Văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam có những đặc thù riêng biệt, chịu ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp các nước châu Á. Nhưng đồng thời, cùng sự hội nhập, tiếp biến văn hóa, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cũng có những đặc điểm mới phát sinh, chuyển hóa phù hợp. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và cách để phát huy hết hiệu quả văn hóa tại doanh nghiệp Việt.
Đặc trưng của văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Do ảnh hưởng từ bản sắc, đặc thù riêng của khu vực, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng với văn hóa doanh nghiệp châu Á. Về tổng thể, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam có những điểm đặc trưng như:
– Có sự phân quyền rõ ràng: Doanh nghiệp Việt thường có sự phân chia các phòng ban, bộ phận rõ ràng với một cơ cấu tổ chức cụ thể. Bộ máy doanh nghiệp được vận hành trên cơ sở các phòng ban phụ thuộc lẫn nhau. Sự phân quyền còn được thể hiện rõ qua quá trình vận hành doanh nghiệp, vai trò của cấp trên, lãnh đạo, quản lý được thể hiện rõ nét.
Quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức thường sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố: vị trí, chức vụ và thâm niên, tuổi tác.
– Ưa thích sự ổn định và cẩn trọng trong hành động: Lao động Việt Nam thường khá thận trọng trong các mối quan hệ và hành động. Tinh thần làm việc thường thấy ở doanh nghiệp Việt là “dĩ hòa vi quý”, cố gắng giữ gìn sự hài hòa, ổn định của tổ chức.
Lao động Việt thường sẽ yêu thích một công việc dài hạn, ổn định hơn là một công việc tạm thời hay theo đuổi các dự án công việc ngắn hạn, nhiều biến động.
Họ cũng là những người rất cẩn trọng trong hành động nơi công sở. Nhân viên Việt khi viết email gửi cấp trên, đồng nghiệp lớn tuổi thường sẽ ghi “Kính gửi” thay vì “Dear”. Bạn cũng sẽ rất hiếm khi bắt gặp một nhân viên Việt thẳng thắn từ chối nhiệm vụ do quản lý giao phó. Họ ngại từ chối, ngại nói không với cả những việc làm khiến họ không hoàn toàn thoải mái vì tính cẩn trọng trong họ mạnh hơn cả sở thích.
– Coi trọng khách hàng, đối tác: Một thông lệ bạn có thể thấy rõ ở doanh nghiệp Việt là hầu hết các dịp lễ tết, sự kiện, Phòng Kinh doanh thường sẽ phối hợp với Phòng Hành chính để tặng quà cho khách hàng, đối tác. Lãnh đạo các công ty thường cũng dành rất nhiều thời gian để tiệc tùng chiêu đãi khách hàng, đối tác.
Văn hóa doanh nghiệp Việt có đặc trưng rất coi trọng khách hàng, đối tác, coi trọng các mối quan hệ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh.
– Văn hóa về thời gian với những “khoảng mềm”: Bạn có thể thấy một cảnh quen thuộc khi văn phòng bắt đầu làm việc từ 8.30 chẳng hạn nhưng nhân viên đến chấm công rồi thong thả đi mua đồ ăn sáng. Phải đến tầm 9.00, nhân viên mới thực sự làm việc.
Những “khoảng mềm” trong thời gian làm việc ở doanh nghiệp Việt thường không bị nhìn nhận quá nghiêm trọng. Ngay cả khi gặp đối tác, khách hàng nếu có những trục trặc cần lùi thời gian, các bên thường cũng không đặt nặng vấn đề, miễn cả hai cùng đồng thuận, thông cảm.
– Phong cách làm việc coi trọng tập thể: Doanh nghiệp Việt thường coi trọng tính tập thể. Cá tính, mục tiêu của cá nhân thường xếp sau và phải gắn liền với mục tiêu chung, lợi ích của tập thể.
Ví dụ khá dễ thấy ở các doanh nghiệp Việt là trong các cuộc họp chiến lược, tổng kết cuối năm, mục tiêu toàn công ty thường được xác lập trước rồi mới “thác đổ” xuống các phòng ban, bộ phận và từng nhân viên. Đó thường là mục tiêu của “chúng ta” chứ không phải mục tiêu riêng của cá nhân.
– Phong cách quản lý tập trung vào lãnh đạo: Ở doanh nghiệp Việt, bạn có thể bắt gặp các cuộc họp giao ban đầu tuần, người nói nhiều nhất không phải là nhân viên mà lại là chủ doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp Việt thường có vị thế khác biệt hẳn so với nhân viên. Họ có tiếng nói quyết định đến hướng đi, đến những việc doanh nghiệp cần quan tâm, cần làm.
Sự phát triển của doanh nghiệp tập trung vào lãnh đạo và sẽ phụ thuộc nhiều vào năng lực, tầm nhìn của lãnh đạo. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có tính thống nhất cao trong hành động, vận hành nhưng hạn chế trong phát huy năng lực, tính sáng tạo, chủ động của từng nhân viên.
Đọc thêm: Các yếu tố ảnh hưởng tới văn háo doanh nghiệp
Văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam có đang được quan tâm?
Văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam có đang được quan tâm là một câu hỏi có sự phân cực khá lớn giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa so với các doanh nghiệp lớn.
Văn hóa doanh nghiệp với các SME
Có những nhóm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (Small and Medium Enterprise – SME) chưa có sự quan tâm đúng mức về văn hóa doanh nghiệp. Họ coi văn hóa doanh nghiệp là một điều gì đó xa vời, thậm chí chưa cần thiết với doanh nghiệp.
Vấn đề mà phần lớn SME đối mặt thường trực trong một vài năm đầu hoạt động có thể là về tài chính, dòng tiền, doanh thu, sản xuất, kinh doanh… Đó đều là những vấn đề cấp bách, cần chủ doanh nghiệp kiểm soát hàng tháng, hàng tuần hay thậm chí là hàng ngày.
Còn về văn hóa doanh nghiệp, các SME Việt Nam thường gặp phải một số vướng mắc như:
- “Lắp ghép” những mảnh văn hóa từ các công ty khác mà chưa quan tâm đến đặc thù nội tại của công ty
- Văn hóa doanh nghiệp không xuất phát từ những điều chủ doanh nghiệp suy nghĩ, mong muốn, kỳ vọng hướng tới, không phản ánh tính cách, khí chất của chủ doanh nghiệp
- Chủ doanh nghiệp, các quản lý và cho đến từng nhân viên chưa hiểu rõ về văn hóa doanh nghiệp và áp dụng mang tính khiên cưỡng, bị ép buộc, bị động
Văn hóa doanh nghiệp với các doanh nghiệp lớn
Doanh nghiệp lớn thường là những doanh nghiệp đã trải qua đủ thời gian tích lũy không chỉ về dòng tiền, nguồn vốn mà còn tích lũy về tri thức tổ chức, định hình về tầm nhìn, mục tiêu dài hạn… Những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam thường cũng là những doanh nghiệp quan tâm nhiều đến việc xây dựng, duy trì văn hóa doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lớn quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp và ngược lại, văn hóa doanh nghiệp khi được phát triển phù hợp, tích cực cũng sẽ khiếp doanh nghiệp ngày càng bền vững, tăng trưởng mạnh mẽ.
Ví dụ về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam
FPT, Viettel, Vinamilk là những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Sự phát triển của các “ông lớn” này không chỉ được định lượng qua quy mô tăng trưởng hay các con số lợi nhuận mà còn nằm ở bề sâu tích lũy tri thức tổ chức cũng như quá trình kiến tạo, duy trì văn hóa doanh nghiệp.
FPT hướng tới là mô hình văn hóa doanh nghiệp đề cao tinh thần đồng đội và dân chủ. Tại FPT, ý kiến của các cá nhân luôn được tôn trọng và nếu có xung đột giữa các ý tưởng thì đội ngũ FPT đã có văn hóa gắn kết tinh thần đồng đội để dung hòa các ý tưởng theo lợi ích chung của công ty.
Văn hóa doanh nghiệp của FPT tập trung vào các yếu tố cốt lõi như:
- Sáng tạo không ngừng
- Tôn trọng ý kiến cá nhân
- Kết nối và gắn kết bền chặt các thành viên
Viettel được vinh danh là nơi làm việc tốt nhất toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông tại giải thưởng Stevie Award for Great Employers 2020. Viettel cũng thường xuyên có mặt trong danh sách Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do Anphabe khảo sát.
Năm 2020, trong Lễ kỷ niệm 31 năm thành lập, Viettel đã đưa ra tuyên bố Văn hóa số với thông điệp ICADO. ICADO vừa có nghĩa là I Can Do, vừa là viết tắt của 5 từ khóa trong văn hóa của Viettel:
- I (Innovation – Sáng tạo)
- C (Customer centric – Khách hàng là trung tâm)
- A (Agility- Linh hoạt)
- D (Digital-first mindset – Tư duy số)
- O (Open culture – Văn hóa mở)
Vinamilk trong những năm gần đây thường xuyên được vinh danh là một trong những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Văn hóa doanh nghiệp ở Vinamilk được xây dựng dựa trên 6 nguyên tắc:
- Chính trực
- Trách nhiệm
- Xuất sắc
- Hợp tác
- Sáng tạo
- Hướng đến kết quả
Xem thêm: Ví dụ về văn hoá doanh nghiệp của các công ty hàng đầu
Giải pháp giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả tại Việt Nam
Trên cơ sở hiểu về đặc trưng và thực tế văn hóa doanh nghiệp Việt Nam như trên, bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu những giải pháp giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả.
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp từ những người lãnh đạo
Văn hóa doanh nghiệp muốn xây dựng được một cách hiệu quả thì giải pháp đầu tiên cần xuất phát từ chính người lãnh đạo, chủ doanh nghiệp. Trước hết, người lãnh đạo tổ chức cần có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp.
Lý do là vì văn hóa doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tính cách, khí chất, cách suy nghĩ, hành xử của người đứng đầu. Khi chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng cũng như những giá trị văn hóa doanh nghiệp có thể đem lại thì sẽ rất khó có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công.
Có bộ giá trị cốt lõi và tiêu chuẩn hành vi một cách rõ ràng
Mô hình văn hoá doanh nghiệp Edgar Schein chỉ rõ văn hóa doanh nghiệp có 3 cấp độ như sau:
- Quan niệm nền tảng – ngầm định (Basic Assumptions)
- Các giá trị được đồng thuận – tuyên bố ( Espoused values)
- “Tạo tác” và các hành vi – Hữu hình (Artefacts)
Doanh nghiệp muốn phát triển văn hóa tổ chức rất cần có bộ giá trị cốt lõi và tiêu chuẩn hành vi một cách rõ ràng. Những giá trị, tiêu chuẩn này nằm ở cấp độ 2 của văn hóa doanh nghiệp: các giá trị được đồng thuận – tuyên bố ( Espoused values).
Bộ giá trị cốt lõi và tiêu chuẩn hành vi khi được công bố rõ ràng sẽ giúp các thành viên trong tổ chức của bạn có thể hành động, ứng xử và thậm chí là suy nghĩ thống nhất. Mỗi thành viên trong tổ chức sẽ có một giá trị chung, chuẩn mực chung để tuân theo, hướng tới và nỗ lực đạt được.
Khi công ty bạn có bộ giá trị, tiêu chuẩn rõ ràng, các thành viên cũng sẽ giảm thiểu được tối đa những vướng mắc, xung đột có thể xảy ra. Từ đó, quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được nhiều lực cản tiêu cực.
Lựa chọn “người phù hợp” tham gia vào tổ chức
Tuyển dụng, lựa chọn được người phù hợp tham gia vào tổ chức sẽ giúp bạn đạt được nhiều lợi ích đa dạng như:
- Giảm thiểu biến động nhân sự
- Nhân sự mới nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc
- Cải thiện được hiệu suất, hiệu quả làm việc nhóm
- Đảm bảo văn hóa doanh nghiệp được thuận lợi tiếp nối với đội ngũ phù hợp
Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng tới các thành viên trong tổ chức và ngược lại, những thành viên trong tổ chức cũng góp phần tiếp nối, lan tỏa và thậm chí là ảnh hưởng đến văn hóa của doanh nghiệp. Do đó, ngoài vấn đề chuyên môn, năng lực, khi lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức, bạn rất cần cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn người phù hợp với văn hóa doanh nghiệp mình.
Liên tục gìn giữ và phát triển văn hoá
Văn hóa doanh nghiệp không phải một kết quả cần đạt được mà là một quá trình cần sự tham gia của cả tổ chức để liên tục gìn giữ và phát triển. Bạn có thể tham khảo những lưu ý trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa doanh nghiệp dưới đây:
- Quản lý sự thay đổi: Trong quá trình gìn giữ, phát triển văn hóa của tổ chức sẽ có những tiếp biến, thay đổi theo từng vùng miền, giai đoạn, phòng ban, chi nhánh khác nhau. Tuy nhiên, nhà quản lý cần quản lý sự thay đổi này, đảm bảo những thay đổi đó dù theo hướng nào cũng không vi phạm giá trị, niềm tin cốt lõi của tổ chức.
Khi doanh nghiệp ngày càng phát triển, mở rộng, doanh nghiệp của bạn có thể sẽ xuất hiện những “tiểu văn hóa”. Đây là văn hóa của những người có ảnh hưởng khác trong tổ chức, ngoài chủ doanh nghiệp. Những tiểu văn hóa có thể cộng hưởng giúp phát huy văn hóa chung của tổ chức. Ở góc độ gìn giữ, phát triển văn hóa, người chủ doanh nghiệp cần rất quan tâm đến các tiểu văn hóa để đảm bảo những tiểu văn hóa không đi ngược lại văn hóa chung của tổ chức.
- Vấn đề với nhà lãnh đạo và nhà quản lý: Vai trò của nhà lãnh đạo và quản lý cấp trung trong gìn giữ, phát triển văn hóa tổ chức là rất quan trọng. Để đảm bảo lãnh đạo và quản lý phối hợp tốt, bạn cần đảm bảo nhóm nhân sự key của công ty cần thực hiện 4 thỏa ước: (1)- Cẩn trọng với lời nói; (2)- Không giả định, phỏng đoán; (3)- Không ôm mọi việc; (4)- Làm việc hết khả năng
- Trò chuyện hiệu quả: Bạn hãy dành thời gian để trò chuyện với nhân sự mình quản lý. Những buổi trò chuyện 1 – 1 sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề họ đang mắc phải và cùng tìm giải pháp để tháo gỡ. Vấn đề ở đây không chỉ về công việc, mục tiêu mà còn là những vấn đề về văn hóa doanh nghiệp mà nhân sự gặp phải.
Ngoài các buổi trao đổi 1 – 1 có thể tổ chức định kỳ hàng tuần, bạn có thể tổ chức trò chuyện với toàn bộ phận, toàn văn phòng theo lịch hàng tháng, hàng quý. Những buổi trò chuyện tập thể này nên tổ chức một cách cởi mở, khuyến khích sự chia sẻ từ các thành viên tham gia.
- Đo lường thường xuyên: Nhà quản lý nên tiến hành đo lường các chỉ số về văn hóa doanh nghiệp thay vì sử dụng các suy đoán, cảm nhận của mình. Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp để đo lường như sử dụng: khảo sát trực tuyến hoặc trực tiếp trong nội bộ; sử dụng dịch vụ đo lường của bên thứ 3; phỏng vấn sâu nhân viên…
Để đo lường sự phát triển văn hóa tổ chức, bạn còn cần thiết lập cơ chế cờ đỏ. Đây là cơ chế, cách thức giúp nhà quản lý có thể nắm bắt được nhanh chóng những vấn đề, trục trặc gây ảnh hưởng tới văn hóa tổ chức.
Bạn có thể phát cờ đỏ với số lượng rất ít cho các thành viên công ty. Khi các thành viên thấy có vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa tổ chức, họ sẽ giơ cờ đỏ, chia sẻ thông tin và tất cả thành viên cần chú ý lắng nghe, phân tích ý kiến từ người đã giơ cờ đỏ.
Một vài gợi ý khác giúp bạn có thể tiếp nhận thông tin nhanh chóng khác còn có thể là: hòm thư góp ý; email chung ẩn danh…
*
Qua tìm hiểu, bạn có thể nhận thấy văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam có những nét đặc trưng tích cực và cả chưa tích cực. Hiểu về văn hóa doanh nghiệp và tầm quan trọng của nó, bạn có thể đưa ra giải pháp phù hợp để phát huy hiệu quả văn hóa doanh nghiệp tại tổ chức của mình.