Tự quản lý bản thân tưởng chừng là việc dễ nhưng thực sự không hề đơn giản. Lý do là vì mỗi cá nhân có thể rất khắt khe với các quy trình bên ngoài, với tổ chức nhưng lại dễ dàng thỏa hiệp với bản thân mình. Trong tương quan với tổ chức, mỗi cá nhân có khả năng quản lý bản thân hiệu quả sẽ đóng góp thêm một phần chắc chắn cho sự thành công của tổ chức.
Tự quản lý bản thân là gì?
Tự quản lý là khả năng quản lý hành vi, suy nghĩ và cảm xúc một cách có ý thức và hiệu quả. Tự quản lý bản thân có thể được xem xét ở 3 khía cạnh, 3 phẩm chất chính:
- Trí tuệ cảm xúc
- Khả năng kiểm soát bản thân
- Quản lý thời gian
Khả năng tự quản lý bản thân cho phép bạn gia tăng khả năng học hỏi, làm việc tốt hơn mỗi ngày, phát triển trí tuệ cảm xúc cũng như là nền tảng để bạn có được sự hạnh phúc trong công việc, cuộc sống. Có được điều này là nhờ quản lý bản thân tốt sẽ giúp bạn cân bằng được giữa các tín hiệu, yêu cầu từ môi trường xã hội trong khi vẫn tôn trọng nhu cầu của chính bản thân mình.
Khả năng quản lý bản thân sẽ giúp bạn vượt qua những tình huống không thoải mái, chẳng hạn như:
- Con nhỏ quấy phá không để bạn tập trung làm việc buổi tối ở nhà
- Quá nhiều việc cần xử lý cùng lúc
- Bạn bị quản lý nhắc nhở vì một tình huống không phải do lỗi của bạn…
Trong những tình huống không thuận lợi, nếu bạn kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của mình, có khả năng tự quản lý bản thân tốt thì mọi việc sẽ được giải quyết êm thấm, thay vì bị đẩy đi quá xa, không cần thiết.
Tác động của tự quản lý bản thân đối với tổ chức
Mỗi nhân viên là một phần đóng góp vào bức tranh chung của tổ chức. Khi mỗi thành viên có khả năng quản lý bản thân tốt, tổ chức của bạn sẽ nhận được những tác động tích cực.
- Mỗi cá nhân tự chủ động, cam kết với mục tiêu công việc của mình
Từ góc độ tổ chức, khả năng tự quản lý của các thành viên trong nhóm là rất quan trọng đối với hoạt động hiệu quả của một tổ chức. Bạn hãy tưởng tượng một môi trường làm việc mà phần lớn những người làm việc trong đó không thể duy trì nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu và lịch trình như cam kết. Điều đó sẽ khiến việc hoàn thành các dự án trở nên rất khó khăn.
Nhân viên của bạn có khả năng quản lý bản thân tốt sẽ là cơ sở quan trọng để họ có thể tự chủ động, cam kết với mục tiêu công việc của chính họ và của team.
- Kỷ luật bản thân, hoàn thành kế hoạch, dự án đúng hạn
Những thời hạn công việc đầy ám ảnh là điều thường không hề dễ dàng, thoải mái với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, đó là kỷ luật và áp lực cần thiết để bạn có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch, dự án đúng hạn.
- Góp phần hình thành một tổ chức đổi mới, sáng tạo hơn
Sự đổi mới, sáng tạo của tổ chức không phải được tạo nên từ những hô hào, khẩu hiệu. Những chuyển biến tích cực này sẽ chỉ có được khi đội ngũ nhân sự của bạn có khả năng quản lý bản thân tốt. Họ sẵn sàng đổi mới, sáng tạo chính bản thân mình và lan tỏa giá trị tích cực đến với tổ chức.
7 kỹ năng để tăng khả năng quản lý bản thân của bạn
Khả năng quản lý bản thân không phải tự nhiên có thể hình thành mà cần quá trình rèn luyện, tích lũy. Bạn có thể tham khảo 7 kỹ năng để tăng khả năng quản lý bản thân dưới đây.
Quản lý thời gian
Quản lý thời gian tốt cho phép bạn kiểm soát được ngày làm việc, khối lượng công việc mình cần xử lý. Mỗi người đều chỉ có 24 giờ mỗi ngày và bạn nên dành ngay những giờ đầu tiên trong ngày làm việc để xử lý những việc quan trọng, khẩn cấp. Đây thường là những việc khó khăn, cần nhiều thời gian xử lý và bạn không nên trì hoãn hành động.
“Con ếch” đầu ngày thường khá khó khăn nhưng khi bạn đã nuốt trọn công việc khó khăn nhất thì mọi việc còn lại sẽ trở nên dễ dàng, thoải mái hơn nhiều.
Tìm hiểu thêm: Vì sao quản lý thời gian lại quan trọng
Tạo động lực
Phần lớn nhân viên sẽ mong muốn được làm việc trong một môi trường có động lực làm việc tốt. Họ hi vọng được tạo động lực từ quản lý, từ các chính sách của công ty… Tuy nhiên, một trong lực quan trọng nhất mà nhiều nhân viên bỏ sót là tự tạo động lực.
Bạn cần tạo được động lực, niềm vui thích thậm chí là say mê với công việc mình đang thực hiện. Chỉ có như vậy, công việc với bạn mới không trở thành áp lực hàng ngày vì bạn thực sự yêu thích chúng.
Tạo động lực cho chính mình, cho đội nhóm của mình là kỹ năng quan trọng giúp bạn quản lý bản thân, phát triển đội ngũ và thực hiện được những mục tiêu thử thách hơn.
Đăng ký tải Ebook “Động lực của nhân viên” của VNOKRs tại đây
Kiểm soát căng thẳng
Bạn đã bao giờ cảm thấy kiệt sức, chỉ muốn yên tĩnh một mình hay thậm chí là đập phá đồ đạc xung quanh vì quá căng thẳng với công việc? Bạn mong muốn quản lý được bản thân thì trước hết bạn cần có kỹ năng kiểm soát được căng thẳng của mình. Bạn không nên tự biến mình trở thành một nạn nhân của công việc.
Để kiểm soát căng thẳng, bạn nên lưu ý một số chi tiết:
- Hành động hướng đến mục tiêu cuối cùng, tránh mất nỗ lực, căng thẳng vì những điều không liên quan
- Có thứ tự ưu tiên xử lý công việc, tránh việc rối loạn tâm trí, lo lắng vì những việc chưa quá cấp thiết
- Cho phép bản thân được xử lý công việc một cách đơn nhiệm để cải thiện sự tập trung và hiệu suất
Khả năng thích ứng
Khả năng thích ứng là kỹ năng quan trọng với bạn, nhất là trong những tình huống bất ổn, khó lường trước. Bạn sẽ thật khó có thể kiểm soát được mọi thứ luôn đi theo guồng kế hoạch mình mong muốn. Thay vì vậy, bạn hãy rèn luyện khả năng thích ứng để có thể ứng phó kịp thời, phù hợp với tình huống.
Bạn có thể thích ứng tình huống và sẽ gia tăng sự tự tin trước những thay đổi có thể xảy ra. Khả năng thích ứng ở đây sẽ thể hiện ở cả tâm lý thích ứng và năng lực thích ứng.
- Tâm lý thích ứng: Bạn luôn sẵn sàng cho những tình huống biến chuyển, thay đổi. Cùng tâm lý vững vàng, bạn sẽ dễ dàng thích ứng hơn với công việc.
- Năng lực thích ứng: Bạn liên tục rèn luyện, phát triển các kỹ năng, năng lực để thích ứng với những tình huống thay đổi, tiêu cực với công việc.
Kỹ năng ra quyết định
Kỹ năng ra quyết định sẽ giúp bạn tự tin hơn, giải quyết được các vấn đề kịp thời. Để rèn luyện kỹ năng ra quyết định, bạn cần phát triển một số khía cạnh năng lực bản thân như:
- Năng lực tổng hợp thông tin
- Khả năng phân tích tình huống
- Tư duy phản biện, phán đoán
Nghiên cứu của Fredrickson & Losada, 2005 cho biết: khi bạn thoải mái, có được trạng thái cảm xúc tích cực, bạn có thể suy nghĩ một cách sáng tạo và đổi mới. Đây là một lưu ý để bạn rèn luyện kỹ năng ra quyết định của mình. Bạn không nên đưa ra quyết định khi đang nóng nảy, bực bội hay có tâm trạng tiêu cực. Điều đó sẽ chỉ khiến bạn gia tăng khả năng đưa ra quyết định sai lầm.
Thiết lập và quản lý mục tiêu
Edwin Locke vào năm 1960 đã công bố lý thuyết về thiết lập mục tiêu (Goal Setting). Locke cho rằng, để nhân viên có thể tập trung, nỗ lực cao hơn trong công việc, họ cần có một mục tiêu cụ thể, rõ ràng và cả thử thách. Một mục tiêu quá dễ dàng sẽ không phải điều kiện tốt để nhân viên có thể cải thiện động lực, hiệu suất làm việc.
Theo lý thuyết của Locke, việc quản lý công việc có thể tiến hành theo 3 bước như sau:
- Xác định mục tiêu phù hợp
- Thuyết phục nhân viên chấp nhận mục tiêu
- Tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi và cung cấp thông tin phản hồi
Từ lý thuyết thiết lập mục tiêu của Edwin Locke, bạn có thể nhìn rộng ra và áp dụng đến việc thiết lập, quản lý mục tiêu cá nhân. Bạn hoàn toàn có thể thiết lập mục tiêu cho bản thân mình cũng theo tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thử thách cùng 3 bước thực hiện để nỗ lực hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Phát triển bản thân
Mục tiêu cốt lõi của quản lý bản thân không phải để duy trì những điều bạn đang có mà mục tiêu bạn cần hướng tới là phát triển những kỹ năng, kinh nghiệm bạn mong muốn, cần có để phục vụ công việc. Bạn cần có được kỹ năng, tầm nhìn phát triển bản thân cho chính mình theo lộ trình ngắn, trung và dài hạn.
Bạn có thể đặt ra cho mình những câu hỏi như:
- Bạn thực sự mong muốn điều gì cho công việc, cuộc sống?
- Để đạt được mong muốn đó bạn cần phát triển những kỹ năng, kinh nghiệm nào?
- Bạn cần hành động cụ thể như thế nào trong 1 – 3 hay 5 năm tới?
Kỹ năng phát triển bản thân cũng giống như việc bạn hoạch định cho bản thân một con đường để hướng tới một cách cụ thể, rõ ràng.