Mọi nỗ lực đều sẽ thành công khi chúng ta có mục tiêu rõ ràng. Và đặt ra mục tiêu rõ ràng cùng nguyên tắc SMART trong PR là cách tuyệt vời để chúng ra nhanh chóng cán đích. Hãy cùng VNOKRs tìm hiểu nguyên tắc SMART trong PR qua bài viết sau!
1. Mục tiêu SMART trong PR là gì?
SMART là khung tiêu chí để xác định, xây dựng và tiến hành mục tiêu hiệu quả hơn. Năm tiêu chí của SMART bao gồm:
- S – Specific (Tính cụ thể)
- M – Measurable (Tính đo lường)
- A – Attainable (Tính khả thi)
- R – Relevant (Tính liên quan)
- T – Timely (Tính thời điểm)
Chúng ta có thể định nghĩa mục tiêu SMART trong PR là việc thiết lập mục tiêu đảm bảo tính cụ thể, đo lường, khả thi, liên quan, đúng thời điểm nhằm chủ động xây dựng hình ảnh tích cực về công ty.
Các mục tiêu SMART trong PR có các đặc điểm, các nguyên tắc cần tuân thủ:
Cụ thể hóa mục tiêu: Team PR của bạn nên biết rõ họ cần đạt được kết quả, mục tiêu nào. Các mục tiêu PR của bạn hướng tới có thể là:
- Cung cấp thông tin cho khách hàng
- Tạo dựng danh tiếng công ty
- Định hình thái độ tích cực về công ty và sản phẩm…
Dù ở góc độ nào thì mục tiêu SMART trong PR của bạn cũng cần thật sự cụ thể, rõ ràng, tránh nhầm lẫn.
Mục tiêu gắn với các số liệu: Điều này sẽ giúp bạn biết rõ khi nào mình đã đạt, vượt mục tiêu hoặc khi nào bạn vẫn chưa hoàn thành mục tiêu. Bạn cũng có thể chia nhỏ mục tiêu PR của mình thành các giai đoạn nhỏ hơn để kiểm soát, đo lường kết quả dễ dàng hơn.
Đảm bảo tính khả thi: Team PR của bạn cần nỗ lực cao độ mới hoàn thành được mục tiêu nhưng mục tiêu nên được thiết lập không vượt ngưỡng và trở thành bất khả thi.
Mục tiêu liên quan: Mục tiêu nên liên kết và thích hợp với các mục tiêu của team khác và mục tiêu lâu dài của toàn công ty. Mục tiêu PR hoàn thành cũng để góp phần giúp gia tăng hình ảnh tích cực của công ty hoặc hướng đến cộng hưởng cùng các mục tiêu chung khác.
Thiết lập đúng thời điểm: Các kết quả đạt được cần đúng thời điểm thích hợp, cụ thể mới phát huy được hiệu quả cao nhất. Ví dụ như các kết quả, hiệu ứng PR về hình ảnh tích cực của công ty đạt được trước khi ra mắt sản phẩm mới sẽ tốt hơn là đạt được sau khi đã ra mắt sản phẩm mới.
Áp dụng mục tiêu SMART trong PR để có những bước chiến lược PR hoàn hảo.
2. Có nên áp dụng phương pháp SMART trong PR không?
Có rất nhiều công cụ giúp bạn hoàn thành mục tiêu PR. Nhưng nếu bạn muốn thành nhanh và dễ dàng thì không thể thiếu đi phương hướng và sự nỗ lực. Vì vậy, hãy rút ngắn khoảng cách đến đích cùng nguyên tắc SMART trong PR.
Giúp xác định chính xác hơn mục tiêu
Nếu bạn ra khơi mà không biết mình sẽ đi đâu hay làm cách nào để đến được đó, thì rất có thể bạn sẽ phải mất một khoảng thời gian rất lâu mới đến được hòn đảo mong muốn.
Câu hỏi cần đặt ra ở đây là: Tại sao bạn lại phải ra ngoài đảo đó?
Nếu không biết điều này, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ đến được hòn đảo thiên đường mà bạn mơ ước và càng không có gì đảm bảo rằng đó thực sự là nơi mà bạn thực sự muốn đến.
Thuyền của bạn sẽ đi đâu giữa đại dương bao la nếu như không biết đích đến?
Nguyên tắc SMART sẽ giúp bạn xác định được mục tiêu PR một cách cụ thể như hòn đảo ở ví dụ trên. Mặt khác, bạn cũng biết được chính xác lý do vì sao mình cần thực hiện mục tiêu và mục tiêu thực sự quan trọng đến mức bạn phải nỗ lực tối đa để hoàn thành.
Dễ dàng đo lường hiệu quả hoạt động PR
Hoạt động, mục tiêu PR thường đem lại những kết quả khá định tính. Bạn sẽ làm thế nào để đo lường được một hoạt động PR đã giúp gia tăng hình ảnh tích cực của công ty lên mức nào?
Với SMART, các mục tiêu, hoạt động PR sẽ dễ dàng được đo lường hơn. Bởi vì, tất cả các mục tiêu đều cần gắn với một con số định lượng, dễ dàng đo lường.
Ví dụ:
Khi bạn thiết lập mục tiêu cho team PR:
Thay vì: Gia tăng lưu lượng truy cập website công ty
Bạn nên: Gia tăng 5% lưu lượng truy cập website công ty mỗi tháng
Đánh giá được tính khả thi của mục tiêu
Một mục tiêu thông minh trước hết cần là một mục tiêu thực tế, có thể thực hiện được. Bạn có thể thiết lập mục tiêu khó khăn để thử thách và giúp team PR tiến bộ nhiều hơn. Tuy nhiên, sự khó khăn đó không nên vượt ngưỡng và trở thành bất khả thi, khiến team nản chí, bỏ cuộc.
Áp dụng nguyên tắc SMART sẽ giúp bạn cân chỉnh được ngưỡng khả thi của mục tiêu. Mục tiêu vẫn cần team PR nỗ lực cao độ mới hoàn thành được nhưng không vượt ngưỡng và phản tác dụng.
Áp dụng nguyên tắc SMART sẽ giúp bạn cân chỉnh được ngưỡng khả thi của mục tiêu và dễ dàng đi đến đích hơn.
Liên kết mục tiêu
Sẽ thật khó để bạn thuyết phục team PR nỗ lực cho những mục tiêu không có tính liên quan và kết quả đạt được không đem lại giá trị gì nhiều cho công ty. Với SMART, mục tiêu PR của bạn được thiết lập đảm bảo có sự liên quan, phù hợp với các mục tiêu của team khác và mục tiêu chung toàn công ty.
Thực tế, hoạt động PR thường có sự tham gia của nhiều người, thậm chí nhiều đầu việc sẽ sử dụng team outsource (thuê ngoài). SMART sẽ giúp bạn kết nối các mục tiêu của toàn team dù ở vị trí nào lại với nhau để đạt được giá trị, kết quả chung cao nhất.
Xác định được đúng thời điểm
Thời điểm thực hiện hoạt động, mục tiêu PR thực sự quan trọng. Tại sao bạn cần đạt được kết quả PR vào lúc nào chứ không phải là lúc khác? Mục tiêu đề ra cần hoàn thành trong khoảng thời gian bao nhiêu là tối ưu?
Khi áp dụng SMART vào thiết lập mục tiêu PR, bạn sẽ xác định được đâu là khoảng thời gian phù hợp cần thực hiện, cần đạt được kết quả PR. Có được điều đó là nhờ mục tiêu SMART có tính cụ thể, đo lường, khả thi, liên quan và bạn có thể nhìn nhận mục tiêu đó trong một “bức tranh” phát triển tổng thể.
Khoảng thời gian thiết lập để hoàn thành mục tiêu vì vậy có căn cứ rõ ràng chứ không phải ấn định theo cảm tính, chủ quan của lãnh đạo.
Áp dụng nguyên tắc SMART có thể giúp bạn thực hiện mục tiêu PR hiệu quả hơn.
3. Hướng dẫn thiết lập mục tiêu SMART cho ngành PR
Khi bạn đã xác định được mục tiêu PR cụ thể, có thể đo lường được, bạn có thể tư duy “ngược dòng” trở lại: Để đạt được mục tiêu như vậy chúng ta cần làm gì? Từ đó, bạn sẽ lên được kế hoạch thực hiện với từng bước đi cụ thể.
Mục tiêu PR cũng cần được xem xét phù hợp với mục tiêu tổng thể của toàn công ty bạn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thiết lập mục tiêu SMART cho ngành PR theo 4 bước sau:
Bước 1: Xem xét các chiến dịch PR đã từng thực hiện
Những chiến dịch, hoạt động PR bạn đã từng thực hiện chính là một căn cứ quan trọng để bạn xác định mục tiêu SMART tiếp theo.
Nếu các mục tiêu PR cũ đã giúp công ty đạt được những kết quả tích cực, bạn hãy tìm cách tối ưu mục tiêu cũ để đạt được kết quả vượt trội hơn nữa.
Trường hợp các mục tiêu cũ đã khiến bạn đi vào “ngõ cụt” hoặc thậm chí gặp khủng hoảng truyền thông, bạn nên suy nghĩ nguyên nhân thất bại nằm ở đâu và tìm cách khắc phục, điều chỉnh mục tiêu mới.
Bước 2: Viết ra mục tiêu bạn muốn đạt được
Thay vì nghĩ về các mục tiêu, bạn hãy viết chúng ra. Khi bạn viết ra, thậm chí treo các mục tiêu lên tường, bạn sẽ giúp team của mình luôn nắm bắt được những điều chúng ta cần nỗ lực đạt được. Mục tiêu PR sẽ trở nên “hữu hình” hơn thay vì mơ hồ theo dạng “em tưởng” thường thấy ở nhiều công ty gặp tình trạng hạn chế trong truyền thông nội bộ.
Những bức tường với slogan mục tiêu rõ ràng giúp nhân viên của bạn thêm niềm tin và năng lượng làm việc mỗi ngày để đạt được mục tiêu.
XEM CHI TIẾT | 5 Bước thiết lập mục tiêu theo nguyên tắc SMART đơn giản
Bước 3: Thực hiện và đánh giá thường xuyên kế hoạch PR
Khi đã thiết lập được mục tiêu SMART cho PR, bạn hãy hành động quyết liệt nhưng tỉnh táo để đạt được mục tiêu. Chúng ta thực hiện mục tiêu nhưng luôn cần gắn với hoạt động đánh giá:
- Đánh giá mục tiêu có thể thực hiện được đúng tiến độ?
- Kết quả mục tiêu đạt được có còn nhiều ý nghĩa khi tình hình thị trường, khách hàng đang có biến đổi lớn?
- Những yếu tố trở ngại nào đang khiến việc thực hiện mục tiêu PR bị chậm trễ?
Chính việc đánh giá thường xuyên sẽ giúp bạn thực hiện mục tiêu SMART một cách thông minh, nhanh nhạy và sớm đạt kết quả hơn.
Bước 4: Ghi nhận các thành tích đạt được
Các chiến thắng dù nhỏ cũng đều nên được ghi nhận, vinh danh. Chính sự động viên, ghi nhận kịp thời từ lãnh đạo, đồng nghiệp sẽ giúp nhân viên PR và cả team PR của bạn thêm quyết tâm và động lực thực hiện nhiều mục tiêu khó khăn, thử thách hơn phía trước.
Team PR thường nói về những câu chuyện tích cực của công ty và sẽ thật tuyệt nếu công ty cũng có những câu chuyện tích cực chia sẻ về team PR.
Việc ghi nhận đúng đắn các thành tích đạt được giúp team PR có thêm động lực phát triển.
4. Ví dụ áp dụng nguyên tắc SMART trong PR
Ví dụ 1 – Cải thiện hình ảnh tích cực về sản phẩm
- S – Cụ thể: Cải thiện hình ảnh tích cực về sản phẩm
- M – Đo lường: Chúng ta muốn 100% khách hàng được hỏi qua khảo sát nhận định sản phẩm của công ty thân thiện môi trường
- A – Khả thi: Với tính năng sản phẩm và nguồn lực PR hiện nay, chúng ta muốn 100% khách hàng được hỏi qua khảo sát nhận định sản phẩm của công ty thân thiện môi trường
- R – Liên quan: Với tính năng sản phẩm và nguồn lực PR hiện nay, chúng ta muốn 100% khách hàng được hỏi qua khảo sát nhận định sản phẩm của công ty thân thiện môi trường, nhằm xây dựng hình ảnh tích cực về sản phẩm
- T – Thời điểm: Với tính năng sản phẩm và nguồn lực PR hiện nay, chúng ta muốn 100% khách hàng được hỏi qua khảo sát nhận định sản phẩm của công ty thân thiện môi trường, nhằm xây dựng hình ảnh tích cực về sản phẩm. Mục tiêu cần hoàn thành trước 15/3/2021.
Ví dụ 2 – Gia tăng mức độ ảnh hưởng của công ty trên thị trường
- S – Cụ thể: Gia tăng mức độ ảnh hưởng của công ty trên thị trường
- M – Đo lường: Tôi muốn thị phần công ty đạt được chiếm trên 50% thị trường khách hàng mục tiêu
- A – Khả thi: Với năng lực công ty và tiềm năng phát triển sản phẩm và PR hiện nay, tôi muốn thị phần công ty đạt được chiếm trên 50% thị trường khách hàng mục tiêu
- R – Liên quan: Với năng lực công ty và tiềm năng phát triển sản phẩm và PR hiện nay, tôi muốn thị phần công ty đạt được chiếm trên 50% thị trường khách hàng mục tiêu, nhằm cạnh tranh và dần loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp
- T – Thời điểm: Với năng lực công ty và tiềm năng phát triển sản phẩm và PR hiện nay, tôi muốn thị phần công ty đạt được chiếm trên 50% thị trường khách hàng mục tiêu, nhằm cạnh tranh và dần loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Mục tiêu cần hoàn thành xong trước 30/6/2021.
Ví dụ 3 – Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu công ty
- S – Cụ thể: Tôi muốn xây dựng hoàn chỉnh 100% bộ nhận diện thương hiệu công ty
- M – Đo lường: Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ triển khai thiết kế logo công ty, banner sản phẩm, danh thiếp, các sản phẩm hỗ trợ tiếp thị như phong bì, túi xách, chân chữ ký email. Giai đoạn 2 dự án sẽ triển khai hoàn thiện thiết kế các mẫu nhận diện thương hiệu cần thiết còn lại như: profile công ty, brochure sản phẩm, mẫu slide, sổ tay thương hiệu
- A – Khả thi: Với nguồn nhân lực và năng lực team PR hiện nay, tôi muốn xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chia thành 2 giai đoạn
- R – Liên quan: Nhằm giúp gia tăng hình ảnh công ty và hỗ trợ hoạt động tiếp thị, kinh doanh
- T – Thời điểm: Giai đoạn 1 dự án cần hoàn thành xong trước 15/2/2021. Giai đoạn 2 cần hoàn thành xong trước 15/3/2021.
Ví dụ 4 – Gia tăng lượng khách hàng mục tiêu theo dõi các kênh online của công ty
- S – Cụ thể: Tôi muốn gia tăng lượng khách hàng mục tiêu theo dõi Fanpage và kênh Youtube của công ty
- M – Đo lường: Tôi muốn gia tăng lượng khách hàng mục tiêu theo dõi Fanpage và kênh Youtube của công ty lên mức lần lượt là 50,000 và 30,000
- A – Khả thi: Với mức độ lan tỏa các hoạt động PR tại 63 tỉnh thành trong quý III-2020, tôi muốn gia tăng lượng khách hàng mục tiêu theo dõi Fanpage và kênh Youtube của công ty lên mức lần lượt là 50,000 và 30,000
- R – Liên quan: Với mức độ lan tỏa các hoạt động PR tại 63 tỉnh thành trong quý III-2020, tôi muốn gia tăng lượng khách hàng mục tiêu theo dõi Fanpage và kênh Youtube của công ty lên mức lần lượt là 50,000 và 30,000 nhằm giúp gia tăng hình ảnh tích cực về công ty
- T – Thời điểm: Với mức độ lan tỏa các hoạt động PR tại 63 tỉnh thành trong quý III-2020, tôi muốn gia tăng lượng khách hàng mục tiêu theo dõi Fanpage và kênh Youtube của công ty lên mức lần lượt là 50,000 và 30,000 nhằm giúp gia tăng hình ảnh tích cực về công ty. Mục tiêu cần hoàn thành xong trước quý IV-2020.
Ví dụ 5 – Xây dựng cơ sở dữ liệu email khách hàng phục vụ kinh doanh
- S – Cụ thể: Tôi muốn xây dựng cơ sở dữ liệu email khách hàng
- M – Đo lường: Tôi muốn xây dựng cơ sở dữ liệu email khách hàng lên mức 10,000 data
- A – Khả thi: Với việc tổ chức 3 hoạt động PR thông qua kênh báo chí trong tháng 10/2020, tôi muốn xây dựng cơ sở dữ liệu email khách hàng lên mức 10,000 data
- R – Liên quan: Với việc tổ chức 3 hoạt động PR thông qua kênh báo chí trong tháng 10/2020, tôi muốn xây dựng cơ sở dữ liệu email khách hàng lên mức 10,000 data, nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh
- T – Thời điểm: Với việc tổ chức 3 hoạt động PR thông qua kênh báo chí trong tháng 10/2020, tôi muốn xây dựng cơ sở dữ liệu email khách hàng lên mức 10,000 data, nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh. Mục tiêu cần hoàn thành xong trước 15/11/2020.
5. Một số mẹo triển khai mô hình SMART cho PR
Mục tiêu SMART PR giúp tăng doanh số bán hàng
Với nguyên tắc SMART trong PR, bạn có thể thiết lập các mục tiêu thông tin sản phẩm đến khách hàng để khách hàng nhận biết, hiểu và mua sản phẩm. Tuy nhiên việc này không nên quá liên tục và dồn dập, dễ dẫn đến tâm lý ức chế, không thoải mái ở khách hàng.
Mẹo 1: Đề ra các mục tiêu SMART hướng đến việc cung cấp thông tin đúng, giải đáp các thắc mắc, nhu cầu của khách hàng. Khi khách hàng thấy cần thiết, họ sẽ lựa chọn sản phẩm của công ty bạn.
Mẹo 2: PR về bản chất là người khác nói về chúng ta như thế nào. Bạn hãy chủ động tìm những người có ảnh hưởng đến khách hàng mục tiêu để thêm một nguồn thông tin về sản phẩm đưa đến khách hàng từ họ.
Mẹo 3: Sử dụng công cụ phân tích Google Analytics để theo dõi tỷ lệ khách hàng đã tìm đến sản phẩm của bạn thông qua các liên kết PR, thông qua các nội dung không phải trả phí.
Mục tiêu PR đạt hiệu quả cao sẽ giúp hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh doanh.
Mục tiêu SMART PR giúp xây dựng hình ảnh công ty
Các mục tiêu PR giúp hỗ trợ bán hàng, tăng lưu lượng truy cập website hay tăng thứ hạng từ khóa trên trang tìm kiếm là những điều thật hấp dẫn với mọi doanh nghiệp. Nhưng khi bạn chỉ tập trung vào các mục tiêu cụ thể như trên vẫn là chưa đủ. Về phát triển lâu dài, chúng ta cần đề ra các mục tiêu giúp xây dựng hình ảnh tích cực của công ty.
Mẹo 1: Thực hiện các hoạt động PR gắn với hoạt động xã hội có tính lan tỏa cao. Ví dụ như ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ miền Trung.
Mẹo 2: Xây dựng hình ảnh công ty chuyên cung cấp các sản phẩm chất lượng với mức độ hoàn thiện cao, tiên phong áp dụng các công nghệ tiên tiến.
Mẹo 3: Xây dựng hình ảnh công ty gắn với việc bảo vệ, thân thiện với môi trường.
Mục tiêu SMART PR giúp gia tăng ảnh hưởng của công ty
Ảnh hưởng là một khái niệm then chốt trong quan hệ công chúng. Ý tưởng ở đây rất đơn giản: Một số người có ảnh hưởng đặc biệt và những người này thiết lập các xu hướng mà phần còn lại của thế giới làm theo.
Ví dụ như trong môn thể thao điền kinh, Eliud Kipchoge là “ông vua” trên đường chạy Marathon 42km. Nếu Kipchoge giới thiệu một sản phẩm giày chạy bộ nào trên trang Facebook của mình chẳng hạn, sản phẩm đó sẽ thu hút được rộng rãi sự quan tâm của các khách hàng mục tiêu là các runner trên toàn thế giới.
Mẹo 1: Thiết lập quan hệ tốt với các cơ quan báo chí có tiếng nói, ảnh hưởng với ngành hàng của bạn. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của team PR là quan hệ với giới báo chí.
Mẹo 2: Thiết lập quan hệ tốt với những người nổi tiếng có tiếng nói, ảnh hưởng với sản phẩm của bạn. Chúng ta có thể tuyển dụng một nhân viên hoặc team chuyên booking KOLs để đặt các bài đăng trên các kênh của người nổi tiếng. Trường hợp quá khó khăn để tiếp cận các KOLs, bạn hãy thuê ngoài dịch vụ booking KOLs.
Mục tiêu SMART PR giúp xây dựng niềm tin thương hiệu
Bạn cần tạo ra một thương hiệu mà mọi người có thể tin tưởng. Khách hàng thường chỉ chi trả, sẵn sàng mua các sản phẩm, dịch vụ đến từ các thương hiệu mà họ tin tưởng.
Mẹo 1: Xây dựng Fanpage, Youtube, các kênh mạng xã hội của công ty có nhiều lượt theo dõi hơn đối thủ cạnh tranh. Khi truy cập vào các trang có đông người theo dõi hơn, khách hàng thường sẽ có sự tin cậy cao hơn.
Mẹo 2: Xây dựng lòng tin thương hiệu bằng cách hợp tác với những người có ảnh hưởng để xác nhận thương hiệu của bạn trên blog hoặc kênh truyền thông xã hội của họ.
Mẹo 3: Chú ý đến các đánh giá, bình luận về sản phẩm, dịch vụ của mình trên mạng xã hội. Khi khách hàng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, họ thường quan tâm đến các khách hàng khác như họ đã từng sử dụng sản phẩm sẽ có trải nghiệm và bình luận như thế nào.
Lời kết,
Qua phân tích ở trên, chúng ta nhận thấy nguyên tắc SMART có thể giúp công ty của bạn thiết lập mục tiêu cho team PR chính xác, cụ thể và đạt hiệu quả cao hơn. VNOKRs chúc team PR của bạn thực hiện được nhiều chiến dịch, hoạt động PR có tính lan tỏa, giúp gia tăng hình ảnh tích cực của công ty và sản phẩm.
Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.