Quản trị doanh nghiệp là một quá trình liên tục áp dụng và tối ưu hóa các quy tắc, thông lệ quản trị tốt nhất, phù hợp nhất vào doanh nghiệp của bạn. Quá trình áp dụng, tối ưu hóa này cần đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, tiêu chuẩn đạo đức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu 5 nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiệu quả qua bài viết sau.

Xem thêm: Những điều bạn cần biết về quản trị doanh nghiệp

Nguyên tắc 1: Công bằng

Hội đồng quản trị công ty cần đảm bảo quản trị trên nguyên tắc công bằng đối với cổ đông, nhân viên, nhà cung cấp và với cả cộng đồng xã hội.

Với cổ động:

  • Được trao quyền tiếp cận thông tin, định hướng phát triển của công ty
  • Được đóng góp ý kiến cho những định hướng phát triển lớn của công ty
  • Được đảm bảo quyền lợi xứng đáng, không có sự thiên vị cá nhân…

Với nhân viên:

  • Được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ xứng đáng khi đóng góp cho công ty
  • Được phân công công việc công bằng, có xem xét yếu tố chuyên môn, năng lực, thế mạnh cá nhân
  • Có lộ trình phát triển phù hợp trong cơ cấu tổ chức vận hành của tổ chức…

Với nhà cung cấp:

  • Đảm bảo nguyên tắc lựa chọn nhà cung cấp công bằng, tối ưu về chất lượng và giá thành
  • Không phân biệt, đối xử giữa các nhà cung cấp
  • Cân bằng, đảm bảo phù hợp quyền lợi giữa công ty với nhà cung cấp

Với cộng đồng xã hội:

  • Phát triển doanh nghiệp nhưng không vi phạm các nguyên tắc đạo đức, quy định pháp luật
  • Có sự quan tâm đến sự phát triển, ổn định của cộng đồng xã hội, đóng góp nguồn lực cho cộng đồng khi cần thiết, ví dụ: ủng hộ trong thời điểm dịch bệnh…

Quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc công bằng thường rất dễ được chấp nhận về mặt nhận thức nhưng khó đạt được trong thực tế. Các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ rất khó có thể đạt được sự công bằng tuyệt đối trong điều hành doanh nghiệp. Niềm tin cá nhân, cảm xúc, các mối quan hệ… đều có thể sẽ ảnh hưởng tới quyết định quản trị.

Chẳng hạn như, về nguyên tắc công bằng bạn sẽ cần đảm bảo công bằng giữa các nhà cung cấp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp thân tín, rõ ràng bạn sẽ có sự ưu ái hơn so với doanh nghiệp khác. Sự thân quen có thể giúp doanh nghiệp có thêm lợi thế trong đấu thầu cung ứng là điều khó tránh khỏi trong thực tế.

Tuy nhiên, về mặt thông tin công khai hay cảm giác về sự công bằng là yếu tố cần có ở doanh nghiệp. Nhà tâm lý học hành vi và quản trị John Stacey Adams vào năm 1963 đã công bố nghiên cứu về Thuyết công bằng – một lý thuyết về sự động viên nhân viên. Lý thuyết của Adams tập trung vào nghiên cứu tương quan giữa sự cống hiến của nhân viên với sự báo đáp mà họ nhận được từ tổ chức.

Theo Adams, nhà quản trị muốn giữ được mức độ nhiệt tình làm việc của nhân viên ở mức cao thì sự báo đáp của tổ chức phải đảm bảo công bằng, hợp lý. Tổ chức cần giúp các thành viên của mình cảm nhận được sự phân phối trong tổ chức là công bằng.

nguyên tắc quản trị doanh nghiệp
Bạn cần thực hiện nguyên tắc công bằng để duy trì sự phát triển lành mạnh cho tổ chức của mình

Nguyên tắc 2: Minh bạch

Minh bạch trong quản trị doanh nghiệp bao hàm các khía cạnh:

  • Cung cấp thông tin về chính sách, quy định, mục tiêu của công ty một cách rõ ràng với nhân viên và các bên liên quan
  • Minh bạch, công khai để hướng tới việc xây dựng niềm tin, sự gắn kết, hợp tác lâu dài
  • Thông tin chính xác, kịp thời các vấn đề quan trọng về kết quả hoạt động, tình hình tài chính, quyền sở hữu, xung đột lợi ích, rủi ro với cổ đông và các bên liên quan

Thiếu minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin có thể đem lại lợi ích trước mắt cho chủ doanh nghiệp nhưng sẽ khiến doanh nghiệp phải đối diện với những nguy cơ khủng hoảng, vi phạm quy định pháp luật. Chẳng hạn như vụ việc của FLC vào năm 2022:

  • Tháng 1/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin
  • Tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra các cá nhân liên quan của FLC về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”
  • Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với ông Trịnh Văn Quyết

Mặt khác, khi bạn minh bạch về chính sách, quy định, mục tiêu cần hướng tới với đội ngũ của mình, team của bạn sẽ gia tăng thêm động lực và hiểu rõ họ cần tập trung đạt được điều gì. Bạn có thể cân nhắc việc áp dụng nguyên tắc minh bạch trong quản trị doanh nghiệp với phương pháp quản trị theo mục tiêu OKRs. Với OKRs, tổ chức của bạn có thể hướng tới minh bạch hóa mục tiêu, hành động và thông qua đó đạt được hiệu quả, hiệu suất vượt trội.

nguyên tắc quản trị doanh nghiệp
Minh bạch hóa chính sách, quy định, mục tiêu công ty bạn hướng tới sẽ giúp đội ngũ của bạn có sự tập trung cao hơn, tránh phân tán nguồn lực không cần thiết

Xem thêm: OKRs là gì? 15+ Điều bạn cần biết về Quản trị mục tiêu OKRs trước khi áp dụng

Nguyên tắc 3: Quản lý rủi ro

Nhà quản lý khi thực hiện hoạt động quản trị doanh nghiệp cần xác định rõ và tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro. Nhà quản lý cần nắm bắt được các rủi ro với tổ chức hiện nay là gì và giải pháp tối ưu để kiểm soát, ngăn chặn những rủi ro đó. Trong sự phát triển của doanh nghiệp không thể tránh khỏi những rủi ro, nguy cơ. Điều quan trọng là nhà quản lý có giải pháp kịp thời để giải quyết.

Nokia – biểu tượng một thời của ngành sản xuất điện thoại di động là ví dụ điển hình cho câu chuyện thiếu quản lý rủi ro sẽ khiến ngay cả một tượng đài cũng có thể sụp đổ.

  • Những năm 2000: Nokia có vị trí thống lĩnh thị phần điện thoại di động. Họ hầu như không có đối thủ với hàng loạt các sản phẩm được khách hàng ưa chuộng như: Nokia 1280, Nokia 5300, Nokia N91, Nokia N95
  • 2006: Nokia quyết định tập trung vào điện thoại truyền thống, hướng đến mục tiêu lợi nhuận thay vì nghiên cứu, thử nghiệm những công nghệ mới
  • 2007: IPhone ra đời và đánh dấu mở ra kỷ nguyên mới của điện thoại thông minh. Nokia lúc này không nhận diện được rủi ro. Họ xem những công nghệ mới trên IPhone không mang tính khả dụng và giá thành của IPhone quá cao, sẽ khó chinh phục được thị trường.
  • Cuối năm 2007: Sự ra đời của IPhone khiến Nokia mất 3% thị phần
  • 2008: Hệ điều hành Android ra mắt. Lúc này, Nokia không nắm bắt được cơ hội sử dụng hệ điều hành mới để cạnh tranh với IPhone mà họ vẫn tự tin sử dụng hệ điều hành Symbian của mình.
  • 2008 – 2010: Các sản phẩm của Nokia chứng kiến sự thất bại về thương mại và tăng trưởng
  • 2011: Nokia hợp tác với Microsoft, đây được xem là nỗ lực cuối cùng để cứu công ty thoát khỏi khủng hoảng
  • 2014: Nokia đứng trước nguy cơ phá sản và đã phải bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft với giá 7 tỷ USD

Rõ ràng, sự cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt. Nokia từng là một biểu tượng của sự thành công nhưng họ đã ngủ quên quá lâu trên chiến thắng mà quên đi những rủi ro mình phải đối mặt. Do đó, trong quản trị doanh nghiệp, nhà quản lý rất cần quan tâm đến các rủi ro trong cả ngắn, trung và dài hạn với tổ chức của mình.

nguyên tắc quản trị doanh nghiệp
Nhà quản lý cần nắm bắt được các rủi ro với tổ chức hiện nay là gì và giải pháp tối ưu để kiểm soát, ngăn chặn những rủi ro đó

Nguyên tắc 4: Trách nhiệm

Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề của công ty và các hoạt động của quản lý cấp cao trong tổ chức. Hội đồng quản trị thực hiện quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc trách nhiệm thể hiện qua nhiều khía cạnh như:

  • Phát triển, đề bạt một CEO từ nội bộ hoặc thuê CEO bên ngoài, hoạt động hướng đến lợi ích của công ty, các nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan
  • CEO có trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, các nhà đầu tư, trước cổ đông và các bên liên quan
  • CEO cần dẫn dắt tổ chức nắm bắt được cơ hội, ngăn chặn các rủi ro, thử thách để hướng tới mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức

Nguyên tắc trách nhiệm trong quản trị doanh nghiệp nhấn mạnh đến vị trí CEO vì Chief Executive Officer – Giám đốc điều hành có nhiệm vụ hoạch định và thực thi kế hoạch phát triển công ty, hướng đến hoàn thành các mục tiêu, tầm nhìn do Hội đồng quản trị đề ra.

Nghiên cứu của Đại học Harvard đã tiến hành theo dõi thói quen hàng ngày của một số CEO hàng đầu để xem họ thực sự làm gì trong ngày. Một số CEO nói rằng họ đã dành tới 72% thời gian trong ngày cho các cuộc họp và thừa nhận các cuộc họp đó chiếm quá nhiều thời gian nhưng không phải lúc nào cũng hữu ích.

Trong quản trị doanh nghiệp, vị trí CEO cần đảm bảo nguyên tắc trách nhiệm và vị trí này cũng thực sự áp lực. Con số đến 72% thời gian để họp trong ngày phần nào thể hiện những áp lực CEO phải đảm nhận. Họ thường có quá nhiều những vấn đề, sự bận tâm cần giải quyết hàng ngày. Và, chỉ khi thực hiện nguyên tắc trách nhiệm, CEO cũng như đội ngũ lãnh đạo công ty mới có thể quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Một số ví dụ về CEO nổi tiếng đã thực hiện trách nhiệm của mình và dẫn dắt tổ chức đến với thành công vượt trội có thể kể đến như:

  • Jeff Bezos là CEO của Amazon. Jeff Bezos là người đã định hình nên thành công của Amazon, giúp công ty này từ một doanh nghiệp đơn thuần kinh doanh sách điện tử phát triển trở thành “ông hoàng” của ngành bán lẻ trên toàn cầu.
  • Larry Page là Giám đốc điều hành của Google. Larry Page có đóng góp quan trọng trong việc phát triển công cụ tìm kiếm trực tuyến đồng thời giúp Google phát triển mở rộng ra nhiều lĩnh vực như: cung cấp nội dung số (Youtube); hệ điều hành di động (Android); kinh doanh thiết bị di động (Google Pixel).
  • Mark Zuckerberg – CEO Facebook đã giúp thay đổi cách thức con người liên lạc, kết nối một cách tiện lợi đến mức dường như không có khoảng cách. Từ một ứng dụng được phát triển chỉ để lưu giữ ảnh kỷ yếu cho sinh viên, Facebook đã phát triển trở thành một trong những mạng xã hội hàng đầu trên thế giới.
Chỉ khi thực hiện nguyên tắc trách nhiệm, CEO cũng như đội ngũ lãnh đạo công ty mới có thể quản trị doanh nghiệp hiệu quả

Nguyên tắc 5: Trách nhiệm giải trình

Ở góc độ vận hành bộ máy công ty:

  • Ban quản lý công ty chịu trách nhiệm giải trình với Hội đồng quản trị về việc thực hiện các kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu trong từng giai đoạn cụ thể.
  • Còn Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giải trình với cổ đông, nhà đầu tư

Hội đồng quản trị thực hiện vai trò quản trị của mình và có trách nhiệm giải trình với các cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan về:

  • Mục đích, tầm nhìn dài hạn của của công ty
  • Mục tiêu hướng tới và kế hoạch hành động tương ứng
  • Kết quả hoạt động vận hành, kinh doanh…

Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm đánh giá năng lực, tiềm năng, hiệu quả hoạt động của công ty và giải trình các vấn đề quan trọng hoặc bất thường với cổ đông, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan.

Thực hiện trách nhiệm giải trình giúp tạo hành lang quy định pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, đúng hướng hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên liên quan. 

Ví dụ như Tập đoàn Bamboo Capital ngày 16/11/2022 đã công khai giải trình về việc bán giải chấp cổ phiếu BCG của ông Nguyễn Hồ Nam. Nguyên nhân vụ việc được giải trình là: “xuất phát từ việc phối hợp không kịp thời trong việc quản lý tài khoản giữa đại diện quản lý tài khoản chứng khoán với cá nhân ông Nguyễn Hồ Nam, khiến các tài khoản chứng khoán của ông Nguyễn Hồ Nam đã bị thực hiện việc bán giải chấp”. 

Đi kèm với giải trình nguyên nhân, Bamboo Capital còn công bố giải pháp giải quyết: “đã thực hiện công bố thông tin đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu BCG trong thời gian ngắn tới để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BCG”.

Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm đánh giá năng lực, tiềm năng, hiệu quả hoạt động của công ty và giải trình các vấn đề quan trọng hoặc bất thường với cổ đông, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan

Quản trị doanh nghiệp cần phải có nguyên tắc và ngược lại nguyên tắc quản trị doanh nghiệp đúng khi được thiết lập và duy trì nghiêm túc sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững và đúng hướng hơn. Công bằng, minh bạch, quản lý rủi ro, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình là 5 nguyên tắc trong quản trị doanh nghiệp. Hy vọng những chia sẻ của VNOKRs về nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hữu ích và là những gợi mở tốt dành cho bạn. Bạn có thể xem thêm các bài viết về quản trị doanh nghiệp trên blog của VNOKRs: https://blog.okrs.vn/kien-thuc-quan-tri