Mục tiêu SMART không phải là một phép thử mà là một nấc thang vững vàng đưa bạn tiến thẳng lên sự thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Cùng VNOKRs tìm hiểu về ý nghĩa của nguyên tắc SMART qua bài viết sau.
1. Xác định và làm rõ mục tiêu cuối cùng của bạn
Hãy hình dung: Mục tiêu SMART giúp bạn xác định được rõ ràng “hòn đảo thiên đường” – nơi chứa đựng mục tiêu cuối cùng, nơi bạn muốn đến, muốn đạt được.
Bạn hồ hởi giương cánh buồm mục tiêu của mình lên và băng băng ra biển lớn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa xác định được rõ vị trí nơi mình muốn đến thì xung quanh bạn mãi mãi chỉ mênh mông toàn nước và đường chân trời vô định, không bến bờ.
Bất cứ mục tiêu nào cũng cần có tầm nhìn rõ ràng trong ngắn hạn – trung hạn và cả dài hạn. Bạn không nên mải miết chạy theo mục tiêu mà không biết mục tiêu đó sẽ dẫn mình đi về đâu.
Nên nhớ: Chính đích đến sẽ giúp bạn duy trì động lực thực hiện mục tiêu. Bạn hoàn toàn có thể chủ động thực hiện mục tiêu một cách thông minh – SMART, thay vì chạy băng băng nhưng lại lạc đường.
S.M.A.R.T sẽ giúp bạn đi đúng đường thông qua việc làm rõ mục tiêu cuối cùng bạn mong muốn đạt được.
Mục tiêu của bạn có đang xa vời như đường chân trời?
2. Giúp bạn luôn tập trung
Một ngày, một tuần, một tháng và cả một năm của chúng ta trôi qua với thật nhiều những mục tiêu. Khi bạn mở mắt tỉnh dậy mỗi ngày, hàng tá những điều cần phải làm sẽ bủa vây lấy bạn. Nhiều lúc bạn chỉ mong mình có 48 giờ mỗi ngày để làm được hết mọi thứ.
SMART sẽ giúp bạn luôn tập trung vào những mục tiêu quan trọng nhất, không bị phân tâm vào những điều vụn vặt của cuộc sống. Hãy xác định điều mình thật sự mong muốn đạt được và kiên định thực hiện mục tiêu SMART đó.
Giống như một xạ thủ: Giương cung lên, nhắm bắn, nín thở một vài nhịp và tập trung toàn bộ tâm trí trước khi thả dây cung vào đích vậy.
Bạn cũng nên học cách tập trung cao độ với toàn bộ tâm trí khi thực hiện mục tiêu SMART. Sẽ có những giây phút căng thẳng như khi bạn “nín thở và nhắm bắn”, nhưng khi mũi tên được thả ra, khoảng cách đến đích của bạn chỉ trong vòng 1 tích tắc.
Một mẹo nhỏ để bạn thực hiện mục tiêu SMART hiệu quả là bạn có thể phân loại các mục tiêu mình cần thực hiện hàng ngày, hàng tuần theo bảng thứ tự ưu tiên sau:
Mức độ ưu tiên | Gấp | Không gấp |
Quan trọng | Ưu tiên 1 | Ưu tiên 2 |
Không quan trọng | Ưu tiên 3 | Ưu tiên 4 |
Các mục tiêu SMART quan trọng và gấp cần ưu tiên hoàn thành đầu tiên. Tiếp theo là đến các việc quan trọng nhưng không gấp. Thứ 3 là các việc không quan trọng nhưng gấp. Cuối cùng mới đến các việc không quan trọng, không gấp.
Nỗ lực hết mình để nhắm đích, khi mũi tên được thả ra, khoảng cách đi trúng đích của bạn chỉ trong vòng 1 tích tắc.
3. Thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu phù hợp và thực tế
Bản chất của mục tiêu SMART là đề ra các mục tiêu có tính khó khăn, thử thách nhưng luôn nằm trong ngưỡng khả thi, có thể được. SMART có thể thúc đẩy giúp bạn đạt được các mục tiêu phù hợp và thực tế.
Mỗi khi bạn muốn dừng lại, muốn bỏ cuộc, bạn hãy nghĩ về lý do tại sao bạn lại bắt đầu, nghĩ về mục tiêu SMART và những kết quả tuyệt vời bạn có thể đạt được. Giống như một hải đăng rọi sáng, hãy luôn tìm phương hướng và duy trì động lực hoàn thành mục tiêu hết mình.
4. Chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ có thể đạt được
Chúng ta thường bị choáng ngợp trước một bức tranh, viễn cảnh, mục tiêu quá lớn so với tầm vóc của mình. Nếu bạn là một nhân viên bình thường mà đề ra ngay mục tiêu trở chuyên gia đầu ngành mình đang theo đuổi thì mục tiêu đó thật quá tầm và xa vời.
Thay vì vậy, bạn có thể thiết lập mục tiêu SMART, chia mục tiêu lớn, tham vọng thành các mục tiêu nhỏ hơn. Khi đạt được từng mục tiêu nhỏ cũng như khi bạn đang bước trên tầng bậc thang tiệm cận dần và sẽ đạt được mục tiêu lớn khi hoàn thành được các mục tiêu nhỏ, có tính cộng hưởng.
Áp dụng nguyên tắc SMART có thể chia sẻ mục tiêu của bạn ra thành từng bậc thang nhỏ để bạn tiệm cận dần và đạt được mục tiêu.
5. Quản lý thời gian tốt hơn
SMART luôn đặt mục tiêu của bạn trong một khung thời gian thực hiện xác định. Điều đó sẽ giúp bạn quản lý thời gian tốt hơn.
Chúng ta thường than vãn rằng không có thời gian để làm điều này hay điều kia. Tại sao nhỉ?
Mục tiêu là: Năm nay tôi sẽ giảm 10kg!
Kết quả là: … (lặng lẽ thở dài)
Bạn cho rằng: Do mình bận quá nên đã không có đủ thời gian để tập thể dục đều đặn.
Thực ra thì: Bạn không hề thiếu thời gian mà chỉ quản lý thời gian chưa thật sự tốt!
Một mẹo để thiết lập khung thời gian mục tiêu SMART là bạn nên thiết lập các khung thời gian tương đối ngắn hạn để có thể theo dõi, điều chỉnh kịp thời.
Các mục tiêu ngắn hạn cũng sẽ đem đến cho bạn những chiến thắng với các mục tiêu được hoàn thành nhanh chóng. Chính những chiến thắng nhỏ ở bước đầu sẽ giúp bạn tự tin và nỗ lực đạt được mục tiêu hơn.
Thay vì: Đề ra mục tiêu giảm cân với thời gian cả 1 năm giảm được 6kg.
Bạn hãy: Đề ra mục tiêu ngắn hạn hơn là giảm được 0,5kg mỗi tháng.
Chia nhỏ khoảng thời gian thực hiện mục tiêu để biến những điều không tưởng thành hiện thực.
6. Phát triển tư duy sáng tạo
Khi bạn đề ra một mục tiêu có nghĩa là bạn đang có một vấn đề cần giải quyết. Chính khi bạn thiết lập mục tiêu SMART cũng là lúc bạn đang tư duy giải quyết vấn đề đó bằng cách nào. Điều đó sẽ giúp bạn phát triển tư duy sáng tạo và khả năng xử lý công việc.
Ví dụ:
Vấn đề của công ty bạn là nhân sự cứ sau nghỉ tết là ồ ạt nghỉ việc, nhảy việc sang công ty khác, thậm chí là công ty đối thủ.
Hãy thử nghiên cứu, thiết lập mục tiêu SMART để giải quyết vấn đề này:
- S – Specific – Cụ thể: Tôi muốn giảm tình trạng nhân viên nghỉ việc sau thời điểm tết âm lịch
- M – Measurable – Đo lường được: Mức giảm đạt tối thiểu 50% so với cùng kỳ năm trước
- A – Achievable – Có thể đạt được, khả thi: Với khả năng cải thiện văn hóa doanh nghiệp, cơ hội phát triển, lộ trình phát triển cho nhân viên, tôi muốn giảm tình trạng nhân viên nghỉ việc sau thời điểm tết âm lịch xuống tối thiểu 50% so với cùng kỳ năm trước
- R – Relevant – Liên quan, thích hợp: Nhằm ổn định nhân sự, hướng tới các mục tiêu phát triển trong dài hạn
- T – Time Bound – Giới hạn thời gian: Mục tiêu cần thực hiện ngay từ 11/2020 và sẽ thống kê kết quả sau đợt nghỉ tết âm lịch
Rõ ràng, SMART có thể giúp bạn tư duy giải quyết vấn đề sáng tạo, khoa học, có căn cứ thuyết phục hơn. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, là quản lý, bạn hãy sử dụng SMART để tư duy phát triển doanh nghiệp, quản lý team của mình. Nếu bạn là một nhân viên, bạn cũng có thể sử dụng SMART để cải tiến, tối ưu hóa công việc mình được giao.
7. Cải thiện kỹ năng lập kế hoạch
Phần lớn trong chúng ta đều có thể đã từng mắc hội chứng năm mới. Mỗi đầu năm chúng ta lại có một mục tiêu được đề ra và đến cuối năm thì bạn chợt giật mình: Cả năm nay mình đã làm gì với nó?
SMART có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng lập kế hoạch. Nếu bạn tuân thủ mục tiêu SMART, bạn sẽ luôn kỷ luật, đúng thời hạn và rất rõ ràng về những điều mình muốn, cần đạt được.
SMART giúp bạn hiểu rõ: Mình cần ưu tiên thực hiện những mục tiêu nào. Điều nào cần thực hiện trước và thực hiện sau.
Ngay từ hôm nay, bạn có thể viết các mục tiêu SMART của mình ra giấy và dán lên tường. SMART có thể giúp bạn đạt được nhiều mục tiêu một cách đáng kinh ngạc với một kế hoạch hành động và kỷ luật, sự kiên định thực hiện mục tiêu.
Lời kết,
Trên đây, bạn đã cùng VNOKRs tìm hiểu ý nghĩa của nguyên tắc SMART. Nhìn chung, SMART không chỉ hiệu quả trong việc thiết lập, thực hiện mục tiêu cho các công ty, tổ chức mà còn có thể ứng dụng cho cả các mục tiêu của cá nhân. VNOKRs chúc bạn luôn có những bước tiến vượt trội cùng nguyên tắc SMART.
Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.