Vào năm 1980, Edgar Schein, cựu giáo sư tại Đại học Quản lý MIT Sloan (Mỹ) đã phát triển và công bố một mô hình văn hóa doanh nghiệp. Trong mô hình này, ông cũng chỉ ra những bước nên tiến hành để mang lại những thay đổi tích cực cho văn hóa doanh nghiệp. Sau này, mô hình đó thường được nhắc tới bằng chính tên của người phát triển.
Tìm hiểu thêm: Văn hoá doanh nghiệp là gì?
Định nghĩa văn hoá tổ chức của Edgar Schein
Theo Edgar Schein, văn hóa tổ chức là văn hóa của một nhóm người có thể được định nghĩa là các tri thức đã học được, được cả nhóm tích lũy và chia sẻ (accumulated shared learning) trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh cho phù hợp với ngoại cảnh, và hội nhập ở trong nội bộ. Các tri thức đó đã phát huy hiệu quả đủ tốt để cả nhóm đánh giá là phù hợp và do đó, được dạy lại cho các thành viên mới như một cách thức đúng đắn để tiếp nhận, tư duy, cảm nhận và hành xử đối với các vấn đề nêu trên đó.
Các tri thức đã học được và được tích lũy này là một dạng kiểu (pattern) hay hệ thống các niềm tin, giá trị và chuẩn mực hành vi đã trở thành hiển nhiên, khỏi bàn cãi vì đã biến thành các ngầm định cơ bản và rơi rụng khỏi ý thức của mọi người (trở thành vô thức).
3 cấp độ văn hoá
Quan niệm nền tảng – ngầm định (Basic Assumptions)
Quan niệm nền tảng – ngầm định là những điều “ăn sâu” vào suy nghĩ, hành động của mỗi thành viên trong tổ chức. Những ngầm định sẽ giúp các thành viên dần hình thành thói quen, thậm chí thành phản xạ để xử lý các tình huống đúng theo quy chuẩn của tổ chức.
Chẳng hạn như văn hóa tổ chức của bạn là văn hóa kết quả thì mọi thành viên đều ngầm định rằng họ dù nỗ lực theo các cách khác nhau thì kết quả vẫn là điều cần hướng đến hàng đầu, là điều mà mọi nỗ lực cần hướng tới. Còn nếu văn hóa tổ chức của bạn là văn hóa vui vẻ thì ngầm định lúc này trong tổ chức là mọi nhân viên sẽ nỗ lực làm những công việc họ cảm thấy hạnh phúc.
Xem thêm: Các loại hình văn hóa doanh nghiệp
Xem xét các doanh nghiệp phương Tây và phương Đông bạn có thể thấy có sự khác biệt trong quan niệm nền tảng – ngầm định này. Nếu doanh nghiệp phương Tây đề cao văn hóa cá nhân thì các doanh nghiệp phương Đồng thường đề cao văn hóa tập thể. Do đó, với doanh nghiệp phương Đông mà trong đó có doanh nghiệp Việt Nam thường có những ngầm định về yếu tố tập thể này. Nhân viên thường tránh những xung đột cá nhân nơi công sở. Họ thường sẽ có ngầm định “dĩ hòa vi quý” nhiều hơn so với người lao động phương Tây.
Trong tương quan 3 cấp độ văn hóa thì quan niệm nền tảng – ngầm định là lớp ẩn sâu ở trong cùng, là phần lõi nền tảng của văn hóa doanh nghiệp. Bạn sẽ khó nhận biết được những ngầm định nếu chưa tham gia tổ chức một thời gian đủ lâu.
Những ngầm định trong văn hóa doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự được định hình vững vàng khi tất cả các thành viên tuân theo những ngầm định đó một cách mặc định, coi đó như một luật bất thành văn, không thắc mắc.
Các giá trị được đồng thuận – tuyên bố ( Espoused values)
Các giá trị được đồng thuận – tuyên bố là cấp độ thứ 2 trong văn hóa doanh nghiệp. Cấp độ này thường được thể hiện trong doanh nghiệp thông qua các giá trị cốt lõi, bộ quy tắc ứng xử, các chiến lược, mục tiêu được truyền thông rộng rãi trong nội bộ tổ chức và thậm chí là cả với bên ngoài.
Chẳng hạn như ở Amazon, tỷ phú Jeff Bezos công khai về 16 nguyên tắc lãnh đạo:
- Nỗi ám ảnh của khách hàng
- Quyền sở hữu
- Phát minh và đơn giản hóa
- Đúng, rất nhiều
- Tìm hiểu và tò mò
- Thuê và phát triển tốt nhất
- Nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn cao nhất
- Suy nghĩ lớn
- Thiên vị cho hành động
- Tính tiết kiệm
- Kiếm được niềm tin
- Chi tiết
- Có chính kiến; không đồng ý và cam kết
- Cung cấp kết quả
- Phấn đấu trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất Trái đất
- Thành công và mở rộng trách nhiệm lớn hơn
16 nguyên tắc lãnh đạo kể trên chính là kim chỉ nam cho mọi hành động của các thành viên Amazon trên toàn cầu.
Tìm hiểu thêm: Văn hoá doanh nghiệp tại các công ty hàng đầu
Bạn có thể nhận thấy các giá trị được đồng thuận – ngầm định ở cấp độ văn hóa thứ 2 chính là sự cụ thể hóa của cấp độ lõi – quan niệm nền tảng, ngầm định. Chính từ những quan niệm nền tảng, ngầm định, lãnh đạo của tổ chức sẽ cùng hoạch định để đề ra những tuyên bố đồng thuận áp dụng cho toàn tổ chức.
Chính các giá trị được đồng thuận – tuyên bố sẽ giúp tổ chức của bạn thực sự trở thành một tổ chức với mọi hành động thống nhất. Mỗi thành viên trong tổ chức sẽ có một giá trị chung, chuẩn mực chung để tuân theo, hướng tới và nỗ lực đạt được.
Mặt khác, thông qua việc tìm hiểu về các giá trị được đồng thuận, tuyên bố của một tổ chức, bạn cũng có thể cảm nhận được hướng đi, những nỗ lực mà tập thể này đang hướng tới là gì. Tầm nhìn phát triển trong dài hạn của tổ chức được phản ánh trong văn hóa doanh nghiệp và ngược lại văn hóa doanh nghiệp cũng góp phần tạo động lực để tổ chức nỗ lực hướng tới tầm nhìn đó.
“Tạo tác” và các hành vi – Hữu hình (Artefacts)
Bạn có thể bắt gặp “tạo tác” và các hành vi hữu hình của một công ty ngay khi bước chân đến văn phòng, nơi làm việc của họ. Các tạo tác, hành vi này được thể hiện ở nhiều góc độ như:
- Cách kiến trúc, bài trí văn phòng
- Cách các phòng ban được tổ chức, sắp xếp, phối hợp công việc
- Bảng nội quy công ty
- Các sự kiện tập thể
- Những bức phù điêu, logo, graphic, khẩu hiệu trên tường
- Cách hành xử giữa các thành viên
- Quy định về trang phục nơi làm việc…
Những tạo tác, hành vi hữu hình này rất dễ cảm nhận, trực quan và bạn có thể nhận biết được khá sớm khi tiếp xúc với tổ chức. Chẳng hạn như khi bạn đến một công ty công nghệ thông tin, rất có thể bạn sẽ nhận thấy một số tạo tác, hành vi như:
- Kiến trúc, văn phòng trẻ trung, tươi mới
- Đa dạng các sự kiện tập thể
- Những khẩu hiệu, graphic tạo động lực được bố trí đa dạng
- Đội ngũ nhân viên Kinh doanh, Quản trị dự án (PM), Phân tích nghiệp vụ (BA) là nhóm nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng ăn mặc rất chỉnh chu
- Ngược lại, nhóm Lập trình viên (Dev) lại mặc rất thoải mái, có khi chỉ đến văn phòng với áo phông, dép lê
Những tạo tác, hành vi hữu hình này phản ánh phần nào văn hóa làm việc ở các công ty công nghệ thông tin với phong cách trẻ trung, hướng đến hiệu quả và sự thoải mái nhưng vẫn đảm bảo phù hợp vị trí công việc.
Văn hóa doanh nghiệp như thế nào thì tạo tác, hành vi của doanh nghiệp, của đội ngũ nhân sự như thế đó. Sự ăn khớp giữa 3 cấp độ văn hóa từ quan niệm nền tảng; các giá trị được đồng thuận hay biểu hiện ra bên ngoài là những tạo tác, hành vi cũng giống như những bánh răng của một cỗ xe. Bánh răng cần ăn khớp, phù hợp được với nhau thì “cỗ xe” doanh nghiệp mới có thể được vận hành trơn tru, đúng lộ trình.
Tìm hiểu thêm: 4 Đặc điểm của văn hoá doanh nghiệp tích cực
*
Văn hóa doanh nghiệp là một trong những bài toán quan trọng mà mọi doanh nghiệp dù ở quy mô hay ngành nghề nào cũng cần dành sự quan tâm. Hy vọng những thông tin về mô hình văn hóa doanh nghiệp VNOKRs chia sẻ ở trên hữu ích với bạn.
Để tìm hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ Fanpage của Coach Mai Xuân Đạt – HLV Văn hoá doanh nghiệp tại Học viện Quản trị đúng – John Academy