Nguyên tắc SMART có thể được ứng dụng để thiết lập mục tiêu hiệu quả cả trong công việc và cuộc sống hàng ngày để đem lại cho bạn những kết quả vượt mong đợi. Hãy cùng tìm hiểu cách thiết lập mục tiêu SMART với từng bước cùng ví dụ minh họa cụ thể và một số mẹo VNOKRs chia sẻ qua bài viết sau.
1. Những việc cần chuẩn bị trước khi thiết lập mục tiêu SMART
Trước khi bắt tay thiết lập mục tiêu SMART, bạn cần chuẩn bị một số chi tiết như:
1.1. Tổng quan công việc, lĩnh vực bạn cần thực hiện
Để thiết lập nguyên tắc SMART chính xác, phù hợp nhất, bạn cần có cái nhìn tổng quan, bao quát được hết các công việc, lĩnh vực cần thực hiện. Từ danh sách các công việc cần thực hiện, bạn mới có thể xác định mục tiêu cụ thể mình nên thực hiện là gì.
1.2. Gắn mục tiêu với các trách nhiệm
Trách nhiệm của bạn trong một dự án có thể là nhân viên kiểm thử. Trách nhiệm của bạn trong công việc có thể là sáng tạo nội dung… Mỗi một trách nhiệm công việc khác nhau sẽ cần thiết lập các mục tiêu SMART khác nhau. Bạn hãy xác định rõ trách nhiệm trong công việc hay dự án của mình là gì để đặt mục tiêu SMART chuẩn xác nhất.
1.3. Xác định kết quả mục tiêu cần đạt được
Khi thiết lập mục tiêu SMART, bạn cần tập trung và hướng tới kết quả cuối cùng cần đạt được. Bạn hãy xác định kết quả mình thực sự muốn đạt được. Điều này sẽ giúp bạn tránh trường hợp thực hiện mục tiêu nhưng kết quả nhận được không như kỳ vọng ban đầu.
1.4. Xác định mục tiêu đủ cao
Tinh thần của nguyên tắc SMART là các mục tiêu đề ra luôn cần trong ngưỡng khả thi và đạt được. Tuy nhiên, để tránh trường hợp thiết lập mục tiêu quá dễ dàng, bạn hãy xác định ngay từ đầu mục tiêu đủ cao, đủ thử thách để bạn phải thực sự nỗ lực mới đạt được.
1.5. Xác định phạm vi mục tiêu phù hợp
Nếu bạn có quá nhiều mục tiêu cần thực hiện thì có thể phạm vi mục tiêu của bạn đang quá hẹp. Bạn có thể xem xét kết hợp các mục tiêu nhỏ lại thành một mục tiêu có phạm vi phù hợp để tập trung nguồn lực và dễ theo dõi quá trình thực hiện mục tiêu hơn.
Muốn áp dụng nguyên tắc SMART trong thiết lập mục tiêu chuẩn xác, bạn cần có một tầm nhìn xa, dài hạn
2. Hướng dẫn 5 bước thiết lập mục tiêu SMART thành công
Bạn có thể thiết lập mục tiêu theo nguyên tắc SMART lần lượt theo 5 yếu tố của nguyên tắc. Cụ thể như sau:
Bước 1 – Cụ thể hóa mục tiêu cần thực hiện
Bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi 5W để xây dựng và cụ thể hóa mục tiêu của mình.
- What – bạn cần đạt được điều gì?
- Who – ai sẽ có trách nhiệm thực hiện mục tiêu?
- When – khi nào cần đạt được mục tiêu
- Where – mục tiêu cần đạt được tại đâu?
- Why – tại sao mục tiêu quan trọng đến mức bạn cần nỗ lực đạt được?
Với bộ câu hỏi 5W này, bạn có thể thiết lập mục tiêu cụ thể hơn, tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Khi bạn cụ thể hóa mục tiêu của mình cũng là lúc bạn hình dung rõ ràng về những điều mình thực sự muốn đạt được, một điểm mốc mà bạn thực sự muốn đến.
Bước 2 – Gắn yếu tố đo lường cho mục tiêu
Mọi mục tiêu đều nên gắn với ít nhất một yếu tố đo lường. Yếu tố đo lường sẽ giúp bạn biết mục tiêu đang tiến triển ở mức nào, bạn có thực sự đã đạt được mục tiêu hay chưa…
Các yếu tố đo lường cần phải định lượng được dễ dàng. Bạn không nên gắn các yếu tố đo lường cảm tính như về cảm nhận, cảm giác để đánh giá mục tiêu. Điều đó có thể sẽ khiến bạn đánh giá sai về quá trình thực hiện mục tiêu.
Yếu tố đo lường có thể là một con số cụ thể cũng có thể là một kết quả mà bạn muốn đạt được. Khi đạt được con số, kết quả đó cũng có nghĩa là bạn đã hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Đo lường mục tiêu sẽ giúp bạn biết được mình đang đi đến đâu của cuộc hành trình chinh phục
Bước 3 – Xác định tính khả thi của mục tiêu
Bạn hãy xác định và đặt ra điểm giới hạn mà bản thân mình không thể vượt qua được. Mục tiêu đề ra cần có tính thử thách, cần nỗ lực cao độ mới đạt được nhưng vẫn ở dưới điểm giới hạn đó. Áp dụng nguyên tắc SMART có nghĩa là bạn hướng tới việc hoàn thành, đạt được 100% mục tiêu trong ngưỡng khả thi.
Nếu bạn cảm thấy mục tiêu mình đề ra là bất khả thi thì cũng đừng nản chí. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, điều chỉnh mục tiêu phù hợp hơn. Một cách khác là chúng ta có thể chia mục tiêu ra thành các giai đoạn nhỏ hơn. Khi hoàn thành xong giai đoạn 1, bạn sẽ có thêm các nguồn lực, căn cứ, thêm những kinh nghiệm, kỹ năng để hoàn thành mục tiêu cho đến bước cuối cùng.
Bước 4 – Xác định tính liên quan của mục tiêu
Mục tiêu của bạn cần được đặt trong sự liên quan, kết nối với các mục tiêu trong dài hạn khác. Khi hoàn thành xong mục tiêu thứ 1, bạn sẽ có thêm nguồn lực, căn cứ để tiếp tục hoàn thành mục tiêu thứ 2. Bạn hãy hình dung các mục tiêu của mình như những bậc thang kế tiếp nhau sẽ giúp đưa bạn đến được với những kết quả vượt trội bạn mong muốn trong dài hạn.
Chúng ta không nên thực hiện các mục tiêu không có sự liên quan, giá trị trong dài hạn. Việc đạt được các mục tiêu không có tính liên quan sẽ không đem tới cho bạn và team những giá trị hay kết quả cần thiết nào.
Bước 5 – Giới hạn thời gian hoàn thành mục tiêu
Thời gian quá thiếu hoặc quá thừa để hoàn thành mục tiêu đều không tốt. Nếu quá thiếu, bạn sẽ khó hoàn thành được mục tiêu. Nếu quá thừa, bạn dễ dẫn đến việc lãng phí thời gian, nguồn lực không cần thiết. Bạn hãy xem xét đặt ra giới hạn thời gian hoàn thành mục tiêu phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình.
Yếu tố phù hợp về mặt thời gian có thể được xem xét từ quá trình thực hiện trong quá khứ cũng như kỹ năng, kinh nghiệm của nhân sự thực hiện.
Ví dụ:
Nếu trước đây, nhân viên của bạn đã từng được đào tạo chuyên ngành về thiết kế đồ họa và đã có trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thì việc giao cho nhân viên mục tiêu hoàn thành dự án thiết kế khó khăn trong 7 ngày là một khoảng thời gian hợp lý.
Giới hạn thời gian như vậy không quá gấp rút nhưng cũng không quá dư thừa, lãng phí thời gian, nguồn lực. Để bạn dễ dàng thiết lập mục tiêu SMART hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số mẹo thiết lập mục tiêu ở phần 3 bài viết này.
3. Mẹo giúp thiết lập nguyên tắc SMART dễ dàng hơn
Để thiết lập nguyên tắc SMART dễ dàng, chính xác, phù hợp hơn, bạn có thể sử dụng một số mẹo như sau.
Tham vấn ý kiến các thành viên trong team
Các thành viên trong team của bạn có thể có các góc độ nhìn nhận và ý tưởng về mục tiêu khác nhau. Bạn nên tham vấn ý kiến của họ. Khi thiết lập một mục tiêu cho cả team hay rộng hơn là cả công ty, chúng ta rất nên có sự trao đổi để tập hợp các ý kiến và tạo cơ hội cho tất cả các thành viên đưa ra được quan điểm của mình.
Bạn có thể tổ chức các buổi brainstorming để tập hợp được các ý kiến trong team nhanh chóng, hiệu quả.
Với các góc nhìn, ý tưởng khác nhau từ team, bạn sẽ có thể thiết lập được mục tiêu SMART chuẩn xác, phù hợp hơn với thực tế.
Tham vấn ý kiến những người đã từng đạt được mục tiêu
Khi bạn mới bắt đầu thực hiện một mục tiêu thì mục tiêu đó thực sự thử thách như một ngọn núi cần leo. Bạn hãy tham khảo ý kiến của những người đã từng lên được đỉnh núi, đây chính là nguồn thông tin thực tế, hữu ích mà bạn nên tận dụng.
Chia nhỏ mục tiêu khó khăn, dài hạn thành các mục tiêu phù hợp, ngắn hạn hơn
Nếu bạn có một mục tiêu khó khăn trong 1 năm thì có thể bạn nên chia mục tiêu ra thành các giai đoạn nhỏ hơn theo từng quý. Việc chia nhỏ mục tiêu ra thành từng giai đoạn như vậy sẽ giúp bạn tập trung nguồn lực và dễ dàng theo dõi việc triển khai thực hiện mục tiêu hơn.
Mặt khác, việc đạt được các chiến thắng nhanh chóng ngay từ giai đoạn đầu triển khai mục tiêu cũng giúp bạn và team thêm sự hào hứng và quyết tâm thực hiện mục tiêu đến cuối cùng.
4. Ví dụ áp dụng nguyên tắc SMART trong thiết lập mục tiêu
Ví dụ 1 – Thiết lập mục tiêu trong công việc
S – Cụ thể: Tôi muốn trở thành nhân viên xuất sắc của công ty
M – Đo lường: Được trao giải thưởng Minh tinh của năm
A – Khả thi: Với những đóng góp và sáng kiến, kết quả trong công việc tôi đang nỗ lực đạt được, tôi muốn trở thành nhân viên xuất sắc, được trao giải thưởng Minh tinh của năm
R – Liên quan: Nhằm giúp tôi tạo dấu ấn tốt với Ban lãnh đạo và đồng nghiệp
T – Giới hạn thời gian: Mục tiêu cần đạt được vào 31/12/2020
Niềm vui chiến thắng và được công nhận trong công việc của bạn có thể bắt đầu từ một mục tiêu SMART ngay lúc này
>> XEM THÊM: 10+ Ví dụ áp dụng mô hình SMART trong kinh doanh
Ví dụ 2 – Thiết lập mục tiêu trong cuộc sống gia đình
S – Cụ thể: Tôi muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình
M – Đo lường: Với ít nhất 1 ngày cuối tuần đưa gia đình đi chơi
A – Khả thi: Cùng khả năng sắp xếp thời gian, công việc hiện nay, tôi muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình với ít nhất 1 ngày cuối tuần đưa gia đình đi chơi
R – Liên quan: Nhằm giúp gắn kết tình cảm gia đình
T – Giới hạn thời gian: Mục tiêu cần bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2020
THAM KHẢO THÊM: 25+ Ví dụ ứng dụng nguyên tắc SMART trong cuộc sống
Ví dụ 3 – Thiết lập mục tiêu về cải thiện thể chất
S – Cụ thể: Tôi muốn có cơ thể khỏe mạnh hơn
M – Đo lường: Với tỷ lệ mỡ giảm 5% và tỷ lệ cơ tăng 5% so với quý III-2020
A – Khả thi: Cùng khả năng và quyết tâm tập luyện thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày như hiện nay, tôi muốn có cơ thể khỏe mạnh hơn với tỷ lệ mỡ giảm 5% và tỷ lệ cơ tăng 5% so với quý III-2020
R – Liên quan: Nhằm giúp tôi tránh các nguy cơ bệnh béo phì, mỡ máu, huyết áp cao
T – Giới hạn thời gian: Mục tiêu cần đạt được vào 31/12/2020, kết thúc quý IV-2020
Ví dụ 4 – Thiết lập mục tiêu về phát triển kỹ năng bản thân
S – Cụ thể: Tôi muốn có khả năng thuyết trình tốt
M – Đo lường: Đủ bình tĩnh, tự tin để thuyết trình các vấn đề chuyên môn trước toàn tập đoàn có 1,000 nhân sự
A – Khả thi: Với kiến thức chuyên môn và sự nỗ lực tập luyện thuyết trình hiện nay, tôi có muốn khả năng thuyết trình tốt, đủ để bình tĩnh, tự tin thuyết trình các vấn đề chuyên môn trước toàn tập đoàn có 1,000 nhân sự
R – Liên quan: Nhằm giúp tôi đáp ứng các đòi hỏi công việc hiện nay
T – Giới hạn thời gian: Mục tiêu cần đạt được vào tổng kết tập đoàn 15/1/2021
>> ĐỌC NGAY: 7+ Ví dụ áp dụng nguyên tắc SMART trong quản lý thời gian
Ví dụ 5 – Thiết lập mục tiêu về giáo dục
S – Cụ thể: Tôi muốn thực hiện mục tiêu học tập suốt đời
M – Đo lường: Với ít nhất mỗi tháng sẽ đọc được một cuốn sách chuyên ngành, kỹ năng phục vụ cho công việc
A – Khả thi: Với khả năng sắp xếp thời gian hiện nay, tôi muốn thực hiện mục tiêu học tập suốt đời với ít nhất mỗi tháng sẽ đọc được một cuốn sách chuyên ngành, kỹ năng phục vụ cho công việc
R – Liên quan: Nhằm giúp tôi có nền tảng kiến thức chuyên môn ngày càng tốt hơn
T – Giới hạn thời gian: Mục tiêu cần thực hiện bắt đầu từ tháng 12/2020
5. Khung thiết lập mục tiêu SMART cho người mới
Nếu bạn là một người mới biết đến SMART, một mẹo để bạn đi đúng hướng là: Hãy tích cực trả lời câu hỏi theo Khung thiết lập mục tiêu SMART nhiều nhất có thể!
KHUNG THIẾT LẬP MỤC TIÊU SMART |
|
Cụ thể |
|
Đo lường |
|
Khả thi |
|
Liên quan |
|
Thời hạn |
|
Lời kết,
Trên đây, VNOKRs đã cùng bạn tìm hiểu cách thiết lập mục tiêu SMART đơn giản, hiệu quả. Chúc bạn thiết lập được mục tiêu phù hợp và đạt được nhiều thành tựu vượt trội trong công việc, cuộc sống.
Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.