõ rằng bạn muốn đi đâu. 
  • KRs – Keysults – là các kết quả chính. Nếu O cho bạn biết bạn muốn đi đâu thì KRs cho bạn biết khi nào bạn đến được đó. Mỗi một KR là một kết quả chứng minh bạn đang tiến gần hơn đến mục tiêu (O) hơn. 

Với mỗi 1 mục tiêu (O) được đặt ra, bạn sẽ cần xây dựng 3-5 kết quả chính (KRs) để hoàn thành mục tiêu đó.

Việc đo lường và giám sát mục tiêu cần được thực hiện theo lịch cố định, có thể là hàng ngày, hàng tuần, 2 tuần/lần… tùy theo độ phức tạp của mục tiêu mà bạn đã đặt ra.

Với OKRs bạn có thể quản lý mục tiêu cá nhân khá dễ dàng, hiệu quả và toàn vẹn nhất.

TÌM HIỂU THÊM | Kiến thức OKRs – Chuyên sâu về quản trị Mục tiêu & Kết quả chính

Tuy nhiên, nếu bạn không thật sự cam kết của bản thân và nghiêm túc thực hiện mục tiêu đã đề ra, thì bất kể là quản trị theo cách nào, mục tiêu cũng không thể đạt được. 

Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn