Chỉ thiết lập mục tiêu là không đủ. Mô hình SMART trong kinh doanh sẽ giúp bạn thiết lập mục tiêu thông minh và lên kế hoạch thực hiện hiệu quả. Hãy cùng VNOKRs tìm hiểu cách áp dụng SMART vào kinh doanh qua bài viết sau!
1. Tổng quan về nguyên tắc SMART trong kinh doanh
Về tổng quan, phương pháp SMART giúp bạn xây dựng và đo lường hiệu quả các mục tiêu đề ra. Thông qua SMART:
- Về phía nhân viên: Họ sẽ nhìn nhận được rõ ràng mục tiêu, nắm bắt được chính xác những điều lãnh đạo mong muốn họ đạt được.
- Về phía lãnh đạo: Bạn có thể quản trị, kiểm soát việc thực hiện mục tiêu của nhân viên dễ dàng hơn. Từ đó, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, nguồn lực công ty để tập trung vào chính xác các mục tiêu cần đạt được.
Phương pháp SMART là viết tắt của 5 từ:
- S – Specific (tính cụ thể)
- M – Measurable (tính đo lường)
- A – Achievable (tính khả thi)
- R – Relevant (tính liên quan)
- T – Time-Bound (giới hạn thời gian)
S – Specific (Tính cụ thể)
Mục tiêu đề ra cần cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, không gây ra sự khó hiểu, mơ hồ. Bạn có thể hình dung tính cụ thể khi thiết lập mục tiêu như lúc bạn lên xe taxi và nói rõ ràng địa điểm bạn muốn đến thì tài xế mới có thể chở bạn đến đúng nơi nhanh chóng, không lạc đường.
Thay vì đề ra mục tiêu rất mơ hồ là bán được thật nhiều sản phẩm, bạn hãy đề ra mục tiêu thật cụ thể:
- Bán sản phẩm gì?
- Bán ở đâu, ở khu vực nào?
- Bán vào khoảng thời gian nào?
- Mục tiêu doanh thu là bao nhiêu?
Ví dụ:
Tôi muốn bán được 200 áo phông thể thao mỗi tuần tại 3 cửa hàng tại Hà Nội trong 3 tháng cuối năm 2020. Mục tiêu doanh thu bán hàng của tôi là 40 triệu mỗi tuần, 160 triệu mỗi tháng.
Mục tiêu đã cụ thể, rõ ràng và nhân viên, team của bạn sẽ rất khó có thể bị nhầm lẫn về mục tiêu cần hướng tới trong thời gian tới.
M – Measurable (Tính đo lường)
Các mục tiêu của bạn đề ra cần gắn với yếu tố định lượng, đo lường được để có thể dễ dàng theo dõi tiến độ thực hiện. Khi chúng ta nói đến đo lường không có nghĩa là chỉ cần gắn mục tiêu với một phép đo, một công thức hay con số nào đó mà đo lường ở đây nên được hiểu là mục tiêu cần được đo lường khách quan.
Ví dụ:
“Làm cho 75% trẻ em trong thành phố cảm thấy hạnh phúc.” Mục tiêu này thoạt nhìn thấy có con số 75% để đo lường nhưng thực ra lại là cảm tính, chủ quan, rất khó có thể đo lường được. Thay vào đó, bạn hãy điều chỉnh lại:
“Làm tăng số trẻ em trong thành phố cảm thấy hạnh phúc hơn 35% so với năm ngoái.”
Như vậy, với mục tiêu này bạn đã có một cột mốc là số trẻ em hạnh phúc của năm ngoái để đo lường được chính xác năm nay cần đạt số lượng là bao nhiêu mới là hoàn thành mục tiêu.
Các mục tiêu của bạn đề ra cần gắn với yếu tố đo lường được để có thể dễ dàng theo dõi tiến độ thực hiện.
A – Achievable (Tính khả thi)
Mục tiêu cần phải có sự thách thức. Bạn không nên đề ra một mục tiêu quá dễ dàng để đạt được vì kết quả đạt được sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên đặt ra mục tiêu quá khó khăn đến mức không thể đạt được. Mục tiêu đề ra cần có tính khả thi, thách thức vừa đủ trong khả năng, nguồn lực hiện tại.
Hãy hình dung “sức khỏe”, sự phát triển doanh nghiệp của bạn cũng giống sức khỏe của con người. Khi chơi thể thao, bạn cần tập luyện đều đặn, đủ cường độ thì mới có hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ bền bỉ, phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, khi cường độ, ngưỡng vận động quá cao, vượt khỏi khả năng chịu đựng của cơ thể thì bạn rất dễ bị chấn thương.
Bạn hãy giúp doanh nghiệp của mình tìm được một điểm ngưỡng giới hạn, có thể thực hiện để giúp phát triển doanh nghiệp nhưng không quá tải dẫn đến doanh nghiệp bị “chấn thương”.
Ví dụ:
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế khi thế giới phải đương đầu với dịch bệnh như năm 2020, bạn đặt mục tiêu tăng trưởng công ty 200%. Điều này thật sự khiến nhân viên của bạn nản lòng, mất phương hướng.
R – Relevant (Tính liên quan)
Mục tiêu cần có tính liên quan đến các giá trị lâu dài bạn muốn đạt được, phù hợp với các mục tiêu khác đang được thực hiện. Một mục tiêu không có tính liên quan thì dù cho đạt được cũng không đem lại cho bạn giá trị hay ý nghĩa gì nhiều.
Ví dụ:
Công ty bạn sản xuất và phân phối xe đạp thể thao. Mục tiêu năm 2020 của công ty là “Phổ rộng thị trường 63 tỉnh thành trong cả nước”. Nếu bạn đặt mục tiêu quý IV-2020 là: “Thành công tiếp thị sản phẩm ra thị trường châu Phi” thì dù có đạt được cũng không góp phần giúp cộng hưởng thêm giá trị nào cho mục tiêu công ty năm 2020.
T – Time-Bound (Giới hạn thời hạn)
Yếu tố giới hạn thời gian sẽ giúp bạn và team duy trì động lực thực hiện mục tiêu. Gắn mục tiêu với thời gian cụ thể cần hoàn thành cũng giúp bạn thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành mục tiêu.
Giới hạn thời gian cần cụ thể hóa thành ngày, giờ cụ thể cần hoàn thành mục tiêu. Ví dụ như bạn đặt mục tiêu:
Team kinh doanh đạt được tổng doanh số ký kết hợp đồng triển khai dự án ở mức 1 tỷ đồng trước ngày 31/12/2020.
Yếu tố giới hạn thời gian sẽ giúp bạn và team duy trì động lực thực hiện mục tiêu.
2. Hướng dẫn áp dụng mô hình SMART trong kinh doanh
Trong một công ty, team kinh doanh luôn được ví như lực lượng tiền tuyến đem lại doanh thu cho công ty. Bạn nên dành thời gian trao đổi, tham vấn ý kiến từ chính team kinh doanh của mình để xác định mục tiêu kinh doanh cần đạt được trong thời gian tới là gì.
Bước 1 – Xác định chính xác mục tiêu kinh doanh của bạn là gì
Chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm tới những biến động thị trường, sự thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của khách hàng… để xác định chính xác các mục tiêu kinh doanh.
Xác định chính xác mục tiêu cũng như khi bạn biết rõ mình cần đi về đâu, chúng ta có một tọa độ cụ thể, một điểm rõ ràng trên bản đồ để định hướng. Nhiều trường hợp team kinh doanh không hoàn thành mục tiêu đề ra hoặc mục tiêu đạt được nhưng không đóng góp được nhiều giá trị cho tổ chức là do không xác định được chính xác mục tiêu kinh doanh cần hướng tới là gì.
Xác định chính xác mục tiêu kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp của bạn tăng tốc phát triển.
Bước 2 – Gắn mục tiêu kinh doanh với các yếu tố định lượng, đo lường được
Mục tiêu kinh doanh của bạn cần được gắn với các yếu tố định lượng, đo lường được. Chính các yếu tố này sẽ giúp bạn biết rõ mục tiêu có đang được thực hiện đúng hướng, có thể hoàn thành được hay không.
Các yếu tố định lượng, đo lường không chỉ giúp làm rõ mục tiêu mà còn giúp bạn gia tăng động lực hoàn thành mục tiêu. Về mặt tâm lý học, chúng ta thường có xu hướng nỗ lực cao độ hơn để hoàn thành các mục tiêu có kết quả rõ ràng, cụ thể hơn là các mục tiêu mơ hồ, khó đo lường.
Ví dụ:
Bạn có cửa hàng kinh doanh thiết bị vệ sinh. Thay vì đặt mục tiêu là “Nỗ lực tăng doanh thu tháng 11-2020”, bạn cụ thể mục tiêu thành “Đạt doanh thu 100 triệu đồng tháng 11-2020”.
Rõ ràng, con số 100 triệu đồng là yếu tố định lượng, đo lường được cho mục tiêu của bạn. Khi gắn mục tiêu với con số này, bạn sẽ thêm nỗ lực để hoàn thành mục tiêu. Điều này chắc chắn tốt hơn một mục tiêu mơ hồ theo dạng nỗ lực đạt được doanh thu hàng tháng càng nhiều càng tốt.
Bước 3 – Xem xét khả năng thực hiện thành công mục tiêu
Sau khi xác định chính xác điều chúng ta muốn đạt được và đạt được ở mức nào thì bạn cần xem xét thêm các yếu tố như nguồn lực công ty, tình hình thị trường, những cơ hội, rủi ro trong thời gian tới… Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc bạn hoàn thành mục tiêu đề ra. Do đó, bạn cần xem xét khả năng thực hiện thành công mục tiêu.
Cũng như khi chơi một ván cờ, bạn không chỉ cần biết mình muốn đi nước cờ nào mà còn phải dự phòng được rủi ro nếu đi nước cờ đó có thể ảnh hưởng tới thế cục ván cờ như thế nào.
Đề ra mục tiêu cũng như chơi một ván cờ, bạn luôn cần tỉnh táo để lường trước thế cục.
Bước 4 – Xem xét mức độ liên quan của mục tiêu
Một mục tiêu được đề ra không nên bị bó hẹp trong các khuôn khổ. Mục tiêu nên được đặt trong một bức tranh phát triển chung, bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp và xem xét mức độ liên quan.
Một mục tiêu cụ thể có thể mới đầu có vẻ rất tốt nhưng khi đặt trong sự phát triển chung, lâu dài của doanh nghiệp lại không cần thiết hoặc thậm chí có hại. Mục tiêu đề ra cần có sự kết nối, tạo ra giá trị cộng hưởng với các mục tiêu khác của công ty.
Ví dụ:
Doanh nghiệp của bạn kinh doanh xe đạp thể thao. Mục tiêu chiến lược năm 2020 là phân phối sản phẩm ra thị trường toàn quốc. Vậy thời điểm quý IV, bạn đề ra mục tiêu mở chi nhánh mới ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là phù hợp, có liên quan, có giá trị cộng hưởng với tầm nhìn, mục tiêu lâu dài của công ty.
Bước 5 – Gắn mục tiêu với một thời gian hoàn thành cụ thể
Vào mỗi dịp năm mới, chúng ta thường đề ra rất nhiều các mục tiêu cần hoàn thành. Có những mục tiêu có khi còn chưa kịp bước ra khỏi trang giấy hay tâm trí của bạn để được nỗ lực thực hiện dù chỉ một ngày. Hội chứng năm mới có đang xuất hiện trong công ty của bạn?
Khi mục tiêu đề ra luôn cần gắn với một thời gian hoàn thành cụ thể. Hạn định thời gian sẽ giúp gia tăng áp lực hoàn thành lên team kinh doanh của bạn. Điều này cũng thể hiện quyết tâm cao độ hoàn thành mục tiêu từ phía lãnh đạo. Khi nhân viên nhận nhiệm vụ, mục tiêu kinh doanh gắn với thời gian cụ thể, họ cũng dễ dàng phân phối nguồn lực, thời gian hợp lý để hoàn thành mục tiêu đúng hạn hơn.
Bước 6 – Viết mục tiêu ra giấy và cam kết thực hiện
Bạn có thể viết mục tiêu kinh doanh theo mô hình SMART của mình ra giấy và cam kết thực hiện thành công mục tiêu đó.
Với mục tiêu đề ra cho team kinh doanh, bạn có thể làm thành một văn bản ghi nhớ, hoặc mục tiêu quý, mục tiêu năm… có chữ ký của lãnh đạo công ty, lãnh đạo team kinh doanh và treo lên tường. Các văn bản cam kết này có thể giúp nhân viên toàn team kinh doanh nắm rõ về mục tiêu, những điều cần hướng tới một cách cụ thể, rõ ràng.
Việc đề ra mục tiêu SMART trong kinh doanh đúng, trúng còn luôn cần gắn với truyền thông nội bộ hiệu quả, rõ ràng. Mục tiêu dù đúng nhưng khi toàn team có những thành viên chưa hiểu rõ, hiểu đúng về mục tiêu thì họ cũng không thể làm việc hiệu quả và ảnh hưởng đến kết quả toàn team.
Việc đề ra và thực hiện mục tiêu SMART trong kinh doanh hiệu quả luôn cần gắn với truyền thông nội bộ hiệu quả, rõ ràng.
3. 10+ ví dụ về mục tiêu SMART trong kinh doanh
Ví dụ 1 – Tăng doanh số bán hàng
- S: Tăng doanh số bán hàng
- M: Tăng doanh số bán hàng lên 500 triệu đồng mỗi tháng
- A: Với nguồn lực và thị trường hiện tại, tôi muốn tăng doanh số bán hàng lên 500 triệu đồng mỗi tháng
- R: Với nguồn lực và thị trường hiện tại, tôi muốn tăng doanh số bán hàng lên 500 triệu đồng mỗi tháng để thực hiện cân đối thu chi công ty
- T: Với nguồn lực và thị trường hiện tại, tôi muốn tăng doanh số bán hàng lên 500 triệu đồng mỗi tháng để thực hiện cân đối thu chi công ty, ngay từ tháng 11/2020
Ví dụ 2 – Phát triển doanh nghiệp
- S: Phát triển quy mô doanh nghiệp
- M: Phát triển doanh nghiệp tăng trưởng 5% quy mô so với cùng kỳ năm ngoái
- A: Với nguồn lực và thị trường hiện tại, tôi muốn phát triển doanh nghiệp tăng trưởng 5% quy mô so với cùng kỳ năm ngoái
- R: Với nguồn lực và thị trường hiện tại, tôi muốn phát triển doanh nghiệp tăng trưởng 5% quy mô so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm mở rộng thâm nhập thị trường
- T: Với nguồn lực và thị trường hiện tại, tôi muốn phát triển doanh nghiệp tăng trưởng 5% quy mô so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến ngày 31/12/2020, nhằm mở rộng thâm nhập thị trường
Ví dụ 3 – Nâng cao chất lượng sản phẩm
- S: Nâng cao chất lượng, cải tiến tính năng ứng dụng
- M: Nâng cao chất lượng, cải tiến tính năng ứng dụng để khiến khách hàng mục tiêu đánh giá ít nhất 4,5 điểm hài lòng trên nền tảng Google Play
- A: Với mức độ phổ biến và tính năng hiện nay của ứng dụng, tôi muốn nâng cao chất lượng, cải tiến tính năng ứng dụng để khiến khách hàng mục tiêu đánh giá ít nhất 4,5 điểm hài lòng trên nền tảng Google Play
- R: Với mức độ phổ biến và tính năng hiện nay của ứng dụng, tôi muốn nâng cao chất lượng, cải tiến tính năng ứng dụng để khiến khách hàng mục tiêu đánh giá ít nhất 4,5 điểm hài lòng trên nền tảng Google Play, nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng
- T: Với mức độ phổ biến và tính năng hiện nay của ứng dụng, tôi muốn nâng cao chất lượng, cải tiến tính năng ứng dụng trước ngày 31/12/2020 để khiến khách hàng mục tiêu đánh giá ít nhất 4,5 điểm hài lòng trên nền tảng Google Play, nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng
Ví dụ 4 – Giảm chi phí kinh doanh
- S: Giảm chi phí kinh doanh
- M: Giảm ít nhất 10% chi phí kinh doanh so với cùng kỳ năm ngoái
- A: Với việc cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất như hiện nay, tôi có thể giảm ít nhất 10% chi phí kinh doanh so với cùng kỳ năm ngoái
- R: Với việc cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất như hiện nay, tôi có thể giảm ít nhất 10% chi phí kinh doanh so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế sau thời gian dịch bệnh kéo dài
- T: Với việc cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất quyết liệt ngay trong tháng 11/2020, tôi có thể giảm ít nhất 10% chi phí kinh doanh so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế sau thời gian dịch bệnh kéo dài
Cắt giảm chi phí luôn là bài toán đau đầu trong kinh doanh.
Ví dụ 5 – Huy động vốn
- S: Tôi muốn huy động vốn
- M: Tôi muốn huy động được 5 tỷ đồng cho công ty
- A: Với danh tiếng và tiềm năng phát triển hiện nay, tôi muốn huy động được 5 tỷ đồng cho công ty
- R: Với danh tiếng và tiềm năng phát triển hiện nay, tôi muốn huy động được 5 tỷ đồng cho công ty nhằm mở rộng quy mô phát triển
- T: Với danh tiếng và tiềm năng phát triển hiện nay, tôi muốn huy động được 5 tỷ đồng cho công ty nhằm mở rộng quy mô phát triển, hoàn thành xong trước 31/12/2020
Ví dụ 6 – Khởi nghiệp kinh doanh
- S: Tôi muốn khởi nghiệp kinh doanh
- M: Tôi muốn khởi nghiệp và đạt lợi nhuận ít nhất 500 triệu đồng
- A: Với nguồn vốn và khả năng sản xuất, cung ứng hàng hóa hiện nay, tôi muốn khởi nghiệp và đạt lợi nhuận ít nhất 500 triệu đồng
- R: Với nguồn vốn và khả năng sản xuất, cung ứng hàng hóa hiện nay, tôi muốn khởi nghiệp và đạt lợi nhuận ít nhất 500 triệu đồng, nhằm thực hiện mục tiêu tự do tài chính trước năm 50 tuổi
- T: Với nguồn vốn và khả năng sản xuất, cung ứng hàng hóa hiện nay, tôi muốn khởi nghiệp ngay vào tháng 1/2021 và đạt lợi nhuận ít nhất 500 triệu đồng trong năm tài chính đầu tiên, nhằm thực hiện mục tiêu tự do tài chính trước năm 50 tuổi
Ví dụ 7 – Mở rộng tệp khách hàng
- S: Tôi muốn thu thập thông tin khách hàng
- M: Tôi muốn thu thập được thông tin 500 khách hàng
- A: Với nguồn lực nhân sự hiện nay, tôi muốn thu thập được thông tin 500 khách hàng
- R: Với nguồn lực nhân sự hiện nay, tôi muốn thu thập được thông tin 500 khách hàng, nhằm mở rộng phát triển kinh doanh
- T: Với nguồn lực nhân sự hiện nay, tôi muốn thu thập được thông tin 500 khách hàng mỗi tháng, nhằm mở rộng phát triển kinh doanh
Ví dụ 8 – Bảo hành sản phẩm nhanh hơn
- S: Tôi muốn rút ngắn thời gian bảo hành sản phẩm
- M: Tôi muốn rút ngắn thời gian bảo hành sản phẩm xuống tối đa 24 tiếng cho một yêu cầu bảo hành tại nội thành Hà Nội
- A: Với nhân lực và kinh nghiệm, kỹ năng của team bảo hành hiện nay, tôi muốn rút ngắn thời gian bảo hành sản phẩm xuống tối đa 24 tiếng cho một yêu cầu bảo hành tại nội thành Hà Nội
- R: Với nhân lực và kinh nghiệm, kỹ năng của team bảo hành hiện nay, tôi muốn rút ngắn thời gian bảo hành sản phẩm xuống tối đa 24 tiếng cho một yêu cầu bảo hành tại nội thành Hà Nội, nhằm gia tăng sự hài lòng của khách hàng
- T: Với nhân lực và kinh nghiệm, kỹ năng của team bảo hành hiện nay, tôi muốn rút ngắn thời gian bảo hành sản phẩm xuống tối đa 24 tiếng cho một yêu cầu bảo hành tại nội thành Hà Nội, từ 1/11/2020, nhằm gia tăng sự hài lòng của khách hàng
Ví dụ 9 – Tăng tỷ lệ chốt đơn
- S: Tôi muốn tăng tỷ lệ chốt đơn hàng thành công
- M: Tôi muốn tăng tỷ lệ chốt đơn hàng thành công lên ít nhất 85%
- A: Với năng lực, kinh nghiệm nhân sự và sự tối ưu sản phẩm hiện nay, tôi muốn tăng tỷ lệ chốt đơn hàng thành công lên ít nhất 85%
- R: Với năng lực, kinh nghiệm nhân sự và sự tối ưu sản phẩm hiện nay, tôi muốn tăng tỷ lệ chốt đơn hàng thành công lên ít nhất 85%, nhằm gia tăng lợi nhuận kinh doanh
- T: Với năng lực, kinh nghiệm nhân sự và sự tối ưu sản phẩm hiện nay, tôi muốn tăng tỷ lệ chốt đơn hàng thành công lên ít nhất 85% ngay từ quý IV-2020, nhằm gia tăng lợi nhuận kinh doanh
Ví dụ 10 – Thu hồi công nợ
- S: Tôi muốn thu hồi công nợ nhanh chóng
- M: Tôi muốn thu hồi công nợ đúng thời hạn như ký kết trên hợp đồng
- A: Với năng lực của team kế toán, tôi muốn thu hồi công nợ đúng thời hạn như ký kết trên hợp đồng
- R: Với năng lực của team kế toán, tôi muốn thu hồi công nợ đúng thời hạn như ký kết trên hợp đồng, nhằm đảm bảo thu chi, vận hành công ty ổn định
- T: Với năng lực của team kế toán, tôi muốn thu hồi công nợ đúng thời hạn như ký kết trên hợp đồng ngay từ 1/11/2020, nhằm đảm bảo thu chi, vận hành công ty ổn định
Ví dụ 11 – Mở rộng số lượng nhà phân phối
- S: Tôi muốn mở rộng số lượng nhà phân phối
- M: Tôi muốn mở rộng số lượng nhà phân phối lên ít nhất 20
- A: Với danh tiếng, quy mô, tiềm lực công ty hiện nay, tôi muốn mở rộng số lượng nhà phân phối lên ít nhất 20
- R: Với danh tiếng, quy mô, tiềm lực công ty hiện nay, tôi muốn mở rộng số lượng nhà phân phối lên ít nhất 20, nhằm mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm tốt hơn
- T: Với danh tiếng, quy mô, tiềm lực công ty hiện nay, tôi muốn mở rộng số lượng nhà phân phối lên ít nhất 20, hoàn thành xong trước 30/6/2021, nhằm mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm tốt hơn
Ví dụ 12 – Giảm giá bán sản phẩm
- S: Tôi muốn giảm giá bán sản phẩm
- M: Tôi muốn giảm giá bán sản phẩm xuống 5% so với cùng kỳ năm ngoái
- A: Với nguồn vốn, tiềm lực hiện nay, tôi muốn giảm giá bán sản phẩm xuống 5% so với cùng kỳ năm ngoái
- R: Với nguồn vốn, tiềm lực hiện nay, tôi muốn giảm giá bán sản phẩm xuống 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường
- T: Với nguồn vốn, tiềm lực hiện nay, tôi muốn giảm giá bán sản phẩm xuống 5% so với cùng kỳ năm ngoái, ngay từ 1/11/2020, nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường
Đọc thêm bài viết: OKRs và mục tiêu SMART: Cùng kết hợp hay “rũ bỏ”
Cùng nghe chia sẻ về cách thiết lập mục tiêu SMART qua Video dưới đây của Erica Olsen (nhà tư vấn chiến lược và lập kế hoạch kinh doanh – Giảng viên của Đại học Nevada Reno)
Lời kết,
Thiết lập mục tiêu là chìa khoá quan trọng đi tới thành công. Hy vọng với mô hình SMART trong kinh doanh cũng những ví dụ mà VNOKRs đã chia sẻ trên đây sẽ góp phần giúp bạn và công ty có định hướng thiết lập mục tiêu thông minh, hiệu quả.
Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.