Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố khá bền vững của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp không phải yếu tố nhất thành bất biến, một lần định hình là không thay đổi. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới văn hóa doanh nghiệp của bạn, hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng tới văn hóa doanh nghiệp qua bài viết sau.
Đọc thêm:
Mô hình văn hoá tổ chức Edgar Schein
Các loại hình văn hoá doanh nghiệp
Con người
Văn hóa doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trước hết bởi chính con người trong tổ chức. Đây là quan hệ hai chiều có ảnh hưởng qua lại. Con người kiến tạo, định hình nên văn hóa doanh nghiệp và ngược lại, văn hóa cũng ảnh hưởng đến các thành viên trong tổ chức. Con người trong tổ chức có thể chia ra thành 2 nhóm: chủ doanh nghiệp và nhân sự.
Chủ doanh nghiệp
Để xác định văn hóa một doanh nghiệp, bạn có thể tập hợp ban lãnh đạo công ty lại và xác định các vấn đề sau:
- Họ có tính cách, cách suy nghĩ, hành động như thế nào?
- Họ mong muốn văn hóa doanh nghiệp của tổ chức sẽ được định hình với nét tính cách, cách suy nghĩ, hành động như thế nào?
- Nếu có điểm gì “vênh” giữa mong muốn về văn hóa doanh nghiệp và tính cách của chủ doanh nghiệp, họ có sẵn sàng thay đổi, điều chỉnh bản thân hay không?
Ví dụ, chủ doanh nghiệp định hình nét văn hóa chủ đạo của doanh nghiệp là sói tiên phong chẳng hạn. Vậy tính cách doanh nghiệp đó có thể gồm những yếu tố như: quyết liệt, quả cảm, không ngại gian khổ, dám chấp nhận thử thách…
Chủ doanh nghiệp có tính cách như thế nào sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa của doanh nghiệp đó. Những quan niệm nền tảng, niềm tin cốt lõi, giá trị cốt lõi của người chủ doanh nghiệp sẽ định hình nên văn hoá của tổ chức. Bởi họ có vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối ảnh hưởng đến mọi khâu trong quá trình vận hành, phát triển của doanh nghiệp.
Dấu ấn của chủ doanh nghiệp thấy rất rõ qua từng hoạt động, nhận diện và văn hóa doanh nghiệp. Ví dụ như nhắc đến FPT là nhắc đến ông Trương Gia Bình; nhắc đến Thế giới di động là nghĩ ngay đến ông Nguyễn Đức Tài hay như nói về VinGroup, bạn chắc sẽ nghĩ đến ông Phạm Nhật Vượng vậy.
1.2. Nhân sự
Nếu chủ doanh nghiệp là người đặt nền tảng kiến, là “gốc” tạo nên văn hóa doanh nghiệp thì nhân sự của tổ chức cũng giống như những “cành nhánh” giúp lan tỏa văn hóa doanh nghiệp đi xa hơn.
Thái độ, tinh thần, sở thích, nhận thức và thậm chí cả quá trình suy nghĩ của nhân viên đều ảnh hưởng đến văn hóa tổ chức.
Do đó, ngay trong khâu tuyển dụng của mỗi doanh nghiệp cũng cần rất chú trọng việc lựa chọn nhân sự phù hợp với văn hóa tổ chức. Một vài gợi ý giúp bạn lựa chọn được nhân sự phù hợp văn hóa tổ chức có thể là:
- Xây dựng bộ câu hỏi phỏng vấn phù hợp với Giá trị cốt lõi và tiêu chuẩn hành vi của tổ chức.
- Đọc kỹ CV của ứng viên để chọn lọc ứng viên phù hợp không chỉ ở chuyên môn mà còn phù hợp về tính cách, văn hóa tổ chức.
- Thực hiện bài test tính cách
- Lồng ghép trong phần phỏng vấn trực tiếp một số tình huống thực tế tại doanh nghiệp để lắng nghe cách xử lý của ứng viên phỏng vấn.
- Tổ chức buổi Phỏng vấn văn hoá để lựa chọn “người phù hợp”
Niềm tin, giá trị văn hóa tổ chức không thể chỉ nằm ở nhóm lãnh đạo công ty mà còn cần được lan tỏa đến tất cả nhân sự trong tổ chức. Do đó, bạn nên lựa chọn những người phù hợp ngay từ đầu để giảm thiểu tỷ lệ biến động nhân sự.
Tìm hiểu thêm: Đặc điểm của văn hoá doanh nghiệp tích cực
Quá trình học tập và phát triển
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố khá ổn định tuy nhiên văn hóa doanh nghiệp cũng có quá trình học tập, phát triển phù hợp với sự vận hành của doanh nghiệp. Quá trình học tập và phát triển của văn hóa doanh nghiệp có thể kể đến những yếu tố ảnh hưởng như:
- Những yếu tố văn hóa tích cực từ thành viên mới: Các thành viên mới gia nhập tổ chức cũng đóng góp chính những giá trị văn hóa tích cực vào văn hóa tổ chức. Văn hóa tổ chức ảnh hưởng tới các thành viên trong tổ chức nhưng ngược lại, chính mỗi thành viên cũng vun đắp, làm tươi mới và lan tỏa văn hóa tổ chức tiến xa hơn.
- Sự điều chỉnh của các cấp quản lý: Văn hóa tổ chức không phải yếu tố bất biến, không thể thay đổi, điều chỉnh. Chính trong quá trình phát triển của tổ chức, khi có những đòi hỏi bắt buộc về sự thay đổi trong văn hóa tổ chức thì các cấp quản lý sẽ có điều chỉnh phù hợp.
- Xu hướng, trào lưu kiến tạo văn hóa doanh nghiệp: Ở những tổ chức, doanh nghiệp ở các nền văn hóa khác nhau sẽ có những yếu tố kiến tạo riêng biệt. Văn hóa doanh nghiệp của một công ty châu Á sẽ có nhiều nét khác biệt so với công ty ở châu Âu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của một “thế giới phẳng” thì những xu hướng, trào lưu kiến tạo văn hóa doanh nghiệp cũng có sự giao thoa, học hỏi lẫn nhau.
Bản chất của doanh nghiệp
Mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có một văn hóa, cách hành xử hay một “chất” riêng của mình. Văn hóa doanh nghiệp vì vậy cũng bị ảnh hưởng bởi bản chất của doanh nghiệp. Chẳng hạn như:
- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thường có nét văn hóa làm việc linh hoạt về thời gian, đề cao sự sáng tạo, phá cách, bứt phá khỏi những khuôn khổ quen thuộc
- Doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất thường có nét văn hóa làm việc kỷ luật, tuân thủ, chuẩn chỉnh về thời gian, ca làm việc và các quy chuẩn sản xuất
- Doanh nghiệp lĩnh vực ngành hàng thể thao thường có nét văn hóa trẻ trung, mạnh mẽ, thẳng thắn, nhiệt huyết bứt phá giới hạn
- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tác mỹ nghệ thường có nét tính cách tỉ mỉ, thận trọng trong từng chi tiết…
Bản chất của doanh nghiệp là điều cốt lõi, là màu sắc riêng, song hành cùng sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp dù được kiến tạo, định hình theo hướng nào thì cũng phải đảm bảo phù hợp với bản chất của doanh nghiệp.
Bạn sẽ khó có thể kiến tạo văn hóa doanh nghiệp theo hướng lệch khỏi bản chất doanh nghiệp. Sự lệch pha giữa văn hóa doanh nghiệp và bản chất doanh nghiệp nếu có sẽ tạo thành trở lực đối với sự phát triển doanh nghiệp.
Ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất của quân đội nhưng nhân viên lại được định hướng văn hóa làm việc như trong các công ty công nghệ thông tin trẻ trung là không phù hợp. Bản chất doanh nghiệp như nào thì văn hóa doanh nghiệp phải đảm bảo yếu tố phù hợp tương ứng.
Mục đích cốt lõi của tổ chức – Core Purpose
Mục đích cốt lõi của tổ chức thường là những mục tiêu trong dài hạn doanh nghiệp mong muốn hướng tới. Thậm chí, mục đích cốt lõi chính là lý do doanh nghiệp tồn tại. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp dù được kiến tạo, linh hoạt điều chỉnh theo hướng nào thì cũng phải phù hợp và bị ảnh hưởng bởi mục đích cốt lõi của tổ chức.
Một ví dụ về mục đích cốt lõi của tổ chức là Sony với định hướng “mang cảm xúc đến thế giới này, bằng sức mạnh sáng tạo và công nghệ”. Chính từ mục đích cốt lõi đó mà một nét văn hóa tiêu biểu ở Sony là tiên phong làm những điều không thể và sáng tạo, tôn vinh năng lực sáng tạo cá nhân.
Xem xét tương quan, mục đích cốt lõi của tổ chức như thế nào thì văn hóa tổ chức sẽ được kiến tạo tương ứng, phù hợp như vậy.
Khách hàng và đối tác bên ngoài
Một cách học hỏi rất tốt dành cho nhân viên của bạn là học hỏi từ chính khách hàng, đối tác bên ngoài. Có những vấn đề mà các thành viên trong nội bộ tổ chức không nhìn nhận được nhưng khách hàng, đối tác bên ngoài có cách nhìn nhận khách quan và cảm nhận được tốt hơn.
Mặt khác, những thay đổi từ khách hàng, đối tác bên ngoài cũng tạo nên yêu cầu tổ chức của bạn phải điều chỉnh về văn hóa doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp của bạn thường xuyên làm việc với các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp lớn hay làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đều ảnh hưởng tới định hình văn hóa tổ chức.
Thông qua tích lũy kinh nghiệm về cách hành xử phù hợp với khách hàng, đối tác, đội ngũ của bạn sẽ dần tích lũy được phong cách làm việc tương ứng với nhóm khách hàng, đối tác của mình. Tại sao với khách hàng cao cấp, doanh nghiệp của bạn thường nhấn mạnh vào yếu tố thương hiệu, đẳng cấp? Với khách hàng phổ thông, bạn lại thường nhấn mạnh vào yếu tố giá trị sử dụng, chi phí hợp lý? Đó đều là những tích lũy kinh nghiệm thông qua quá trình làm việc với khách hàng, đối tác.
Sự khác biệt giữa khách hàng, đối tác vì vậy cũng ảnh hưởng tới phong cách làm việc, cách hành xử, suy nghĩ và thậm chí là cả văn hóa tổ chức của bạn.
*
Kiến tạo, định hình văn hóa doanh nghiệp hay cụ thể hơn là việc tìm ra các quan niệm nền tảng, niềm tin cốt lõi hay cách lựa chọn người phù hợp với văn hóa tổ chức là điều không hề dễ dàng. Để có những gợi ý hữu ích trong câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo chương trình Building the True Company để xây dựng nền móng văn hóa doanh nghiệp bền vững, kiến tạo đội ngũ phù hợp.