Triết gia người Pháp René Descartes (1596 – 1650) từng nói: Tôi tư duy nên tôi tồn tại. Dù ở vị trí nhân viên hay nhà quản trị thì kỹ năng tư duy cũng rất quan trọng để bạn có thể giải quyết, hoạch định công việc một cách khoa học, hiệu quả. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu về kỹ năng tư duy của nhà quản trị qua bài viết sau.

Định nghĩa về kỹ năng tư duy

Kỹ năng tư duy (Conceptual skills) là một trong 3 nhóm kỹ năng của nhà quản lý của Robert Kazt là tổng hòa các khả năng về nhận thức, tinh thần, hoạch định phương hướng hành động, chiến lược mà con người sử dụng để giải quyết các vấn đề cũng như thúc đẩy tư duy phản biện.

Ví dụ như: 

  • Con người phải bê vác nặng nề. Đó là một vấn đề và đã được giải quyết với kỹ năng tư duy với các phát minh như bánh xe, vali kéo…
  • Niềm tin, giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã và thế kỷ XVI cho rằng trái đất là trung tâm vũ trụ, mọi hành tinh quay xung quanh trái đất. Nếu chỉ tin theo giáo lý, không có kỹ năng tư duy, phản biện thì Galileo đã không thể công bố ủng hộ học thuyết Copernicus khi cho rằng trái đất quay xung quanh mặt Trời
  • Hay công ty của bạn có tỷ lệ biến động nhân sự cao vào khoảng tháng 2, tháng 3, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đó cũng là một vấn đề cần bạn có kỹ năng tư duy, tìm phương hướng giải quyết như: phúc lợi gia tăng cho nhân viên có thâm niên; tiến hành đánh giá hiệu suất liên tục; ghi nhận, khen thưởng nhân viên kịp thời thay vì chờ đến kỳ đánh giá…

Với kỹ năng tư duy tốt, nhà quản trị có thể nắm bắt, nhìn nhận được tổng thể bức tranh toàn cảnh trong vận hành, phát triển của tổ chức, của dự án hay nhiệm vụ. Chẳng hạn như triển khai một dự án, với kỹ năng tư duy tốt, bạn sẽ không chỉ nhìn nhận thấy câu chuyện về chi phí, lợi nhuận mà còn nắm bắt được về nguồn lực triển khai, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng… Bạn sẽ không chỉ thực hiện dự án đó vì được giao nhiệm vụ mà còn hiểu rõ tại sao bạn làm dự án này, dự án liên quan hay ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của tổ chức. 

Đồng thời, với kỹ năng tư duy tốt, bạn sẽ hiểu rõ các bộ phận đang làm việc, đang phối hợp với nhau như thế nào để hướng tới và đạt được mục tiêu chung của tổ chức. Kỹ năng tư duy rất cần thiết với nhà quản trị, đặc biệt là với các vị trí quản lý cấp cao và cấp trung. Bởi ở vị trí này, nhân sự sẽ cần có được cái nhìn bao quát tổng thể để tìm giải pháp, định hướng cho team chứ không chỉ giải quyết các công việc, vấn đề cụ thể.

Kỹ năng tư duy của nhà quản trị
Kỹ năng tư duy (Conceptual skills) là tổng hòa các khả năng về nhận thức, tinh thần, hoạch định phương hướng hành động, chiến lược mà con người sử dụng để giải quyết các vấn đề cũng như thúc đẩy tư duy phản biện

Các loại kỹ năng tư duy

Trở lại khái niệm, kỹ năng tư duy là tổng hòa các khả năng về nhận thức, tinh thần, hoạch định phương hướng hành động, chiến lược mà con người sử dụng để giải quyết các vấn đề cũng như thúc đẩy tư duy phản biện. 

Như vậy, để hình thành, phát triển kỹ năng tư duy ở một cá nhân sẽ cần có nhiều kỹ năng bổ trợ, nội hàm như: kỹ năng phân tích; khả năng truyền đạt thông tin; kỹ năng giải quyết vấn đề; khả năng lãnh đạo. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu cụ thể 4 loại kỹ năng tư duy trên ở phần 2 bài viết này.

Kỹ năng phân tích

Kỹ năng phân tích là kỹ năng thiết yếu với nhà quản trị. Bạn cần có khả năng phân tích để có thể nhìn nhận các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp, của team để đảm bảo các bộ phận, phòng ban cùng đang hoạt động hiệu quả, hướng tới mục tiêu chung. Với kỹ năng phân tích tốt, bạn sẽ có sự tập trung và phương pháp để xem xét từng phần riêng lẻ dưới các góc độ khác nhau trước khi giải quyết toàn bộ vấn đề.

Kỹ năng phân tích sẽ bao gồm khả năng nghiên cứu, phân tích dữ liệu, dự đoán, nắm bắt các vấn đề, vướng mắc mà doanh nghiệp có thể gặp phải và tìm cách cải thiện hoạt động vận hành, phát triển của doanh nghiệp.

Giả sử tình huống bạn là một chủ quán cafe và một cửa hàng cafe nhượng quyền khác cùng mở trên chung một con phố. Lúc này, bạn sẽ phải đối mặt với các vấn đề phát sinh từ sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như mức độ phổ biến của thương hiệu cửa hàng. Những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận quán cafe của bạn. 

Do đó, ở vai trò của một người chủ, bạn cần phân tích tình huống và đưa ra kế hoạch để đảm bảo những tác động tiêu cực đến cửa hàng của mình ở mức thấp nhất. Ví dụ như:

  • Giảm giá sản phẩm
  • Cải thiện thương hiệu quán cafe thông qua các hoạt động Marketing
  • Cung cấp dịch vụ bổ sung mà đối thủ không có, ví dụ như uống cafe được đọc sách miễn phí
  • Thực hiện tích điểm mỗi lần sử dụng dịch vụ để nhận quà…

Những hoạt động kể trên đều cần người chủ có kỹ năng phân tích để nhận định tình huống, vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp. 

Kỹ năng phân tích có thể đem lại cho bạn nhiều lợi ích đa dạng như:

  • Nhìn nhận được tổng thể bức tranh chứ không chỉ là những sự vụ phát sinh cần giải quyết
  • Giúp bạn có cái nhìn sâu sắc ở nhiều góc độ khác nhau về vấn đề, vướng mắc
  • Kết quả phân tích là căn cứ để bạn có thể hoạch định phương hướng hành động hiệu quả
Kỹ năng tư duy của nhà quản trị
Với kỹ năng phân tích tốt, bạn sẽ có sự tập trung và phương pháp để xem xét từng phần riêng lẻ dưới các góc độ khác nhau trước khi giải quyết toàn bộ vấn đề

Khả năng truyền đạt thông tin

Có một thực tế là những người càng hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề thì giao tiếp, chia sẻ, truyền đạt thông tin càng đơn giản, dễ hiểu. Hiểu biết ở tầng sâu với kỹ năng tư duy tốt giúp bạn có thể nắm bắt được tổng thể vấn đề và nâng cao khả năng truyền đạt thông tin của mình. Ngược lại, khi bạn có khả năng truyền đạt thông tin tốt cũng sẽ giúp ích của kỹ năng tư duy phát triển tích cực.

Khi bạn truyền đạt thông tin, giao tiếp tốt với team của mình, hiệu quả công việc của toàn team sẽ được cải thiện, đúng hướng, đúng mục tiêu, tránh phân tán nguồn lực. Trở lại ví dụ về quán cafe ở trên, nếu bạn ở vị trí người chủ và có khả năng truyền đạt thông tin tốt với đội ngũ của mình thì họ sẽ hành động và hiểu rõ tại sao cần làm như vậy. Hiệu quả công việc từ đó sẽ có chuyển biến tích cực. 

Khả năng truyền đạt thông tin không chỉ nằm ở khía cạnh chia sẻ mà còn ở khả năng lắng nghe và phản hồi hiệu quả. Nếu bạn chỉ chia sẻ ý tưởng, giải pháp của mình mà không biết lắng nghe, phản hồi những vướng mắc hay ý tưởng từ đội ngũ thì team của bạn sẽ khó phát huy được hết thế mạnh của các thành viên. Những buổi brainstorming (động não) cởi mở, nơi các thành viên có thể cùng chia sẻ ý kiến của mình rất cần thiết để nâng cao khả năng truyền đạt thông tin cho không chỉ đội ngũ nhân viên mà còn với cả nhà quản trị.

Với khả năng truyền đạt thông tin tốt, nhà quản trị có thể đạt được nhiều lợi ích như:

  • Giúp đội ngũ hiểu rõ ý tưởng, hành động cần thực hiện
  • Giúp chính mình hiểu hơn về các vấn đề của team
  • Hạn chế tình trạng nhiễu thông tin, nhầm lẫn thông tin trong team
Kỹ năng tư duy của nhà quản trị
Hiểu biết ở tầng sâu với kỹ năng tư duy tốt giúp bạn có thể nắm bắt được tổng thể vấn đề và nâng cao khả năng truyền đạt thông tin của mình

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Một loại kỹ năng tư duy quan trọng khác với nhà quản trị là kỹ năng giải quyết vấn đề. Rõ ràng, trong vận hành một doanh nghiệp, tổ chức, bạn sẽ phải đối diện với rất nhiều những vấn đề, vướng mắc khác nhau. Nếu bạn không có kỹ năng giải quyết vấn đề thì chúng sẽ dần trở thành những lực cản khiến doanh nghiệp, tổ chức của bạn khó phát triển bứt phá được.

Ví dụ như:

TT Vấn đề Giải pháp
1 Nhân viên suy giảm động lực làm việc
  • Tìm kiếm nguyên nhân: Bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức như trao đổi toàn văn phòng; trao đổi 1 – 1; thực hiện hòm thư góp ý ẩn danh hoặc công khai…
  • Lựa chọn giải pháp: Từ những ý kiến của nhân viên về việc họ có suy giảm động lực làm việc hay không và vì sao mà bạn tìm giải pháp khắc phục phù hợp tương ứng
  • Thực hiện, duy trì giải pháp: Bạn cần phân công đầu việc cho từng nhân sự phụ trách thực hiện và duy trì để việc cải thiện động lực làm việc của nhân viên được diễn ra liên tục. Ví dụ như nhân viên cần trao đổi công việc thường xuyên thì bạn có thể tổ chức những buổi check-in 1 1 định kỳ vào chiều thứ 6 hàng tuần
2 Nhân viên thường nhảy việc vào tháng 2, tháng 3 hàng năm, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán
  • Tìm kiếm nguyên nhân: Bạn có thể yêu cầu phòng nhân sự thống kê số lượng nhân sự nghỉ việc, thời gian nghỉ việc và thống kê nhân sự đó thường nằm ở phòng ban nào. Bạn cũng có thể trực tiếp trao đổi hoặc yêu cầu phòng nhân sự trao đổi với nhân sự nghỉ việc xem nguyên nhân nghỉ việc là gì.
  • Lựa chọn giải pháp: Sau khi đã khoanh vùng được nguyên nhân chính dẫn đến việc nhân viên nghỉ việc, bạn có thể tìm cách khắc phục phù hợp trong nguồn lực, định hướng của công ty. Chẳng hạn như bạn có thể thực hiện ký kết bảo hiểm sức khỏe gia tăng cho nhân sự và gia đình nhân sự có thâm niên công tác. Bạn cũng có thể thực hiện chế độ thưởng, vinh danh cho nhân sự có thâm niên làm việc lâu dài tại công ty.
  • Thực hiện, duy trì giải pháp: Phòng nhân sự thường là đầu mối thực hiện, duy trì các giải pháp giúp ổn định, giảm biến động nhân sự. Tuy nhiên, chính các trưởng bộ phận với vai trò của mình cũng có thể giúp hỗ trợ giải quyết việc nhảy việc sau nghỉ Tết. Bạn nên trao đổi với đội ngũ nhân sự key và phòng nhân sự để tìm ra giải pháp, thực hiện và duy trì giải pháp tối ưu.
3 Văn phòng thường xuyên bừa bộn
  • Tìm kiếm nguyên nhân: Phòng nhân sự có thể tổ chức khảo sát để chính nhân sự toàn văn phòng đóng góp ý kiến về việc tại văn phòng bừa bãi và giải pháp có thể thực hiện là gì.
  • Lựa chọn giải pháp: Ban Lãnh đạo trên cơ sở ý kiến của team có thể lựa chọn giải pháp phù hợp với yêu cầu, ngân sách tại thời điểm hiện tại.
  • Thực hiện, duy trì giải pháp: Phòng nhân sự có thể định kỳ hàng quý hoặc hàng tháng tiến hành khảo sát để thêm những ý tưởng cải thiện không gian văn phòng từ chính đội ngũ nhân viên.

Kỹ năng giải quyết vấn đề không phải tự nhiên hình thành mà cần nhà quản trị dần tích lũy, rèn luyện và phát triển những năng lực như ra quyết định, tư duy phản biện, tư duy logic, khả năng đa nhiệm cũng như dự phòng các sự cố, rủi ro…

Với kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, nhà quản trị có thể nhanh chóng và chuẩn xác đưa ra những quyết định công việc cần thiết, kịp thời. Từ đó, doanh nghiệp của bạn sẽ có thể thêm cơ hội nắm bắt các cơ hội phát triển cũng như hạn chế, ngăn ngừa những vấn đề trở nên nghiêm trọng, vượt ngoài tầm kiểm soát của tổ chức.

Mọi vấn đề trông có thể sẽ trở nên “gọn gàng” hoặc thậm chí không còn là vấn đề nếu bạn có kỹ năng giải quyết tốt

Khả năng lãnh đạo

Khả năng lãnh đạo là một loại năng lực, tố chất của một cá nhân và cũng thể hiện kỹ năng tư duy của họ. Một nhà lãnh đạo thiếu tư duy sẽ khó có khả năng lãnh đạo team và ngược lại, một người lãnh đạo team cũng sẽ có thêm cơ hội để rèn rũa, phát triển kỹ năng tư duy, lãnh đạo của mình.

Tư duy đúng thì lãnh đạo mới đúng. Bởi, bản chất của người lãnh đạo là người có thể tìm ra được con đường đúng, tìm ra được giải pháp phù hợp và cùng team hành động, hướng đến mục tiêu chung. 

Khả năng lãnh đạo cần nhà quản trị có được tầm nhìn, sự bao quát toàn team chứ không chỉ là kỹ năng chuyên môn. Thực tế có những người rất giỏi chuyên môn nhưng khi được đề cử lên vị trí quản lý, lãnh đạo lại không phát huy được năng lực, thậm chí thụt lùi về kỹ năng chuyên môn của mình. Do đó, nhà quản trị muốn phát triển khả năng lãnh đạo ngoài vấn đề chuyên môn vững vàng còn cần có khả kết nối, xây dựng lòng tin, sự hợp tác với team.

Khi có khả năng lãnh đạo tốt, nhà quản trị sẽ đạt được nhiều lợi ích đa dạng như:

  • Kết nối được team hướng tới hành động, mục tiêu chung
  • Xây dựng được sự đồng lòng, nhất trí và niềm tin của đội ngũ
  • Giúp team nhanh chóng đưa ra các quyết định trong những tình huống khẩn cấp…
Bản chất của người lãnh đạo là người có thể tìm ra được con đường đúng, tìm ra được giải pháp phù hợp và cùng team hành động, hướng đến mục tiêu chung.

*

Kỹ năng tư duy của nhà quản trị cũng giống như một chiếc cột buồm điều hướng hành động. Những nỗ lực, hành động, quyết tâm dù cao độ đến đâu nhưng không có chiếc cột buồm tư duy điều hướng chính xác, phù hợp thì con thuyền cũng khó có thể đến được với bến bờ mục tiêu đã định.

Hy vọng những chia sẻ của VNOKRs về kỹ năng tư duy của nhà quản trị hữu ích và là những gợi mở tốt dành cho bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm những kiến thức về quản trị doanh nghiệp, phát triển bản thân, đội ngũ tại blog của chúng tôi: https://blog.okrs.vn/kien-thuc-quan-tri