Bạn có thể nhận thấy xung quanh mình có những người làm việc chủ động, thong dong nhưng đầy hiệu quả. Ngược lại, cũng có những người làm việc tất bật cả ngày nhưng mọi thứ vẫn rối tinh. Có sự khác biệt như vậy trong nhiều trường hợp là do kỹ năng quản lý thời gian khác nhau giữa họ.
Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về chủ đề kỹ năng quản lý thời gian qua bài viết sau. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm một bài viết khác cũng trên kênh blog của VNOKRs: “Quản lý thời gian”.
Các vấn đề khi không biết cách quản lý thời gian
Quản lý thời gian là cách bạn sắp xếp, phân phối thời gian giữa các hoạt động, công việc của mình để đạt được mục tiêu, hiệu suất cao nhất. Khi bạn quản lý thời gian tốt, bạn sẽ giảm thiểu được những căng thẳng không đáng có và có mức độ hài lòng với công việc, cuộc sống cao hơn. Còn nếu ngược lại, bạn không biết cách quản lý thời gian thì rất có thể bạn sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề như:
Không đạt được mục tiêu
Mọi mục tiêu dù đơn giản, dễ dàng hay khó khăn, thử thách thì cũng cần có kế hoạch thực hiện gắn với thời gian cụ thể. Không quản lý được về mặt thời gian, mục tiêu của bạn sẽ ngày càng trở nên xa vời, thiếu thực tế, khó đạt được.
Chẳng hạn như một mục tiêu đơn giản là đến văn phòng làm việc đúng giờ nhưng không phải nhân viên nào cũng có thể đảm bảo tuân thủ đúng. Họ có thể bị rất nhiều vướng mắc phát sinh như tắc đường, xe hỏng, hết xăng… nhưng tựu chung lại, những lý do đó đều bắt nguồn từ việc thiếu kỹ năng quản lý thời gian.
Bạn không quản lý thời gian tốt, dự phòng được những tình huống phát sinh thì tất yếu sẽ gia tăng nguy cơ không hoàn thành được mục tiêu. Với ví dụ đến văn phòng làm việc đúng giờ kể trên, nhân viên chỉ cần dự phòng thêm 15 phút cho những tình huống phát sinh thì nhiều khả năng họ sẽ đến đúng giờ thậm chí là trước giờ làm việc.
Tìm hiểu thêm: OKRs – Phương pháp quản trị mục tiêu hiệu quả nhất hiện nay
Lãng phí thời gian
Quản lý thời gian kém sẽ khiến bạn lãng phí thời gian không cần thiết. Chẳng hạn như thay vì tập trung cho công việc thì bạn lại dành thời gian để “lướt” mạng xã hội hay xem các video giải trí ngắn. Những khoảng xao nhãng công việc đó sẽ khiến bạn kết thúc ngày làm việc mà có thể vẫn chưa hoàn thành được công việc quan trọng.
Tâm lý chỉ giải trí 5 – 10 phút khá nguy hiểm vì rất hiếm khi bạn có thể dừng luồng chú ý của mình vào các video ngắn hấp dẫn. Thời gian giải trí vì vậy có thể kéo dài 30 phút, thậm chí 60 phút hoặc hơn nữa.
Mặt khác, bạn không quản lý thời gian tốt thì một ngày làm việc sẽ nhiều khả năng chỉ làm được những việc ít quan trọng. Bạn chú ý làm trước những việc này vì bạn yêu thích, thoải mái nhưng đó chưa chắc đã là công việc quan trọng, khẩn cấp, cần xử lý ngay trong ngày.
Chất lượng công việc kém
Khi bạn không có kỹ năng quản lý thời gian tốt, bạn sẽ nhiều khả năng thiếu hụt thời gian hoàn thành công việc của mình. Từ tâm lý cần hoàn thành gấp gáp, đúng thời hạn, bạn sẽ khó có thể tỉ mỉ, trau chuốt hay thực hiện đúng quy trình công việc cần thiết. Công việc do đó sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt chất lượng tốt.
Mặt khác, công việc được hoàn thành gấp rút vào phút cuối mà thiếu sự rà soát, kiểm tra sẽ dễ phát sinh những lỗi, trục trặc. Chẳng hạn như công ty bạn có một gói thầu cần hoàn thành nhưng đến gần sát lịch, chỉ còn 2 ngày sẽ đóng thầu bạn mới bắt tay làm. Như vậy sẽ thật khó để bạn có thể đảm bảo hồ sơ thầu đã đầy đủ, hoàn thiện.
Năng suất thấp
Quản lý thời gian yếu kém còn khiến bạn khó bám sát được mục tiêu và đảm bảo công việc được thực hiện một cách hiệu quả.
Thực tế, bạn sẽ phải đối diện với những dự lớn, nhiệm vụ lớn cần thực hiện theo từng bước, giai đoạn tuần tự. Bạn không có khả năng kiểm soát, quản lý thời gian, kế hoạch tốt đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ dự án thất bại hoặc được thực hiện với năng suất rất thấp.
Bởi về mặt công thức tính, bản chất của năng suất bằng: Kết quả công việc / Thời gian thực hiện. Thời gian càng bị kéo giãn, kéo dài thì năng suất tương ứng sẽ càng suy giảm.
10 cách giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả
Quản lý thời gian hiệu quả là một kỹ thuật, thậm chí là một nghệ thuật đòi hỏi sự tuân thủ, kỷ luật và nỗ lực trong thời gian dài để hình thành thói quen. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu 10 cách giúp quản lý thời gian hiệu quả dưới đây.
1. Đặt giới hạn thời gian cho từng công việc
Để quản lý thời gian hiệu quả, bạn nên đặt giới hạn thời gian cho từng công việc cụ thể.
Trước hết, bạn hãy xác định mình cần làm gì trong ngày và công việc đó có thể tốn khoảng bao nhiêu thời gian. Bạn hãy đảm bảo sắp xếp công việc theo những khoảng thời gian hợp lý để đạt được hiệu quả cao nhất.
Danh sách công việc cần thực hiện có thể được lên ngay từ cuối buổi làm việc hôm trước. Và khi bạn bắt đầu ngày làm việc mới, bạn chỉ cần nhìn vào danh sách và bắt tay ngay xử lý công việc với tâm trạng hào hứng.
Bạn nên đặt giới hạn hoàn thành công việc cụ thể, phù hợp để tránh cho bản thân hoặc cho team những căng thẳng không cần thiết. Những giới hạn thời gian theo kiểu “càng nhanh càng tốt” thực sự rất mơ hồ và chỉ làm cho người nhận công việc trở nên hoang mang, căng thẳng khi thực hiện công việc.
Ví dụ như bạn cần viết một email khoảng 300 từ cho khách hàng. Bạn dự đoán và chỉ sắp xếp cho công việc này cần hoàn thành trong 5 phút. Tuy nhiên, thực tế công việc bạn còn cần chỉnh sửa câu từ, lên danh sách email cần gửi do đó tốn đến 20 phút. Như vậy, việc áp mốc thời gian chỉ hoàn thành việc gửi email trong 5 phút là không hợp lý và sẽ chỉ khiến bạn có cảm giác căng thẳng, gấp gáp không cần thiết.
Ngược lại, bạn cũng không nên thiết lập thời gian cho công việc quá dài. Theo định luật Parkinson: các nhiệm vụ có xu hướng mở rộng để lấp đầy thời gian được giao. Chẳng hạn như bạn chỉ cần 1 giờ để hoàn thành công việc nhưng được giao làm trong 2 giờ. Trong tình huống này, bạn sẽ có xu hướng “lấp đầy” công việc để đảm bảo hoàn thành công việc trong 2 giờ như được giao.
Như vậy, giới hạn thời gian cho công việc không nên quá gấp gáp nhưng cũng không nên quá thong thả. Quá gấp gáp sẽ khiến bạn căng thẳng không cần thiết nhưng quá thong thả sẽ khiến bạn suy giảm hiệu suất công việc.
Dự phòng những tình huống rủi ro
Đặt giới hạn thời gian để hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn tập trung và hiệu quả hơn trong công việc. Khi bạn đặt giới hạn thời gian, bạn sẽ nhận diện được những vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra và tìm cách dự phòng trước.
Chẳng hạn như bạn cần viết 5 bài nhận xét cho một cuộc họp. Tuy nhiên, bạn nhận thấy mình chỉ có thể thu xếp kịp viết 4 bài viết. Do đó, bạn có thể tiến hành ủy thác, nhờ người khác hỗ trợ bạn 1 bài viết đó.
Giới hạn thời gian công việc ở góc độ này sẽ giúp bạn cải thiện khả năng dự phòng những tình huống rủi ro gây ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu công việc.
Vào cuối mỗi tuần, bạn hãy suy nghĩ về tuần làm việc của mình xem mình đã dành thời gian cho những điều gì không cần thiết và hạn chế chúng trong tuần làm việc tiếp theo. Chẳng hạn như bạn đã tốn quá nhiều thời gian cho những cuộc họp không cần thiết và không cải thiện được điều gì. Như vậy, tuần tới bạn có thể đề nghị không tham gia những buổi họp không liên quan để dành thời gian xử lý những công việc quan trọng, khẩn cấp hơn.
2. Đặt mục tiêu có thể đạt được và sắp xếp nhóm công việc
Thiết lập mục tiêu đúng hướng, phù hợp ngay từ đầu sẽ giúp bạn có thể dành nguồn lực chính xác để xử lý công việc và đạt được mục tiêu hiệu quả. Bạn có thể tham khảo hệ thống SMART và phương pháp Eisenhower để thiết lập, sắp xếp mục tiêu, công việc của mình.
Hệ thống thiết lập mục tiêu SMART
Bạn có thể tham khảo hệ thống thiết lập mục tiêu SMART với 5 tiêu chí như sau:
- Specific (cụ thể): Bạn cần cụ thể hóa mục tiêu, đích đến mà mình thực sự muốn đạt được
- Measurable (đo lường): Mục tiêu cần gắn với những chỉ số định lượng giúp đo lường dễ dàng
- Achievable (khả thi): Bạn cần đảm bảo mục tiêu có tính thử thách nhưng không trở thành bất khả thi
- Relevant (liên quan): Mục tiêu cần có tính liên quan, gắn với tầm nhìn trung, dài hạn của bạn, của team
- Time bound (giới hạn thời gian): Bạn cần gắn mục tiêu với giới hạn thời gian cụ thể để tạo nên áp lực cần thiết khi thực hiện công việc.
Tìm hiểu thêm: Mục tiêu SMART là gì?
Phương pháp Eisenhower
Bạn có thể chia danh sách công việc hàng ngày của mình thành 4 phần với tính chất công việc khác nhau.
- Việc khẩn cấp và quan trọng: Bạn hãy làm ngay
- Việc quan trọng nhưng không khẩn cấp: Bạn nên sắp xếp thời gian cho việc đó
- Việc khẩn cấp nhưng không quan trọng: Bạn có thể thực hiện ủy quyền
- Việc không khẩn cấp cũng không quan trọng: Bạn có thể quên chúng đi
3. Lên kế hoạch hàng ngày, hàng tuần và danh sách công việc cần làm (todolist)
Bạn có thể sử dụng 2 khoảng thời gian để lên kế hoạch với danh sách công việc cần làm hàng ngày:
- Kết thúc buổi làm việc hôm trước
- Ngay khi bắt đầu ngày làm việc
Khi bạn lên danh sách công việc hàng ngày, bạn không nên cố gắng nhồi nhét quá nhiều công việc cần xử lý. Thời gian, sự tập trung cũng như khả năng xử lý công việc của bạn là hữu hạn và với một danh sách công việc dài bất tận, bạn có thể cảm thấy hụt hơi và chán nản. Thay vì ôm đồm quá nhiều việc, bạn có thể nên dành thời gian tập trung cho những công việc thực sự quan trọng, khẩn cấp.
Một mẹo khi bạn lên danh sách công việc cần làm là thay vì ghi “gửi báo cáo cho quản lý dự án”, bạn hãy viết “đã gửi báo cáo cho quản lý dự án”. Như vậy, với sự thay đổi nhỏ này, bạn sẽ có thêm động lực tinh thần để tích hoàn thành nhiệm vụ trong danh sách của mình.
Để hỗ trợ việc lên kế hoạch hàng ngày, bạn có thể tìm hiểu sử dụng phần mềm Todaylist. Đây là phần mềm có thể giúp bạn có thể nắm bắt nhanh chóng, trực quan những việc cần làm trong ngày.
Vào cuối mỗi tuần, có thể là vào tối Chủ nhật, bạn có thể suy nghĩ về công việc của tuần tiếp theo. Những gợi ý để giúp bạn thiết lập công việc tuần có thể là:
- Tuần cũ, bạn đang gặp phải những vấn đề gì?
- Trong tuần mới, bạn sẽ cần thực hiện giải pháp, hành động nào để giải quyết vấn đề?
- Có điều gì thay đổi sẽ giúp công việc của bạn thuận lợi hơn không?
- Bạn thực sự mong muốn đạt được điều gì trong tuần làm việc tiếp theo?
Khi suy nghĩ trả lời những câu hỏi trên, bạn sẽ định hình thiết lập được công việc cho tuần mới và sau đó, cụ thể hóa vào công việc theo từng ngày. Bạn hãy bắt đầu tuần làm việc mới của mình ngay vào tối chủ nhật và vào tuần làm việc mới, bạn sẽ bắt tay vào công việc với một định hướng rõ ràng và đầy hào hứng.
Những tính năng / ưu điểm của Todaylist:
- Nhanh chóng tạo danh sách công việc hàng ngày một cách trực quan
- Thiết lập lịch cụ thể cho từng đầu việc
- Cung cấp khả năng phân loại công việc theo nhóm việc gấp, quan trọng hay chưa gấp
- Đồng bộ hóa và giúp thống nhất lịch với team nhanh chóng
- Cung cấp khả năng thống kê số nhân viên đã tạo todaylist, đã hoàn thành công việc…
Xem thêm: Todaylist mang đến những đột phá trong quản lý công việc
4. Sử dụng quy tắc 80-20
Theo Vilfredo Pareto, nhà kinh tế người Ý: 80% kết quả công việc thường đạt được nhờ 20% nỗ lực. Rõ ràng không phải mọi nỗ lực, hành động của bạn đều có thể giúp đạt được hiệu quả công việc như kỳ vọng. Điều quan trọng là bạn cần sử dụng quy tắc 80 – 20 để lưu ý tìm ra 20% nỗ lực nào thực sự đem đến kết quả như mong đợi.
Chẳng hạn như bạn là chủ của một cửa hàng và đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng.
- Bạn dành 30 phút mỗi ngày để email gửi khách hàng tiềm năng
- Bạn dành 60 phút mỗi ngày để duy trì nội dung fanpage, tương tác với khách hàng của cửa hàng
Tuy nhiên:
- Thông qua kênh email, bạn đã tìm được 5 khách hàng quan tâm đến sản phẩm
- Còn qua kênh fanpage, bạn chỉ tiếp cận được 1 khách hàng quan tâm
Như vậy, tiếp cận khách hàng thông qua kênh email marketing chính là công việc nằm trong nhóm 20% nỗ lực có thể giúp bạn đạt được 80% kết quả.
5. Tận dụng “giờ vàng” làm việc
“Giờ vàng” làm việc ở mỗi người mỗi khác nhau. Giờ vàng là khoảng thời gian bạn làm việc hiệu quả, hiệu suất nhất. Đó có thể là đầu giờ sáng, đầu giờ chiều hay thậm chí là lúc ban đêm yên tĩnh ở nhà… Bạn nên dành thời gian mình cảm thấy thoải mái, hiệu suất nhất để giải quyết những công việc khó khăn, quan trọng nhất trong ngày.
Để tìm kiếm được giờ vàng làm việc của mình, bạn hãy chia ngày làm việc của mình thành 3-5 khoảng thời gian. Sau đó, bạn tiến hành theo dõi hiệu suất làm việc của mình thông qua sổ tay hoặc file Excel online. Cuối tuần, bạn có thể xem lại dữ liệu công việc trong tuần để xác định thời gian làm việc hiệu quả của mình.
Trong khoảng thời gian vàng để làm việc, bạn hãy cố gắng sắp xếp để có thể tập trung hoàn toàn cho công việc. Bạn có thể chia sẻ với team, người thân, bạn bè của mình về khoảng thời gian bạn muốn tập trung làm việc. Như vậy, trong những tình huống không quá khẩn cấp, bạn sẽ tránh bị gián đoạn công việc.
6. Hạn chế những thứ gây xao nhãng
- Những thông báo từ mạng xã hội
- Các cuộc gọi mời bạn tham gia đầu tư, mua bất động sản không mong muốn
- Những email quảng cáo…
Đó đều là những điều bất chợt có thể khiến bạn xao nhãng guồng công việc hiện tại. Một ngày làm việc của bạn có thể bị phân mảnh, thậm chí vỡ vụn với những điều không quan trọng. Vào cuối ngày làm việc, bạn mới chợt nhận ra mình chưa kịp hoàn thành những đầu việc quan trọng, khẩn cấp.
Do đó, bạn rất cần hạn chế những thứ có thể khiến bạn xao nhãng. Khi bắt tay vào guồng công việc, bạn hãy cố gắng tập trung cao độ, chỉ 1 tab công việc, 1 màn hình duy nhất. Bạn hãy tạm thời tắt thông báo từ mạng xã hội hay ngừng việc kiểm tra email. Những điều đó có thể tranh thủ xử lý trong khoảng thời gian rảnh về sau.
7. Nghỉ ngơi giữa giữa các khung giờ
Alan Lakein (Thụy Sĩ) là tác giả của phương pháp Phô-mai để giúp quản lý công việc, thời gian một cách hiệu quả hơn. Theo phương pháp Phô-mai, bạn sẽ chia nhỏ các dự án lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn gắn liền với những khoảng thời gian giới hạn. Bằng cách hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ hoặc tập trung làm việc trong trong khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát công việc và cảm thấy dự án trở nên dễ dàng hơn.
Giữa những guồng công việc ngắn, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, có thể là 5 phút rồi bắt đầu cho guồng công việc tiếp theo. Những khoảng thời gian nghỉ ngắn này sẽ giúp bạn hồi phục thể chất, tinh thần. Bạn có thể tham khảo phương pháp làm việc Tomato:
- 25 phút tập trung làm việc cao độ
- 5 phút nghỉ ngơi
- Sau 4 guồng công việc tập trung, bạn có thể nghỉ dài hơn từ 10 – 30 phút tùy tính chất công việc và sức khỏe bản thân
Còn nếu tính chất công việc của bạn đòi hỏi guồng tập trung công việc dài hơn, bạn có thể thiết lập guồng làm việc trong 90 phút. Nghiên cứu y khoa cho thấy trong cả thời gian bạn thức hay khi bạn đang ngủ thì não bộ cũng sẽ trải qua chu kỳ hoạt động – nghỉ ngơi với mức độ tỉnh táo cao hơn và thấp hơn trong khoảng 90 phút. Sau thời gian làm việc với cường độ cao trong 90 phút, nếu bạn vẫn tiếp tục làm việc, não bộ sẽ phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ khẩn cấp để tiếp tục hoạt động hiệu quả.
Khái niệm nghỉ ngơi cũng không hoàn toàn là việc nằm nghỉ mà có thể là tập thể dục. Giữa những guồng công việc, bạn có thể thử tập thể dục trong 5 phút để vừa cải thiện sức khỏe và kích thích tinh thần sẵn sàng cho guồng công việc tiếp theo. Chẳng hạn như văn phòng của bạn thay vì bắt đầu ca làm việc chiều với sự lờ đờ, mệt mỏi, buồn ngủ thì toàn văn phòng có thể đứng dậy tập thể dục để tỉnh táo, sẵn sàng cho công việc hơn.
8. Tận dụng tối đa thời gian chết
Những khoảng thời gian chết bạn thường rút điện thoại ra để “lướt” mạng xã hội, xem những video ngắn hay chơi game? Khoảng thời gian 5 – 10 phút đó tuy ngắn nhưng nếu tận dụng để làm việc, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy khối lượng công việc mình xử lý được mỗi ngày được cải thiện đáng kể.
Khi bạn đang đi xe bus về nhà, khi đang xếp hàng chờ đợi hay ngay cả khi bạn tập thể dục, bạn cũng có thể kết hợp làm việc.
- Với một chiếc di động và một tai nghe bluetooth, bạn hoàn toàn có thể nghe các video, tài liệu liên quan đến công việc của mình
- Bạn có thể tranh thủ trả lời email khi đang đi xe bus, chờ xếp hàng
- Hay khi bắt buộc phải tham gia một hoạt động mình không quá quan tâm, bạn có thể rút sổ bút ra để ghi chú những ý tưởng, dự kiến công việc cho ngày làm việc, tuần làm việc tiếp theo…
9. Không làm việc đa nhiệm
Tình trạng thường thấy của bạn có phải mở trình duyệt web với 5, 7 thậm chí hơn 10 tab công việc? Bạn thực sự không nên làm việc đa nhiệm. Điều đó không giúp bạn cải thiện hiệu suất mà chỉ khiến bạn phân tâm và thậm chí là gia tăng nguy cơ sai sót, suy giảm hiệu suất công việc.
Trong một khoảng thời gian cụ thể, bạn hãy chỉ tập trung làm duy nhất một công việc. Tập trung tối đa tâm trí sẽ giúp bạn giải quyết hiệu quả từng việc thay vì vừa làm việc A lại suy nghĩ cách làm việc B.
Học giả cổ đại Publius Syrus khẳng định: “Làm hai việc cùng một lúc là không làm gì cả”. Thực tế các nghiên cứu y khoa cũng cho thấy bộ não của con người hoạt động tốt nhất khi tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất.
Huấn luyện viên sức khỏe Erica Zellner (Mỹ) chia sẻ: Đa nhiệm trong công việc sẽ khiến bạn suy giảm năng suất tới 40%. Đặc biệt, điều này còn gây ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến não bộ của bạn.
10. Học cách nói không
Khi bạn nói không, bạn từ chối một yêu cầu nào đó thường sẽ khó khăn hơn là gật đầu đồng ý. Bạn sẽ có cảm giác e ngại những phán xét hay sự thất vọng của người đối diện. Tuy nhiên, khi bạn dễ dàng nhận những công việc, yêu cầu không liên quan, bạn sẽ bị bó hẹp lại khoảng thời gian để tập trung hoàn thành những công việc thực sự quan trọng, khẩn cấp mình cần xử lý.
Bạn cũng nên học cách nói không đúng lúc với sự hoàn hảo. Trong nhiều trường hợp, hoàn thành sẽ tốt hơn hoàn hảo.
Chẳng hạn như khách hàng của bạn thường xuyên có những yêu cầu mới để giúp tối ưu sản phẩm hoàn hảo hơn. Điều này rất tốt, tuy nhiên kéo quá dài thời gian triển khai dự án sẽ chỉ khiến team của bạn tốn thêm nhiều nỗ lực, nguồn lực và chi phí. Thay vì vậy, bạn có thể cùng khách hàng tìm kiếm một giải pháp trung hòa, nói không với những đòi hỏi ngoài hợp đồng để có thể hoàn thành dự án tối ưu về mặt thời gian, lợi nhuận.
Những yêu cầu mới của khách hàng có thể được tính vào thời gian bảo hành, bảo trì sản phẩm hoặc ký tiếp một hợp đồng up-sale thay vì thực hiện ngay trong giai đoạn triển khai dự án.
Thay vì đắm chìm vào chủ nghĩa hoàn hảo đến từng chi tiết, nói đồng ý với mọi yêu cầu thì bạn nên ghi nhớ và lưu ý đến bức tranh toàn cảnh bản thân và team muốn đạt được là gì. Bạn nên tập trung cho những ưu tiên thực sự cần thiết, biết nói không đúng lúc để đạt được mục tiêu công việc cuối cùng.
*
Kỹ năng quản lý thời gian là kỹ năng quan trọng giúp bạn tạo thêm lợi thế để có thể thuận lợi đạt được những mục tiêu trong công việc của mình. Những kỹ năng phải dần được chuyển hóa thành thói quen với sự kỷ luật, tuân thủ một cách chủ động, tự nguyện.
Hi vọng những chia sẻ về kỹ năng quản lý thời gian của VNOKRs hữu ích và là những gợi mở tốt dành cho bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm những kiến thức hữu ích về quản trị doanh nghiệp, phát triển bản thân tại blog của chúng tôi: https://blog.okrs.vn/kien-thuc-quan-tri