Hầu hết doanh nghiệp đều kỳ vọng vào việc cải thiện hiệu suất công việc sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp. Hiệu suất công việc còn có thể đem tới cho doanh nghiệp nhiều bước tiến vượt trội mới. Bạn hãy cùng VNOKRs tìm hiểu ý nghĩa của hiệu suất công việc qua bài viết sau.
1. Tầm quan trọng của hiệu suất công việc
Hiệu suất công việc là một chỉ số hữu ích giúp nhà quản lý có thể đo lường được nguồn lực công ty đang được sử dụng như thế nào để đạt được mục tiêu công việc. Nhân viên của bạn càng mất nhiều nỗ lực, thời gian, chi phí để hoàn thành mục tiêu thì hiệu suất công việc việc càng thấp. Ngược lại, mục tiêu công việc được hoàn thành với nỗ lực, thời gian, chi phí thấp nhất, tối ưu thì tương ứng đem lại hiệu suất cao cho doanh nghiệp.
Công thức tính: Hiệu suất công việc = Kết quả đạt được / Chi phí bỏ ra
Để làm rõ hơn về hiệu suất công việc, bạn có thể theo dõi ví dụ dưới đây:
- Nhân viên sáng tạo nội dung của bạn có mức lương 10 triệu đồng / tháng. Mỗi tháng nhân viên có thể viết được 20 bài viết. Như vậy hiệu suất của nhân viên là khoảng 500 nghìn đồng / bài viết.
- Nếu bạn không ký hợp đồng với nhân viên sáng tạo nội dung mà thuê nhân sự bên ngoài làm việc theo dạng khoán việc. Ví dụ 20 bài viết trong 1 tháng thì người viết sẽ nhận được 5 triệu đồng chẳng hạn. Vậy hiệu suất để hoàn thành 1 bài viết sẽ khoảng 250 nghìn đồng / bài viết, giảm hẳn 1 nửa so với phương án ký hợp đồng lâu dài với nhân viên sáng tạo nội dung.
- Tuy nhiên, tính hiệu suất về mặt con số cũng có tính tương đối. Bởi vì, kết quả công việc giữa nhân viên lâu dài và cộng tác viên khoán việc có thể có sự chênh lệch nhiều. Mặt khác, sự cam kết hay tiến độ trong công việc của nhân viên thường đảm bảo hơn so với cộng tác viên.
Xem thêm: Hiệu suất công việc là gì? Cách đo lường hiệu suất nhân viên
2. Ý nghĩa của hiệu suất công việc
Hiệu suất công việc có thể đem lại cho doanh nghiệp của bạn nhiều lợi ích. Hãy cùng tìm hiểu 5 ý nghĩa của hiệu suất công việc dưới đây:
- Giảm lãng phí
Khi đánh giá được hiệu suất công việc của nhân viên bạn sẽ nhìn nhận được nhân viên đang sử dụng các nguồn lực như thế nào để hoàn thành công việc. Họ có đang lãng phí chi phí, thời gian hay các nguồn lực khác của công ty hay không? Từ đó, bạn có thể tối ưu cách làm việc của nhân viên để giảm lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.
Trở lại ví dụ về nhân viên sáng tạo nội dung và cộng tác viên khoán việc ở trên, bạn có thể thấy là hiệu suất của cộng tác viên có thể đạt mức 250 nghìn đồng / bài viết. Vậy, bạn có thể thỏa thuận, đối thoại với nhân viên của mình về việc nỗ lực gia tăng hiệu quả, chất lượng công việc hơn để tương xứng với mức lương 10 triệu đồng hàng tháng. Ví dụ như nhân viên sẽ cần hoàn thành 30 bài / tháng chẳng hạn. Như vậy, công ty của bạn đã giảm lãng phí được về chi phí lương, thời gian làm việc của nhân viên nội dung và đạt được hiệu suất làm việc cao hơn.
- Giảm chi phí
Cải tiến, tối ưu hóa về hiệu suất công việc cũng là cách các doanh nghiệp giảm được chi phí về mặt thời gian, tài chính và nguồn lực. Bởi vì ý nghĩa của hiệu suất công việc được tính bằng kết quả công việc đạt được chia cho chi phí bỏ ra. Như vậy, doanh nghiệp càng có hiệu suất tốt thì có nghĩa là chi phí so với kết quả công việc đạt được càng tối ưu.
Ví dụ như công ty của bạn để hoàn thành lập trình xong 1 phân hệ chức năng phần mềm máy tính thì team triển khai dự án sẽ cần mất đến 15 ngày chẳng hạn. Nguyên nhân là do kinh nghiệm chuyên môn của team triển khai chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Giải pháp bạn đưa ra có thể là tuyển dụng thêm 1 lập trình viên có trên 5 năm kinh nghiệm cho team. Như vậy, về mặt con số chi phí lương cho team triển khai có thể tăng lên nhưng bạn sẽ rút ngắn được thời gian lập trình các phân hệ phần mềm. Qua đó, công ty giảm được chi phí về mặt thời gian, khách hàng hài lòng hơn và hiệu suất công việc được gia tăng đáng kể.
- Cải thiện năng suất
Khi bạn xác định được rõ hiệu suất công việc cần đạt được, nhân viên của bạn sẽ hiểu rõ họ cần đạt được kết quả công việc như thế nào và qua đó cải thiện được năng suất làm việc.
Ví dụ như tại nhiều công ty khi ký kết hợp đồng với nhân viên kinh doanh sẽ thỏa thuận với mức lương là A thì trong 1 năm nhân viên sẽ phải đạt được doanh số ký hợp đồng tương ứng là A’. Mức lương là B thì doanh số ký tương ứng là B’. Mức lương thưởng của nhân viên kinh doanh thường không có một giới hạn cụ thể nào. Họ càng đạt được năng suất làm việc cao, đem được càng nhiều hợp đồng ký kết về cho công ty thì mức lương thưởng càng cao.
Như vậy chính yếu tố hiệu suất công việc sẽ góp phần tạo động lực để nhân viên cải thiện năng suất của mình hơn.
- Sử dụng nguồn nhân lực tối ưu
Ý nghĩa của hiệu suất công việc xét đến cùng vẫn có yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định là do con người. Nhân sự của bạn có chuyên môn tốt, thái độ làm việc tốt, nỗ lực công việc vượt trội thì thường cũng sẽ đem lại hiệu suất công việc đáng kinh ngạc. Bài toán sử dụng con người phù hợp, sử dụng nguồn nhân lực tối ưu vì vậy sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu suất công việc tổng thể. Và ngược lại, muốn đạt hiệu suất công việc cao, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng tối ưu nguồn nhân lực.
Ví dụ như thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang áp dụng đánh giá hiệu suất công việc để xem kết quả công việc đạt được / chi phí bỏ ra như thế nào. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch tối ưu nguồn nhân lực để đạt được hiệu suất tối ưu. Trường hợp dư thừa nhân lực ở một bộ phận nào đó, doanh nghiệp có thể tính đến phương án điều chuyển công tác để tránh lãng phí nguồn lực. Trường hợp do thiếu nhân sự mà công việc bị chậm trễ về thời gian, doanh nghiệp có thể xem xét đến phương án tuyển dụng bổ sung.
Tuyển dụng – đào tạo – đánh giá nhân sự là chu kỳ thường được nhiều doanh nghiệp áp dụng và xét về câu chuyện hiệu suất doanh nghiệp thì chu kỳ này góp phần hiệu quả giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn nhân lực của mình.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Một doanh nghiệp có hiệu suất công việc tốt chưa chắc đã là doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Lý do là vì để tạo được lợi thế, thậm chí là vị thế cạnh tranh thì doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, một doanh nghiệp đã tạo được lợi thế cạnh tranh rõ rệt thì thường đó phải là một doanh nghiệp có hiệu suất công việc tốt.
Ví dụ như nếu cùng là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa: Nếu doanh nghiệp của bạn có hiệu suất tốt, cam kết vận chuyển hàng hóa đến tận tay khách hàng chỉ trong 2 tiếng đồng hồ thì sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác cần đến 1, thậm chí 2 ngày vận chuyển.
3. Ví dụ làm việc hiệu suất từ Microsoft Nhật Bản
Từ tháng 8/2019, mô hình làm việc “Work Life Challenge với 1 tuần làm việc chỉ 4 ngày đã được áp dụng tại Microsoft Nhật Bản. Theo đó, hơn 2.300 nhân viên của Microsoft Nhật Bản đã được nghỉ làm vào thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật. Khi áp dụng mô hình làm việc này, Microsoft Nhật Bản đã đạt được nhiều kết quả tích cực về hiệu suất làm việc như:
- Hiệu suất công việc của nhân viên tăng 40%
- Các cuộc họp trực tiếp được rút ngắn thời gian còn khoảng 30 phút
- Đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc họp từ xa qua nền tảng online
- Lượng điện sử dụng tại văn phòng giảm 23,1%
- Lượng giấy in sử dụng giảm 58,7%
- 92,1% nhân viên phản hồi tích cực và hài lòng về chương trình làm việc 4 ngày / tuần
- Nhân viên giảm thiểu được căng thẳng, dễ dàng cân bằng công việc và cuộc sống hơn
Việc Microsoft Nhật Bản áp dụng mô hình làm việc chỉ 4 ngày / tuần là một bước tiến mới, đặc biệt nếu đặt trong bối cảnh đất nước Nhật Bản. Bởi vì, Nhật Bản thường được biết đến là một trong những quốc gia có thời gian làm việc dài nhất trên thế giới. Nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản vào năm 2016 cho biết: gần 25% công ty tại Nhật đã yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ lên đến hơn 80 tiếng mỗi tháng.
Thực tế, áp dụng thời gian làm việc quá dài, quá căng thẳng sẽ khó giúp doanh nghiệp đạt được hiệu suất làm việc cao. Ngược lại, khi nhân viên thiếu đi thời gian nghỉ ngơi, cân bằng với cuộc sống thì hiệu suất làm việc sẽ bị suy giảm đáng kể.
*
Hiệu suất công việc có thể là lời giải giúp doanh nghiệp của bạn có những bước tiến vượt trội mới. Ý nghĩa của hiệu suất công việc vì vậy cần được nhà quản lý xem xét thận trọng, tỉ mỉ để áp dụng phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Nếu bạn cần thêm thông tin hay tư vấn về hiệu suất doanh nghiệp, bạn có thể liên hệ với VNOKRs. Đội ngũ chuyên gia của VNOKRs luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp của bạn.
CÔNG TY TNHH J.O.H.N Capital
- Số điện thoại liên hệ: 0904.2323.69
- Email hỗ trợ: [email protected]
- Địa chỉ công ty: 25 Nam Đồng, Phường Nam Đồng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
- Link phần mềm: https://okrs.vnvn/phan-mem-okrs
- Link blog: https://blog.okrs.vn/
- Link website: https://okrs.vn/