Team Marketing (tiếp thị) trong quá trình hoạt động của mình cần đề ra rất nhiều mục tiêu công việc khác nhau. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc SMART trong Marketing và tạo ra những giá trị vượt trội trong thiết lập và thực hiện mục tiêu. Hãy cùng VNOKRs tìm hiểu chủ đề này qua bài viết sau.   

1. Mục tiêu SMART trong Marketing là gì?

Mục tiêu SMART trong Marketing là viết tắt của 5 yếu tố sau:

  • S – Specific (Tính cụ thể)
  • M – Measurable (Tính đo lường)
  • A – Attainable (Tính khả thi)
  • R – Relevant (Tính liên quan)
  • T – Timely (Tính thời điểm)

S – Specific (Tính cụ thể)

Mục tiêu trong Marketing cần có tính cụ thể. Khi bạn đề ra một mục tiêu chung chung hay thậm chí là mơ hồ, gây nhầm lẫn, không có định hướng thì team Marketing của bạn rất khó có thể hoàn thành mục tiêu đúng kỳ vọng. Team của bạn sẽ không thể biết rõ họ đang cố gắng để đạt được điều gì.

Thay vì đề ra mục tiêu có được khách hàng tiềm năng mới, bạn hãy đề ra mục tiêu cụ thể hơn như có được 40 khách hàng tiềm năng mới từ các kênh trực tuyến của công ty.

Cách để xác định mục tiêu của bạn đã thực sự cụ thể chưa là bạn hãy tham vấn ý kiến của nhân viên – họ là những người sẽ trực tiếp thực hiện, nỗ lực đạt được mục tiêu đó. Bạn hãy chắc chắn mọi thành viên trong team đã rõ ràng, không có vướng mắc, nhầm lẫn gì về mục tiêu.

M – Measurable (Tính đo lường)

Bạn sẽ thật khó để xác định mục tiêu đề ra cho team marketing đã được hoàn thành hoặc hoàn thành đến mức nào nếu mục tiêu không có tính đo lường. Khi mục tiêu không có tính đo lường, nhân viên của bạn cũng sẽ rất khó để sắp xếp nguồn lực, thời gian để hoàn thành mục tiêu phù hợp.

Ví dụ: 

Mục tiêu: Nhân viên nội dung viết 2 bài viết mỗi ngày theo chuẩn checklist nội dung là một mục tiêu có tính đo lường. 

Kết quả: Khi nhân viên viết đủ 2 bài đúng yêu cầu và đúng hạn trong ngày, họ đã hoàn thành 100% mục tiêu. 

Như vậy, bạn cũng rất dễ dàng để tính được mức độ hoàn thành mục tiêu của nhân viên theo ngày, theo tuần, theo tháng… Từ đó, bạn hoàn toàn có thể đánh giá được năng lực của nhân viên để giao thêm hoặc cân đối lại số lượng công việc.

“Nếu bạn không đo lường được nó, bạn sẽ không đạt được nó” 

– Peter Drucker –

A – Attainable (Tính khả thi)

Chúng ta thường kỳ vọng team tiếp thị có những ý tưởng đột phá, sáng tạo để thu hút khách hàng. Khi đặt mục tiêu cho team tiếp thị, nhiều công ty cũng đã mắc sai lầm khi đề ra mục tiêu quá “viển vông”, không thể thực hiện được. 

Chúng ta có thể kỳ vọng vào cánh diều mục tiêu bay xa, bay cao nhưng cánh diều đó vẫn cần một chiếc dây thực tế gắn với mặt đất để không bị gió cuốn đi. Chiếc dây diều đó chính là tính khả thi đi bạn thiết lập mục tiêu cho team. Mục tiêu có thể khó khăn, cần nỗ lực cao độ mới đạt được nhưng phải ở trong ngưỡng có thể đạt được.

Để đảm bảo tính khả thi của mục tiêu, bạn có thể tham vấn ý kiến của nhân viênxem xét lịch sử công việc đã từng đạt được. Ví dụ như trong các tháng trước, số khách hàng mục tiêu mới bạn tiếp cận được là 30 – 35 người thì mục tiêu có tính khả thi sẽ ở ngưỡng khoảng 40 – 50 khách hàng mới. Nếu bạn đề ra mục tiêu 100 khách hàng mới/tháng sẽ quá tải với team marketing. 
Thiết lập mục tiêu Smart khả thi trong Marketing

Mục tiêu có tính khả thi sẽ giúp nhân viên marketing của bạn cán đích nhanh hơn.

R – Relevant (Tính liên quan)

Khi bạn đề ra mục tiêu cho team Marketing, bạn cần gắn mục tiêu đó với mục tiêu, chiến lược phát triển tổng thể, lâu dài của toàn công ty. Nếu mục tiêu không có tính liên quan thì kể cả khi bạn đạt được mục tiêu thì kết quả đạt được cũng không có nhiều ý nghĩa.

Ví dụ như tầm nhìn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế của công ty bạn là thu hẹp quy mô, tập trung vào thị trường nội địa để duy trì hoạt động ổn định. Như vậy, việc đề ra một mục tiêu tiếp thị tới các thị trường nước ngoài là không có tính liên quan, không phù hợp.

T – Timely (Tính thời điểm)

Chúng ta có thể hiểu tính thời điểm trong thiết lập mục tiêu đơn giản là hợp thời. Đúng việc, đúng người và bạn cần đúng cả thời điểm nữa.

Nước uống thảo mộc Dr Thanh từng có chiến dịch tiếp thị rất tốt và xuất hiện đúng thời điểm. Khi đó, họ đã thực hiện chiến dịch sau khi người tiêu dùng vừa trải qua một kỳ nghỉ lễ tết dài ngày. Vì thế, cảm giác không còn ngon miệng, “khó chịu, nóng trong người” là không khỏi tránh khỏi.

Dr.Thanh được định vị thương hiệu với những chức năng giải quyết những nhu cầu đó của khách hàng. Nếu Dr Thanh thực hiện chiến dịch vào thời gian khác, chưa chắc sản phẩm này đã tạo được hiệu ứng, mức độ lan tỏa cao như vậy.

Khi nào là thời điểm thích hợp để thực hiện chiến dịch tiếp thị là một câu hỏi khó với mọi nhà quản lý. Bạn nên xem xét các yếu tố như thói quen, tâm lý, nhu cầu khách hàng… để xác định thời điểm nào sẽ thích hợp để triển khai chiến dịch tiếp thị. Bạn nên đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu hơn họ đang cần gì và cần vào lúc nào.

Tính đúng thời điểm Smart Dr.Thanh

Nhãn hiệu trà thảo mộc Dr.Thanh gắn liền với slogan “nóng trong người”

2. Có nên áp dụng phương pháp SMART trong Marketing không?

Câu trả lời là có! Bạn rất nên áp dụng phương pháp SMART trong Marketing để đạt hiệu quả thực hiện mục tiêu cao hơn. 

SMART giúp bạn tạo ra quy trình từng bước để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, với SMART mục tiêu của bạn cũng sẽ rõ ràng, có định hướng thực hiện cụ thể hơn.

Ví dụ

Trước khi áp dụng SMART: Mục tiêu hoạt động marketing là giúp công ty đạt được 1 tỷ đồng mỗi tháng. Mục tiêu này khiến nhân viên của bạn choáng ngợp, không biết nên bắt đầu từ đâu. 

Khi áp dụng SMART: Bạn có thể xem xét cách thiết lập mục tiêu dựa trên yếu tố S – M – A – R – T. Cụ thể, với nguồn lực team hiện tại, mục tiêu là đạt được 40 khách hàng tiềm năng mới mỗi tháng chẳng hạn.

Áp dụng SMART trong triển khai chiến dịch Marketing là giúp bạn dễ dàng đo lường hiệu quả chiến dịch hơn. 

Ví dụ:

Trước khi áp dụng SMART: 

  • Bạn chỉ nhận được bản báo cáo sau khi chiến dịch tiếp thị kết thúc 
  • Bản báo cáo bạn nhận được chỉ toàn kết quả đầy định tính, chủ quan
  • Thậm chí chiến dịch đã thất bại trước khi bạn nhận được báo cáo nguyên nhân

Khi áp dụng SMART: Bạn có thể nhìn thẳng vào các chỉ số định lượng mà mục tiêu SMART đề ra ban đầu để xem chiến dịch có thực sự hiệu quả không, có thể tiếp tục hay phải dừng lại điều chỉnh. Các con số đo lường thường không biết nói dối vì chúng rất cụ thể.

Rõ ràng với SMART, bạn và team marketing có thể hành động hướng đến mục tiêu nhanh chóng với các bước đi cụ thể, rõ ràng.

Lợi ích áp dụng nguyên tắc Smart trong Marketing

SMART có thể giúp mục tiêu Marketing của bạn thông minh, hiệu quả và trúng đích hơn.

3. Hướng dẫn thiết lập mục tiêu SMART cho ngành Marketing

Hãy cùng VNOKRs tìm hiểu các bước thiết lập mục tiêu SMART trong Marketing hiệu quả dưới đây:

Bước 1: Xác định các mục tiêu cụ thể (Specific Marketing Goals)

Bạn nên xác định cụ thể mục tiêu tiếp thị sắp tới sẽ hướng tới điều gì:

  • Hướng tới phát triển khách hàng mục tiêu để thu được doanh thu cao hơn?
  • Hướng tới phát triển thương hiệu công ty để đạt được các giá trị lâu dài hơn?
  • Hướng tới cả doanh thu và thương hiệu cùng lúc?

Với các mục tiêu về doanh thu, bạn có thể hướng tới việc gia tăng khách hàng tiềm năng đăng ký dùng thử sản phẩm; đăng ký nhận email marketing… 
Với các mục tiêu về thương hiệu, bạn có thể hướng tới việc xuất hiện hình ảnh, thông tin, sự kiện của công ty trên các kênh truyền thông đại chúng; có thể tham gia và đạt được các giải thưởng uy tín để gia tăng hình ảnh công ty…

Bước 2: Đảm bảo mục tiêu có thể đo lường (Measurable Marketing Goals)

Sau khi xác định cụ thể được mục tiêu cho team Marketing, bạn nên tiếp tục gắn các con số định lượng được vào các mục tiêu đó.

Ví dụ như gia tăng khách hàng quan tâm sản phẩm thì phải cụ thể số khách hàng đó là bao nhiêu? Hoặc gia tăng số lượng bài viết cho website giải đáp các thắc mắc của khách hàng tiềm năng thì số lượng bài viết đó là bao nhiêu?… Tất cả đều cần phải được cụ thể thành các con số rất rõ ràng.

Bạn có thể nghĩ việc đặt ra một con số như vậy có thể khiến nhân viên của bạn áp lực. Nhưng thực tế, không có áp lực cao thì chúng ta khó đạt được những kết quả vượt trội.

Để tham khảo về cách thiết lập mục tiêu có thể đo lường, bạn có thể đọc bài viết Xây dựng KPI theo nguyên tắc SMART của VNOKRs. KPI rất hiệu quả trong việc đánh giá hiệu suất làm việc, đo lường cụ thể kết quả làm việc của nhân viên. Khi KPI kết hợp với SMART, bạn sẽ có một giải pháp hiệu quả để đo lường mục tiêu cho nhân viên.

Đo lường mục tiêu Smart trong Marketing

Đo lường mục tiêu giúp tạo ra những kết quả vượt trội.

Bước 3: Phân tích khả năng đạt được mục tiêu (Attainable Marketing Goals)

Mục tiêu của bạn đến lúc này đã cụ thể và định lượng được. Tiếp theo, bạn cần xem xét mục tiêu có khả thi không, team Marketing với nguồn lực hiện nay có thể đạt được mục tiêu không.

Năng lực, kinh nghiệm của team; Các yếu tố của thị trường như sự cạnh tranh của đối thủ, thời điểm, nhu cầu của khách hàng… là những yếu tố bạn đều nên cân nhắc để xác định mục tiêu đề ra đang quá sức hay vừa tầm với nhân viên của mình.

Bạn cũng nên vạch ra các đường cơ sở để xác định ngưỡng nào là ngưỡng quá tải với nhân viên của bạn. 

Ví dụ:

Website của công ty bạn đều đặn thu hút được 5,000 lượt khách hàng ghé thăm website mỗi tuần. Vậy thì đường cơ sở ở đây là 5,000. 

Bạn có thể đề ra mục tiêu có tính kỳ vọng hơn như gia tăng 5% lượt khách hàng ghé thăm website mỗi tháng chẳng hạn. Như vậy con số team tiếp thị cần hướng tới sẽ vào khoảng 21,000 lượt khách hàng ghé thăm website. 

Nếu chúng ta gia tăng thêm các biện pháp tiếp thị, nỗ lực hơn, mở rộng phạm vi tiếp thị hơn, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được con số 21,000 này. Đó là một mục tiêu có tính khó khăn, thử thách nhưng vẫn khả thi.

Chúng ta không nên đề ra những mục tiêu quá xa vời, viển vông. Điều đó chỉ khiến nhân viên của bạn thêm hoang mang, nản chí, thậm chí bỏ cuộc.

Việc lãnh đạo thường xuyên đề ra những mục tiêu quá tầm có thể sẽ dẫn đến sự nặng nề đè nặng lên không khí công ty.

Phân tích khả năng đạt được mục tiêu SMART Marketing

Mục tiêu Marketing đề ra cần nằm ở ngưỡng cần nỗ lực, cố gắng mới đạt được nhưng không đến mức bất khả thi.

Bước 4: Xác nhận tính thực tế của mục tiêu (Realistic Marketing Goals)

Bạn nên dành thời gian đối thoại với team Marketing của mình xem liệu các mục tiêu đã đề ra có thực tế không. Team của bạn có sẵn sàng cho thử thách và đạt được mục tiêu không? Các điều chỉnh kịp thời sẽ giúp mục tiêu thực tế hơn.

Kết quả sau buổi đối thoại với team nên được thiết lập thành các KPI cụ thể và team của bạn có thể sẵn sàng nỗ lực hoàn thành mục tiêu. Chúng ta nên tránh tình trạng kết thúc những buổi họp căng thẳng, mất nhiều thời gian mà không chốt lại được là sẽ cần làm gì, ai phụ trách và hoàn thành xong vào lúc nào. Mục tiêu thực tế chỉ có thể đạt được với những hành động cụ thể, rõ ràng.

Bước 5: Chỉ định thời hạn hoàn thành mục tiêu (Timely Marketing Goals)

Ở bước 5 này, bạn sẽ xác định, giải quyết câu hỏi: Mất bao lâu để bạn đạt được mục tiêu đề ra? 
Thông thường mục tiêu càng được thực hiện nhanh, kịp thời thì càng giúp công ty tối ưu chi phí, giảm thiểu nỗ lực của team. Tuy nhiên, nếu bạn đặt thời gian quá gấp, nhiều khi điều đó sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên team. Chúng ta nên chọn thời gian phù hợp, tối ưu với nguồn lực để đạt được kết quả cao nhất.

Bạn có thể kết hợp các mục tiêu có thời gian thực hiện ngắn (3/6/9 tháng) cùng các mục tiêu có thời gian thực hiện dài hạn hơn (12/18/24 tháng). Các mục tiêu thực hiện trong ngắn hạn nên được thiết lập để tạo ra các kết quả đạt được nhanh chóng, giúp tạo ra hiệu ứng tích cực để hoàn thành các mục tiêu dài hạn.

Thời hạn hoàn thành mục tiêu SMART trong Marketing

Chính những chiến thắng nhỏ ban đầu trong thời gian ngắn hạn sẽ giúp toàn team của bạn tiến lên phía trước nhanh chóng với hiệu suất cao hơn.

4. Ví dụ áp dụng nguyên tắc SMART trong Marketing

Chúng ta có thể lấy ví dụ áp dụng nguyên tắc SMART trong Marketing theo từng loại mục tiêu của bộ phận Marketing.

Content Marketing

Content Marketing là tiếp thị bằng nội dung. Thông qua các nội dung giải đáp thắc mắc, thú vị, hấp dẫn, được khách hàng quan tâm, Content Marketing sẽ góp phần giúp khách hàng đến gần hơn, tin tưởng hơn vào sản phẩm, dịch vụ của bạn.

Ví dụ về mục tiêu SMART trong Content Marketing:

  • S – Cụ thể: Tăng lưu lượng khách hàng truy cập website sản phẩm
  • M – Đo lường: Tăng gấp đôi lưu lượng khách hàng truy cập website sản phẩm
  • A – Khả thi: Với khả năng cung cấp 5 bài viết hấp dẫn khách hàng, chúng ta sẽ tăng gấp đôi lưu lượng khách hàng truy cập website sản phẩm
  • R – Liên quan: Với khả năng cung cấp 5 bài viết hấp dẫn khách hàng, chúng ta sẽ tăng gấp đôi lưu lượng khách hàng truy cập website sản phẩm, nhằm giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn
  • T – Thời điểm: Với khả năng cung cấp 5 bài viết hấp dẫn khách hàng, chúng ta sẽ tăng gấp đôi lưu lượng khách hàng truy cập website sản phẩm, trong 12 tháng tính từ ngày 1/11/2020, nhằm giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn

SEO

SEO là viết tắt của Search Engine Optimization – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. SEO website là thực hiện những phương pháp giúp gia tăng, cải thiện thứ hạng website của bạn trên trang kết quả của các công cụ tìm kiếm, ví dụ như Google.

Ví dụ về mục tiêu SMART trong SEO website:

  • S – Cụ thể: Tăng thứ hạng website công ty trên trang tìm kiếm của Google với từ khóa “Phần mềm nhân sự”
  • M – Đo lường: Tăng thứ hạng website công ty lên top 5 trên trang tìm kiếm của Google với từ khóa “Phần mềm nhân sự”
  • A – Khả thi: Với khả năng tối ưu website của team SEO hiện nay, chúng ta có thể tăng thứ hạng website công ty lên top 5 trên trang tìm kiếm của Google với từ khóa “Phần mềm nhân sự” 
  • R – Liên quan: Với khả năng tối ưu website của team SEO hiện nay, chúng ta có thể tăng thứ hạng website công ty lên top 5 trên trang tìm kiếm của Google với từ khóa “Phần mềm nhân sự”, nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty
  • T – Thời điểm: Với khả năng tối ưu website của team SEO hiện nay, chúng ta có thể tăng thứ hạng website công ty lên top 5 trên trang tìm kiếm của Google với từ khóa “Phần mềm nhân sự”, nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty. Mục tiêu cần hoàn thành xong trước ngày 30/6/2021.

Áp dụng nguyên tắc SMART trong SEO Marketing

Social Media Marketing

Social Media Marketing là tiếp thị trên mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng, gia tăng nhận thức về sản phẩm, dịch vụ và thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng.

Ví dụ về mục tiêu SMART trong Social Media Marketing:

  • S – Cụ thể: Tăng lượng theo dõi trên kênh Youtube công ty
  • M – Đo lường: Tăng lượng theo dõi trên kênh Youtube công ty lên mức 100,000
  • A – Khả thi: Với nội dung và mức độ phổ biến hiện nay, chúng ta sẽ nỗ lực tăng lượng theo dõi trên kênh Youtube công ty lên mức 100,000
  • R – Liên quan: Với nội dung và mức độ phổ biến hiện nay, chúng ta sẽ nỗ lực tăng lượng theo dõi trên kênh Youtube công ty lên mức 100,000 nhằm gia tăng nhận thức của khách hàng về công ty và sản phẩm.
  • T – Thời điểm: Với nội dung và mức độ phổ biến hiện nay, chúng ta sẽ nỗ lực tăng lượng theo dõi trên kênh Youtube công ty lên mức 100,000 nhằm gia tăng nhận thức của khách hàng về công ty và sản phẩm. Mục tiêu cần hoàn thành xong trước 30/6/2021.

Lead Generation

Lead Generation là tạo khách hàng tiềm năng, xây dựng danh sách khách hàng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của công ty. Việc xây dựng danh sách khách hàng tiềm năng này sẽ hỗ trợ thông tin để team kinh doanh tiếp cận, tư vấn khách hàng.

Ví dụ về mục tiêu SMART trong Lead Generation:

  • S – Cụ thể: Xây dựng danh sách khách hàng quan tâm đến sản phẩm mới của công ty
  • M – Đo lường: Xây dựng danh sách với ít nhất 500 khách hàng quan tâm đến sản phẩm mới của công ty
  • A – Khả thi: Với ngân sách thực hiện chiến dịch và nguồn nhân lực team tiếp thị hiện nay, chúng ta sẽ xây dựng danh sách với ít nhất 500 khách hàng quan tâm đến sản phẩm mới của công ty
  • R – Liên quan: Với ngân sách thực hiện chiến dịch và nguồn nhân lực team tiếp thị hiện nay, chúng ta sẽ xây dựng danh sách với ít nhất 500 khách hàng quan tâm đến sản phẩm mới của công ty, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty
  • T – Thời điểm: Với ngân sách thực hiện chiến dịch và nguồn nhân lực team tiếp thị hiện nay, chúng ta sẽ xây dựng danh sách với ít nhất 500 khách hàng quan tâm đến sản phẩm mới của công ty, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty. Mục tiêu cần hoàn thành xong trước 30/11/2020.

Áp dụng phương pháp SMART trong Lead Marketing

Chuyển đổi khách hàng

Chuyển đổi khách hàng là tỷ lệ đo lường mức độ hiệu quả của chiến dịch. Tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự mua sản phẩm của công ty càng cao thì chiến dịch càng hiệu quả. Ví dụ như: 

  • Tỷ lệ quảng cáo xuất hiện/số lần nhấp chuột vào xem chi tiết sản phẩm
  • Tỷ lệ khách hàng ghé thăm website/khách hàng thực tế mua sản phẩm
  • Tỷ lệ khách hàng ghé thăm website/khách hàng gọi điện yêu cầu tư vấn sản phẩm

Ví dụ về mục tiêu SMART trong chuyển đổi khách hàng:

  • S – Cụ thể: Chuyển đổi khách hàng hiệu quả từ lượng khách hàng truy cập website
  • M – Đo lường: Chuyển đổi khách hàng hiệu quả từ lượng khách hàng truy cập website, với tỷ lệ 1000 lượt khách hàng truy cập website sẽ có 10 khách hàng mua sản phẩm
  • A – Khả thi: Với khả năng thu hút khách hàng qua nội dung website và chất lượng sản phẩm hiện nay, chúng ta sẽ chuyển đổi khách hàng hiệu quả từ lượng khách hàng truy cập website, với tỷ lệ 1000 lượt khách hàng truy cập website sẽ có 10 khách hàng mua sản phẩm
  • R – Liên quan: Với khả năng thu hút khách hàng qua nội dung website và chất lượng sản phẩm hiện nay, chúng ta sẽ chuyển đổi khách hàng hiệu quả từ lượng khách hàng truy cập website, với tỷ lệ 1000 lượt khách hàng truy cập website sẽ có 10 khách hàng mua sản phẩm, nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh
  • T – Thời điểm: Với khả năng thu hút khách hàng qua nội dung website và chất lượng sản phẩm hiện nay, chúng ta sẽ chuyển đổi khách hàng hiệu quả từ lượng khách hàng truy cập website, với tỷ lệ 1000 lượt khách hàng truy cập website sẽ có 10 khách hàng mua sản phẩm, nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, ngay từ 1/11/2020

Ví dụ nguyên tắc SMART trong Marketing hiệu quả

Customer Loyalty

Customer Loyalty (CL) là lòng trung thành của khách hàng. CL thể hiện qua thái độ, hành vi của khách hàng. CL càng cao thì sẽ càng thúc đẩy khách hàng lựa chọn sản phẩm của bạn thay vì của đối thủ. 

Ví dụ:

Những chiếc di động cao cấp của Apple và Samsung có chất lượng khác tương đồng, mẫu mã, thiết kế đều tinh xảo, đẹp mắt, độ hoàn thiện cao. 
Khi lòng trung thành của khách hàng cao, họ sẽ rất khó chuyển đổi từ di động của Apple sang Samsung hoặc ngược lại. 

Khách hàng lúc này thậm chí đã chuyển từ những người tiêu dùng trở thành fan của sản phẩm đó. Họ có thể đứng xếp hàng từ nửa đêm, rạng sáng để chờ mua sản phẩm trong ngày đầu ra mắt.

Ví dụ SMART Customer Loyalty trong Marketing
Khi Samsung và Apple ra mắt những mẫu di động cao cấp mới sẽ xuất hiện những hàng dài khách hàng chờ xuyên đêm để mua sản phẩm
Ví dụ về mục tiêu SMART trong hoạt động CL:

  • S – Cụ thể: Áp dụng chính sách thu cũ đổi mới điện thoại dành cho khách hàng đã từng mua sản phẩm
  • M – Đo lường: Áp dụng chính sách thu cũ đổi mới điện thoại dành cho 1000 khách hàng đã từng mua sản phẩm
  • A – Khả thi: Với khả năng tài chính và mục tiêu tiếp thị hiện nay, chúng ta sẽ áp dụng chính sách thu cũ đổi mới điện thoại dành cho 1000 khách hàng đã từng mua sản phẩm
  • R – Liên quan: Với khả năng tài chính và mục tiêu tiếp thị hiện nay, chúng ta sẽ áp dụng chính sách thu cũ đổi mới điện thoại dành cho 1000 khách hàng đã từng mua sản phẩm, nhằm gia tăng mức độ hài lòng, tin tưởng của khách hàng với thương hiệu công ty
  • T – Thời điểm: Với khả năng tài chính và mục tiêu tiếp thị hiện nay, chúng ta sẽ áp dụng chính sách thu cũ đổi mới điện thoại dành cho 1000 khách hàng đã từng mua sản phẩm, nhằm gia tăng mức độ hài lòng, tin tưởng của khách hàng với thương hiệu công ty, trong tháng 11/2020

5. Một số mẹo triển khai mô hình SMART cho Marketing

Thiết lập các mục tiêu lớn và nhỏ

Trong thực tế triển khai các chiến dịch Marketing, chúng ta có thể nhận thấy mọi mục tiêu đều có tính liên quan với nhau. Các mục tiêu nhỏ thường liên kết với nhau và liên kết với các mục tiêu lớn hơn. Và nhiều khi để thực hiện các mục tiêu lớn, bạn cần tuần tự thực hiện nhiều mục tiêu nhỏ trước.

Mẹo triển khai mô hình SMART trong Marketing

Liên kết các mục tiêu lại với nhau, bạn sẽ tạo nên “bức tranh” hoàn chỉnh những điều công ty cần hướng tới.

Ví dụ một mục tiêu rất lớn dành cho team tiếp thị đó là:

Thực hiện chiến lược tiếp thị phù hợp để loại bỏ đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường mục tiêu. Với một mục tiêu lớn như vậy, team tiếp thị của bạn thật khó để hình dung, thực hiện ngay được các hành động cụ thể. 

Chúng ta để đạt được mục tiêu lớn như vậy có thể thiết lập các mục tiêu nhỏ hơn như:

  • Nghiên cứu toàn diện các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp, tiềm ẩn của công ty trong tháng 11/2020
  • Tối ưu hóa sản phẩm, hoàn thành xong trước 15/11/2020
  • Khắc phục tối đa các lỗi tính năng sản phẩm, hoàn thành xong trước 15/11/2020
  • Mở chi nhánh công ty tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hoàn thành xong trước 15/12/2020
  • Tham gia 1 giải thưởng của ngành hàng để phục vụ truyền thông sản phẩm, hoàn thành xong trước 15/11/2020
  • Tổ chức 1 hội thảo chuyên môn có sự tham gia của các chuyên gia, những người có tiếng nói trong ngành và kết hợp giới thiệu sản phẩm của công ty, hoàn thành xong trước 15/12/2020

Chúng ta có thể thiết lập nhiều mục tiêu khác nhau ở các khía cạnh khác nhau như trên nhưng đều hướng tới một mục tiêu lớn hơn là loại bỏ được đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường mục tiêu. 

Khi triển khai mô hình SMART cho Marketing, chúng ta nên thiết lập phối hợp các mục tiêu nhỏ để cộng hưởng tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu lớn. Ở những bước đi đầu tiên của chiến dịch tiếp thị, thậm chí bạn nên ưu tiên các mục tiêu nhỏ để tạo nên một chiến thắng động viên tinh thần toàn team. 

Triển khai nguyên tắc SMART cho chiến dịch Marketing

Chúng ta đi những bước nhỏ, chắc chắn nhưng với nhịp độ nhanh và sẽ đi được quãng đường dài hơn, đạt được mục tiêu lớn hơn.

Đặt mục tiêu gắn với yếu tố định lượng

Bạn hãy thiết lập mục tiêu cho team Marketing gắn với các con số có thể định lượng dễ dàng. 

Ví dụ khi bạn đặt mục tiêu gia tăng số lượng khách hàng tiềm năng, quan tâm đến sản phẩm sẽ thật khó để biết bạn đã thực sự đạt được mục tiêu hay chưa. Thay vì vậy, bạn có thể đề ra mục tiêu là: đạt tối thiểu 30 khách hàng tiềm năng, quan tâm đến sản phẩm, liên hệ nhận tư vấn.

Các mục tiêu gắn với yếu tố định lượng sẽ giúp bạn biết rằng mình có đang đi đúng hướng, có thể hoàn thành được mục tiêu hay không.

Đặt thời hạn ngắn hạn và dài hạn

Hãy hình dung chúng ta đang lên kế hoạch chạy bộ xuyên Việt từ Lạng Sơn vào Cà Mau. Quãng đường hơn 2,3 nghìn km đó thật sự rất dài. Để chạy được hết quãng đường đó, bạn cần tính toán và lên phương án chạy những quãng đường ngắn hơn như Lạng Sơn – Hà Nội rồi từ Hà Nội đi tiếp các tỉnh khác cho đến Cà Mau.

Đặt mục tiêu SMART trong Marketing cũng vậy. Bạn có thể có một chiến dịch rất dài hạn nhưng để đạt được các mục tiêu dài hạn, trước hết bạn cần đạt được các mục tiêu ngắn hạn trước. Các mục tiêu ngắn hạn như một điểm mốc, bước đệm giúp bạn định vị, đi đúng hướng để đến và đạt được mục tiêu dài hạn.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu, nếu bạn không hoàn thành được các mục tiêu ngắn hạn, bạn nên xem xét để kịp thời điều chỉnh. Bằng cách tạo các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, bạn sẽ tạo ra một cách tiếp cận chiến dịch tiếp thị chủ động hơn và theo dõi chiến dịch của mình hiệu quả hơn.

Theo dõi tiến độ mục tiêu

Trong quá trình thực hiện mục tiêu, chúng ta luôn cần theo dõi tiến độ để kịp thời điều chỉnh, khắc phục các vướng mắc phát sinh.

Ví dụ như thời điểm trước dịch bệnh, mục tiêu team tiếp thị của bạn đề ra là hướng tới quảng bá các tour du lịch nước ngoài. Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng và các nước đóng cửa biên giới, chúng ta cần kịp thời điều chỉnh mục tiêu vì điều mục tiêu hướng tới đã chuyển sang trạng thái bất khả thi.

Liên tục, định kỳ theo dõi tiến độ hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn đảm bảo team của mình đang đi đúng hướng.
Theo dõi tiến độ mục tiêu SMART

Định kỳ theo dõi tiến độ hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn đảm bảo team của mình đang đi đúng hướng.

Nhìn chung nguyên tắc SMART trong Marketing cụ thể, đo lường, khả thi, liên quan và đúng thời điểm là những chỉ dấu quan trọng để bạn thiết lập các mục tiêu đúng hơn, hiệu quả hơn.

VNOKRs chúc bạn luôn thiết lập và hoàn thành được các mục tiêu hiệu quả với SMART!