Các phương pháp quản trị sẽ giúp giải quyết vòng lặp của vấn đề tồn đọng luôn khiến lãnh đạo doanh nghiệp đau đầu. Khi lựa chọn được phương pháp phù hợp với tình hình phát triển, đặc thù của doanh nghiệp, bạn sẽ giúp doanh nghiệp của mình phát triển thuận lợi hơn. Hãy cùng VNOKRs tìm hiểu qua bài viết sau. 

1. BSC – Balanced Scorecard (Thẻ điểm cân bằng)

Phương pháp quản trị BSC do Tiến sĩ Robert Kaplan và David Norton khởi xướng, sáng lập. Nhiều người nhầm tưởng BSC như một hệ thống đo lường. Quả thật BSC có thể giúp bạn xem xét sức khỏe doanh nghiệp của mình qua các khía cạnh đo lường cụ thể. Về mặt bản chất, BSC là một hệ thống quản lý có thể giúp doanh nghiệp của bạn định vị được rõ tầm nhìn, chiến lược và chuyển hóa thành hành động cụ thể.

BSC giúp bạn xem xét doanh nghiệp của mình qua 4 khía cạnh:

  • Học hỏi và phát triển
  • Quy trình nội bộ
  • Khách hàng
  • Tài chính

Một điểm đáng chú ý của BSC là khi thực hiện đo lường, thu thập các dữ liệu theo các khía cạnh trên, nhà quản trị sẽ phân tích trên bình diện của khía cạnh và cả so sánh, nhìn nhận sự tác động với các khía cạnh còn lại. Điều đó có nghĩa là các khía cạnh của BSC không phải được xem xét đơn nhất, độc lập mà luôn được xem xét trong một tổng thể chung.

BSC sẽ giúp bạn nhìn nhận, thiết lập được các mục tiêu cấp cao của tổ chức; đánh giá mức độ tác động của các mục tiêu đề ra và còn hỗ trợ bạn lên chương trình hành động để doanh nghiệp hướng tới mục tiêu.

Phương pháp quản trị Balanced Scorecard

2. Strategy Map (Bản đồ chiến lược)

Bản đồ chiến lược là phương pháp quản trị giúp bạn thiết lập rõ ràng các kế hoạch, mục tiêu chiến lược, cấp cao. Phương pháp quản trị này tỏ rõ hiệu quả trong việc truyền thông nội bộ, chuyển tải rõ ràng thông điệp về các mục tiêu, kế hoạch trong nội bộ công ty bạn.
Bản đồ chiến lược đem lại cho bạn các lợi ích cụ thể như:

  • Cung cấp một bản kế hoạch mục tiêu rõ ràng, đơn giản, trực quan, dễ dàng sử dụng
  • Thống nhất, tập trung các mục tiêu thành một chiến lược duy nhất
  • Cung cấp cho nhân viên thông tin về mục tiêu rõ ràng, cụ thể
  • Giúp xác định các mục tiêu chính của tổ chức
  • Giúp bạn hiểu rõ những điểm cần lưu ý trong thực hiện chiến lược
  • Giúp bạn nhìn nhận những ảnh hưởng khi thực hiện một mục tiêu cụ thể sẽ tác động như thế nào đến các mục tiêu khác.

Phương pháp quản trị hiện đại Strategy Maps
Bạn có thể tham khảo thêm phương pháp quản trị này với tựa sách “Strategy Maps” của Robert S. Kaplan & David P. Norton

3. SWOT Analysis (Mô hình phân tích kinh doanh)

  • Strengths (điểm mạnh)
  • Weaknesses (điểm yếu)
  • Opportunities (cơ hội)
  • Threats (thách thức)

SWOT là một phương pháp quản trị, mô hình phân tích dựa trên việc xác định 4 yếu tố của công ty bạn: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu là yếu tố nội tại của công ty bạn. Còn cơ hội và thách thức là các tác động bên ngoài, bạn cần đánh giá, dự phòng, nắm bắt được.

Áp dụng SWOT cho công ty, bạn sẽ nhìn nhận được vấn đề của công ty đang nằm ở đâu, bạn cần cải thiện ở điểm gì… SWOT là phương pháp quản trị hiệu quả giúp bạn thiết lập kế hoạch hành động, thiết lập các mục tiêu cho công ty dựa trên các căn cứ cụ thể, rõ ràng.
Mô hình phân tích kinh doanh SWOT

4. Phương pháp quản trị PEST Model

  • Politic (chính trị)
  • Economy (kinh tế)
  • Sociocultural (văn hóa xã hội)
  • Technology (công nghệ)

Phương pháp quản trị PEST Model là phương pháp xem xét sự vận hành của một công ty, tổ chức trong sự vận hành chung của tình hình phát triển bên ngoài với 4 yếu tố: Chính trị; Kinh tế; Văn hóa xã hội và Công nghệ.

Qua việc đánh giá PEST, bạn sẽ nhìn nhận được những triển vọng, mục tiêu mà công ty mình cần hướng tới. 

Ví dụ:

Trong điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ổn định, phát triển, đồng thời nhà nước đang có chính sách khuyến khích về chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vậy đây có thể là một trong những mục tiêu phát triển của công ty bạn: Hướng tới phát triển nền tảng chuyển đổi số.

Phương pháp quản trị hiện đại PEST Analysis

5. OKRs (Quản trị theo mục tiêu & kết quả)

  • Objectives (mục tiêu)
  • Key Results (các kết quả chính)

OKRs là viết tắt của cụm từ Objectives and Key Results – mục tiêu và các kết quả chính/then chốt. 

Đây là phương pháp quản trị rất nổi tiếng vì đã được Google, Intel, Spotify, Twitter, LinkedIn và nhiều tập đoàn, công ty tên tuổi khác trên thế giới áp dụng và thành công. Tại Việt Nam, OKRs cũng đã được áp dụng cho FPT, Tinh Vân, CareerBuilder Việt Nam…

OKRs như kể trên, áp dụng hiệu quả cho việc quản trị mục tiêu ở quy mô lớn (tập đoàn, công ty) nhưng đồng thời phương pháp này cũng giúp bạn quản trị hiệu quả ở quy mô nhỏ như cho nhóm và cả cho từng cá nhân. 

Quản trị theo mục tiêu và kết quả chính - OKRs
OKRs được đánh giá giúp thực hiện các chiến lược một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian, nguồn lực. Có được điều đó là nhờ:

  • OKRs chỉ rõ ra các mục tiêu: O như một điểm rõ ràng trên bản đồ, chỉ rõ cho toàn công ty bạn biết cần đi về đâu, cần đạt được điều gì. Từ đó, các doanh nghiệp dễ dàng tập trung nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể. 
  • OKRs chỉ rõ con đường, phương pháp: Các KRs chính là từng bậc thang cụ thể, rõ ràng mà khi nhân viên của bạn đạt được thì họ cũng tiệm cận dần đến với mục tiêu đề ra. Qua đó, nhân viên dần tiếp cận và đạt được mục tiêu chung thống nhất của công ty.
  • OKRs giúp liên kết các nguồn lực: Các mục tiêu OKRs đề ra không phải chỉ được áp đặt từ trên xuống như thác đổ mà có thể còn được thiết lập từ dưới lên, chéo giữa các phòng ban nên giúp phát huy sự sáng tạo, chủ động của mỗi cá nhân.
  • OKRs có 2 dạng là OKRs cam kết và OKRs mở rộng: OKRs cam kết được xem là hoàn thành khi đạt 100% mục tiêu. OKRs mở rộng được xem là hoàn thành khi chỉ cần đạt được 70%. Nếu bạn thiết lập phù hợp OKRs cam kết và OKRs mở rộng có thể giúp công ty bạn đặt ra và thực hiện được nhiều mục tiêu, bước tiến phát triển táo bạo hơn.

Các công ty đã thành công với OKRs

Có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và Việt Nam đã thành công với OKRs

Tham khảo chi tiết cách thức áp dụng mô hình quản trị OKRs cho doanh nghiệp và cá nhân tại bài viết: OKRs là gì?

6. Mô hình quản trị VRIO Framework

  • Value (giá trị)
  • Rarity (sự hiếm có)
  • Imitability (bắt chước)
  • Organization (tổ chức)

VRIO Framework là phương pháp quản trị, khung đánh giá giúp bạn nhìn nhận được rõ hơn lợi thế cạnh tranh trên thị trường của công ty, sản phẩm của bạn. VRIO xem xét dựa trên 4 khía cạnh, giải quyết 4 câu hỏi: 

  • Giá trị của công ty bạn ở đâu? 
  • Đâu là điểm hiếm có tạo nên lợi thế cạnh tranh cho công ty bạn?
  • Các đối thủ cạnh tranh có nhiều khả năng bắt chước bạn không?
  • Thiết lập tổ chức công ty bạn có thể cải tiến điều gì để giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh?

Quản trị theo VRIO Framework

7. Porter’s Five Forces (5 Nguồn lực của Porter)

5 nguồn lực của Porter là phương pháp quản trị do Michael Porter khởi xướng, sáng lập vào năm 1979. Qua việc xem xét 5 nguồn lực của Porter, bạn sẽ nhìn nhận được các tác động ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, của ngành hàng hay thị trường…
5 nguồn lực gồm:

  • Nguồn lực của nhà cung cấp: Nhà cung cấp trong giai đoạn tới có khả năng tăng giá vật tư cung ứng cho công ty bạn không? Nhà cung cấp có thể gây áp lực lên công ty bạn để giảm chi phí không?
  • Nguồn lực của người mua: Khách hàng trong giai đoạn tới có khả năng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm, dịch vụ của bạn không? Khách hàng có thể gây áp lực cho bạn để giảm chi phí không?
  • Nguồn lực cạnh tranh: Các đối thủ cạnh tranh của bạn trong giai đoạn tới có khả năng làm suy giảm vị thế trên thị trường của bạn không?
  • Rủi ro từ việc bị thay thế: Bạn có thể bị đối thể thay thế trong giai đoạn tới không? Khách hàng của bạn có thể thay thế sản phẩm, dịch vụ của bạn bằng sản phẩm, dịch vụ khác không?
  • Mối đe dọa từ việc bị chiếm lĩnh thị trường: Bạn có bị đe dọa chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn tới không? Các công ty khác có dễ dàng tham gia thị trường không? Họ gặp những rào cản gì khi muốn chiếm lĩnh thị trường?

Sẽ thật khó để đo lường dự kiến, triển vọng lợi nhuận của công ty bạn. Với 5 nguồn lực của Porter, việc đo lường trở nên dễ dàng, có căn cứ hơn.
Cách quản trị bằng 5 Nguồn lực của Porter

8. Lean Startup – Khởi nghiệp tinh gọn

Lean Startup là khởi nghiệp tinh gọn. Thay vì các bước đi truyền thông: Nghiên cứu và ra mắt sản phẩm – Xây dựng dịch vụ – Vươn ra thị trường – Khách hàng đón nhận thì Lean Startup hướng tới việc quản trị khác biệt, tinh gọn. 

Cụ thể: Công ty bạn sẽ chỉ tập trung phát triển ngay lập tức vào những sản phẩm, dịch vụ nào đã được thị trường đón nhận, khách hàng có nhu cầu.

Với khởi nghiệp tinh gọn, bạn có thể:

  • Đánh giá được mức độ quan tâm của người dùng, của khách hàng với sản phẩm, dịch vụ của mình. 
  • Xác định được các phương thức giúp cải tiến sản phẩm, dịch vụ. 
  • Học hỏi những điều đã có kết hợp kiểm chứng để tránh lãng phí nguồn lực và thời gian là yếu tố khởi nghiệp tinh gọn hướng tới.

Khởi nghiệp tinh gọn hướng đến sự thử nghiệm, giải quyết nhanh chóng vấn đề của khách hàng hơn những kế hoạch chi tiết, cụ thể. Các kế hoạch kinh doanh có tầm nhìn đến 5 – 10 năm được xem là lãng phí nguồn lực, thời gian. 

Khởi nghiệp tinh gọn tập trung vào phản ứng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của bạn. Nếu một ý tưởng có khả năng thất bại, nó sẽ sụp đổ nhanh chóng, tốn ít chi phí, nỗ lực với khởi nghiệp tinh gọn thay vì mất nhiều thời gian, chi phí để bạn dần nhận ra mình đã đi sai đường.

Ví dụ:

Ban đầu, bạn hướng sản phẩm của mình đến đối tượng giới trẻ làm công việc văn phòng trong độ tuổi 25 – 30 tuổi. 

Tuy nhiên, qua thời gian ngắn đưa sản phẩm ra thị trường, bạn nhận thấy đối tượng khách hàng mục tiêu này không phù hợp. 

Do đó, bạn chuyển hướng sang đối tượng khách hàng mục tiêu khác. Việc thay đổi nhanh chóng này giúp bạn hạn chế tối đa các rủi ro thiệt hại có thể xảy ra.
Mô hình quản trị tiên tiến Lean Startup

9. Phương pháp quản trị hiện đại – KPI

KPI – Key Performance Indicator là phương pháp quản trị đánh giá thực hiện công việc qua các chỉ số. KPI rất phổ biến trong việc giúp các tổ chức, doanh nghiệp đánh giá hiệu suất làm việc trong một khoảng thời gian nhất định với cả tổ chức, với nhân viên, với các dự án, kế hoạch…

Các chỉ số KPI thường được thiết lập dựa trên, liên kết với các mục tiêu, kế hoạch chiến lược của công ty bạn.

Bởi vì KPI hướng tới yếu tố đánh giá nên KPI thường gắn với các con số, chỉ số định lượng giúp bạn đo lường dễ dàng. Từ kết quả thực hiện KPI, bạn có thể nhìn nhận được các vấn đề đang xảy ra và tìm cách khắc phục kịp thời.

Ví dụ:

  • KPI team sáng tạo nội dung: Chỉ mất dưới 24 giờ để hoàn thành xong 1 bài SEO website.
  • KPI team kinh doanh: Đạt doanh thu ít nhất 1 tỷ đồng mỗi quý.
  • KPI team tuyển dụng: Chỉ mất dưới 1 tuần để tuyển dụng thành công 1 vị trí nhân sự.

Phương pháp quản trị nổi tiếng KPI

10. Goal – Based Strategic Planning (Lập kế hoạch chiến lược dựa trên mục tiêu)

Nếu phương pháp lập kế hoạch dựa trên vấn đề hướng đến việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong một giai đoạn cụ thể thì phương pháp lập kế hoạch chiến lược dựa trên mục tiêu hướng đến việc gắn mục tiêu với tầm nhìn, sứ mệnh trong lâu dài của công ty bạn.

Bất cứ công ty, tổ chức nào hoạt động cũng cần có một tầm nhìn trong dài hạn. Tầm nhìn đó thường được thể hiện ra qua các tuyên bố, khẳng định và cần được cụ thể hóa qua việc thiết lập các mục tiêu.

Ở phương pháp lập kế hoạch chiến lược dựa trên mục tiêu, bạn sẽ cân chỉnh, hướng các mục tiêu theo tầm nhìn công ty. Sau đó, bạn cần xác định khung thời gian để thực hiện mục tiêu đó. Khung thời gian thực hiện mục tiêu thường khá dài, có thể lên tới 3 –  5 năm. 

Yếu tố cốt lõi để phương pháp quản trị này đạt hiệu quả cao là bạn thiết lập mục tiêu và khung thời gian thực hiện nhưng đồng thời cũng phải định kỳ theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện mục tiêu.

Goal - Based Strategic Planning - Mô hình quản trị chiến lược
Lời kết,

Trên đây, VNOKRs đã cùng bạn tìm hiểu các phương pháp quản trị doanh nghiệp, tổ chức hiệu quả. Nhìn chung, mục tiêu của phương pháp quản trị là hướng tới việc giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi, lành mạnh, hạn chế được tối đa việc thất thoát, lãng phí nguồn lực.

VNOKRs chúc bạn tìm được và áp dụng thành công phương pháp quản trị phù hợp nhất với công ty của mình!

Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.