Các yếu tố tạo nên văn hoá doanh nghiệp tuyệt vời là gì? – Theo Giáo sư James L. Heskett (Giáo sư lĩnh vực kinh doanh Logistics): “Văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20 – 30% hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”. Văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng nhưng Bạn sẽ thật khó có thể xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời chỉ trong thời gian ngắn. Đó là cả một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực cùng từng bước chuẩn bị đầy đủ cả về nguồn lực và tinh thần của tổ chức. 

Tìm hiểu thêm: Tự động hoá xây dựng văn hoá doanh nghiệp

Cộng đồng gắn kết

Văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời, tích cực trước hết cần dựa trên một nền tảng cộng đồng gắn kết. Đội ngũ nhân viên cần thực sự là một team, đồng lòng, nhất trí hành động thay vì thường xuyên phát sinh những xung đột, vướng mắc.

Khi không có một cộng đồng gắn kết thì bạn rất khó xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Bởi khi đó, mỗi thành viên của tổ chức chỉ là một mảnh ghép riêng biệt, không gắn kết trở thành một bức tranh chung hướng đến mục tiêu, tầm nhìn của doanh nghiệp.

Muốn xây dựng một cộng đồng gắn kết, bạn cần quan tâm đến một số yếu tố: 

  • Chính sách tuyển dụng: Công ty cần đảm bảo tuyển dụng đúng người phù hợp không chỉ về chuyên môn mà còn phù hợp với văn hóa tổ chức. Bởi lẽ, văn hóa tổ chức sẽ ảnh hưởng tới nhân sự nhưng ngược lại, chính những nhân sự của tổ chức sẽ góp phần lan tỏa, duy trì văn hóa tổ chức trong thực tế. Văn hóa không phải câu chuyện hô hào mà đó là câu chuyện về con người và một tổ chức sẽ khó kiến tạo, duy trì được văn hóa của mình nếu không có con người phù hợp.

Tiến sĩ Steven Hunt (công ty Monster) cho biết: “Qua nghiên cứu, ứng viên nếu phù hợp với văn hóa công ty sẽ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn 7%. Khi nhân viên được làm việc trong môi trường văn hóa họ yêu thích, họ sẽ gắn bó lâu dài với công ty hơn và góp phần củng cố văn hóa tổ chức”.

  • Cảm giác thân thuộc: Đây là nền tảng giúp bạn xây dựng được một cộng đồng gắn kết. Mỗi thành viên trong tổ chức phải có được cảm giác thân thuộc, cảm giác họ là một phần của tổ chức. 

Muốn tạo được điều này, bạn có thể sử dụng đến các công cụ hướng đến nhân viên của mình như: được chào đón; được biết đến; được bao gồm; được hỗ trợ; được kết nối. Với 5 được như trên, nhân viên của bạn sẽ dần xóa bỏ được những rào cản tâm lý khi mới gia nhập tổ chức.

  • Coi việc sa thải là phương án cuối cùng: Điều này nên được xem là tinh thần chung trong quản trị nhân sự của tổ chức. Nhân viên của bạn sẽ thật khó có thể gắn kết khi họ thiếu đi cảm giác an toàn. Khi bạn rất dễ dàng sa thải một nhân viên thì ở chiều ngược lại, nhân viên cũng sẽ mức độ cam kết gắn bó với tổ chức thấp.
  • Xây dựng môi trường gắn kết: Những sự kiện hàng năm, hàng quý, hàng tháng hay những đợt teambuilding là cơ hội tốt để đội ngũ nhân sự gắn kết, hiểu nhau hơn. Vấn đề cốt lõi là bạn tổ chức những sự kiện này cần trên tinh thần luôn gắn với, lồng ghép chuyển tải thông điệp, giá trị văn hóa doanh nghiệp.

Xây dựng môi trường gắn kết còn nằm ở chính cách thức đội ngũ của bạn giao tiếp, phối hợp công việc với nhau hàng ngày như thế nào. Sự cởi mở, dân chủ, thẳng thắn sẽ là những yếu tố giúp môi trường làm việc trở nên tích cực, lành mạnh và góp phần giúp đội ngũ của bạn trở nên gắn kết hơn.  

Sự gắn kết của đội ngũ là mảnh đất tốt để văn hóa doanh nghiệp nảy mầm phát triển

Sự công bằng

Nhà tâm lý học hành vi và quản trị John Stacey Adams vào năm 1963 đã công bố nghiên cứu về Thuyết công bằng – một lý thuyết về sự động viên nhân viên. Lý thuyết của Adams tập trung vào nghiên cứu tương quan giữa sự cống hiến của nhân viên với sự báo đáp mà họ nhận được từ tổ chức.

Theo Adams, nhà quản trị muốn giữ được mức độ nhiệt tình làm việc của nhân viên ở mức cao thì sự báo đáp của tổ chức phải đảm bảo công bằng, hợp lý. Tổ chức cần giúp các thành viên của mình cảm nhận được sự phân phối trong tổ chức là công bằng.

Bạn sẽ khó có được văn hóa doanh nghiệp tích cực nếu không đảm bảo được sự công bằng trong tổ chức của mình. Công bằng ở đây bao hàm nhiều yếu tố như:

  • Thưởng, phạt công khai, rõ ràng, theo chính sách công ty
  • Nhất quán trong tiêu chí tuyển dụng, sa thải, lựa chọn người đồng hành cùng tổ chức
  • Đảm bảo mọi nhân viên đều có cơ hội phát triển, được tiếp cận chính sách đào tạo phù hợp cá nhân và vị trí công việc 
  • Đảm bảo công bằng, phù hợp trong phân bổ, giao các nhiệm vụ đến từng phòng ban và cá nhân

Đảm bảo sự công bằng tuyệt đối trong một tổ chức là một điều quá khăn, thậm chí bất khả thi. Tuy nhiên, ít nhất bạn cần nỗ lực trong việc tạo cảm giác về sự công bằng tại nơi làm việc. Điều này sẽ tạo nên trải nghiệm tích cực cho nhân viên của bạn. 

Ở góc độ quản trị, bạn cần đảm bảo chính sách tổ chức, các giá trị văn hóa doanh nghiệp đề cập đến cần đảm bảo yếu tố công bằng với mọi thành viên. Tổ chức rất nên hạn chế những đặc quyền, đặc lợi hay những “vùng cấm” không thể chạm đến. Khi tồn tại những thành viên nằm ngoài hoặc thậm chí vượt trên quy định, quyền lợi của tổ chức thì bạn sẽ rất khó kiến tạo được văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng công bằng.

Chính sách công ty, các giá trị văn hóa doanh nghiệp đề cập đến cần đảm bảo yếu tố công bằng với mọi thành viên

Người lãnh đạo / quản lý đáng tin cậy

Cũng giống như trong gia đình, bố mẹ là tấm gương đáng tin cậy với con cái thì ở doanh nghiệp, người lãnh đạo, quản lý cũng cần là những tấm gương đáng tin cậy cho nhân viên noi theo. Lãnh đạo không thể yêu cầu, hô hào cần đi họp đúng giờ nhưng chính họ lại là người đến muộn, làm ảnh hưởng đến giờ họp chung của tập thể.

Lãnh đạo đáng tin cậy ở đây trước hết cần nói đi đôi với làm. Lãnh đạo cần có sự nhất quán trong hành động, suy nghĩ, hành vi của mình, tránh trường hợp thay đổi liên tục không vì lý do nào. Sự thay đổi một cách bất ổn từ lãnh đạo sẽ khiến đội ngũ nhân viên bên dưới hoang mang, thiếu đi sự tin cậy cần có.

Mặt khác, lãnh đạo, quản lý không nên làm việc với vị thế của một người đứng bên trên chỉ đạo mà nên tạo cảm giác tin cậy với nhân viên từ việc song hành, hỗ trợ nhân viên. Lãnh đạo, quản lý không làm thay công việc của nhân viên mà chỉ nên có những tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích để nhân viên tối ưu hiệu suất, hiệu quả công việc của họ.

Nói đi đôi với làm là gốc căn bản để định hình người lãnh đạo, quản lý đáng tin cậy

Tìm hiểu thêm: 5 Kỹ năng cần thiết của nhà lãnh đạo hiệu quả

Môi trường khuyến khích sự đổi mới

Đổi mới là cái gốc của sự phát triển không chỉ với văn hóa doanh nghiệp mà còn với sự phát triển tổng thể doanh nghiệp. 

  • Phương thức kinh doanh không đổi mới thì tất yếu hiệu quả kinh doanh sẽ suy giảm
  • Quy trình sản xuất không đổi mới sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, suy giảm hiệu suất
  • Môi trường làm việc không đổi mới sẽ dẫn đến văn hóa doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trì trệ, thiếu sức sống

Môi trường làm việc khuyến khích sự đổi mới sẽ giúp văn hóa doanh nghiệp của bạn có sự tươi mới, giàu sức sống, có sự kết nối và lan tỏa thực sự trong tổ chức. 

Thực tế, mọi nhân viên và thậm chí là cả quản lý, lãnh đạo cũng có thể sợ đổi mới. Chúng ta thường có được cảm giác an toàn với những thứ thân thuộc, đã quen làm trong quá khứ. Vậy nhưng, nếu không có được môi trường khuyến khích đổi mới thì mọi giá trị hiện tại đều có nguy cơ suy thoái, lụi tàn.

Trong lĩnh vực điện thoại di động, Nokia là tên tuổi hàng đầu, là gã khổng lồ giai đoạn 1990 – 2000. Những mẫu điện thoại của Nokia khi đó ở vị thế thống lĩnh thị trường. Thậm chí, mẫu điện thoại Nokia 1100 còn từng đoạt doanh số hơn 200 triệu máy trên toàn cầu. Vào giai đoạn hưng thịnh của mình, Nokia chiếm thị phần lên đến 40% sản lượng di động toàn cầu. Nhưng cùng với sự chậm đổi mới của mình, Nokia dần bị tụt lại, lụi tàn và đến 2014, Nokia chính thức bị Microsoft mua lại.

Dẫn ra câu chuyện về Nokia, bạn có thể thấy bất kể một tổ chức nào dù có lớn đến đâu nhưng không khuyến khích sự đổi mới rồi cũng sẽ phải đối diện với suy thoái, với thất bại khó tránh khỏi.

Văn hóa doanh nghiệp cũng như một gốc cây của doanh nghiệp. Gốc cây ấy cần phải được xây dựng trên nền tảng môi trường làm việc khuyến khích sự đổi mới. Không có nền tảng đổi mới thì mọi tuyên bố về văn hóa doanh nghiệp sẽ khó trở thành hiện thực, lan tỏa trong thực tế vận hành doanh nghiệp.

Chương trình Huấn luyện Văn hoá Doanh nghiệp – Builiding the True Company

https://btc.john.vn/

Lòng tin

Cốt lõi sâu bên trong của văn hóa doanh nghiệp là quan niệm nền tảng, ngầm định, là lòng tin của nhân viên với văn hóa doanh nghiệp. Có lòng tin, nhân viên sẽ hành xử, thậm chí là có suy nghĩ đúng mực, tuân theo văn hóa doanh nghiệp một cách chủ động mà không cần sự giám sát, đôn đốc nào từ cấp trên.

Đọc thêm: Mô hình văn hoá tổ chức Edgar Schein

Chỉ có duy nhất văn hóa doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp của bạn tự động hóa trong vận hành. Lãnh đạo công ty có thể yên tâm đi gặp đối tác, khách hàng mà không phải lo lắng nhân viên ở văn phòng chểnh mảng, chậm trễ công việc. Bởi khi nhân viên có chung một gốc niềm tin văn hóa, họ sẽ chủ động công việc theo đúng niềm tin họ có.

Bạn có thể thấy những tín đồ tôn giáo khi có lòng tin sâu sắc vào tôn giáo của mình thì đâu cần một đấng giáo chủ nào quản thúc, bắt họ tuân theo những điều giáo lý. Nhân viên trong công ty của bạn khi có niềm tin sâu sắc vào văn hóa doanh nghiệp, vào những chuẩn mực về hành vi, ứng xử cần có thì họ cũng sẽ thực hiện một cách chủ động, không cần giám sát.

Văn hóa doanh nghiệp ở góc độ niềm tin của nhân viên có thể được xem như một cơn say tín ngưỡng. Nhân viên hiểu – tin tưởng và thậm chí yêu văn hóa doanh nghiệp như một tín ngưỡng và họ sẵn sàng làm theo những chuẩn mực văn hóa họ tin tưởng.

Thông tin từ Odclick cho biết:

  • 55% CEO cho rằng thiếu lòng tin đe dọa nghiêm trọng tới khả năng phát triển, tăng trưởng của tổ chức
  • 74% nhân viên làm việc trong những tổ chức có lòng tin cao sẽ ít bị căng thẳng hơn so với những nhân viên làm việc ở tổ chức có lòng tin thấp 
  • Nhân viên có lòng tin cao vào tổ chức sẽ làm việc với năng lượng, nhiệt huyết cao hơn 106%. Họ sẽ có số ngày nghỉ phép ít hơn 13%; thỏa mãn hơn với cuộc sống ở mức 29%; gắn kết hơn với tổ chức ở mức 76%. Đặc biệt, khi nhân viên có lòng tin, họ sẽ có cảm nhận bị quá tải công việc thấp hơn 40%. 

Tại Adobe – một công ty phát triển phần mềm nổi tiếng của Mỹ thì yếu tố lòng tin được nhấn mạnh trong văn hóa doanh nghiệp. Triết lý của Adobe là: Khi bạn đặt niềm tin vào nhân viên, bạn sẽ giúp nhân viên nỗ lực, sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn.

Adobe đề cao văn hóa sáng tạo, học hỏi và đặt niềm tin vào nhân viên ở những dự án thực sự khó khăn, thử thách. Công ty sẽ hỗ trợ nguồn lực tốt để nhân viên có thể tối ưu hóa công việc và hướng đến mục tiêu đề ra. Nhân viên của Adobe đạt thành tích công việc cao sẽ được thưởng các phần quà có giá trị, tiền và thậm chí là cả cổ phần công ty.

yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp
Adobe nổi tiếng với hàng loạt các sản phẩm phần mềm nổi tiếng như: Adobe Photoshop, Adobe Acrobat, Adobe Reader, Adobe Flash, Adobe Dreamweaver, Adobe Illustrator…

Quan tâm, chăm sóc

Tất cả nhân viên và ngay cả ở cấp quản lý, lãnh đạo cao nhất của tổ chức cũng cần có được cảm giác quan tâm, chăm sóc. Đó là nhu cầu ở mỗi con người, là tâm lý chung phát sinh ở tất cả đội ngũ của bạn. Văn hóa doanh nghiệp được hình thành dần cả từ những quan tâm, chăm sóc rất nhỏ. Chẳng hạn như:

  • Một lá thư tay cảm ơn khi nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
  • Buổi lễ vinh danh với những thành viên có thành tựu, kết quả công việc vượt trội
  • Mời nhân viên tham dự những buổi tiệc, sự kiện đại diện cho công ty
  • Đăng ký gói bảo hiểm sức khỏe cho không chỉ nhân viên mà còn với người thân của họ
  • Chính sách thăm hỏi những khi hiếu hỉ, ốm đau, bệnh tật
  • Những phần quà bất ngờ trong những dịp lễ, tết hàng năm
  • Đồ ăn uống miễn phí tại văn phòng
  • Phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe, đi lại…

Đó đều là những quan tâm, chăm sóc mà tổ chức của bạn có thể dành cho các thành viên. Những quan tâm, chăm sóc đó có thể không phát huy hiệu quả ngay tức thời nhưng trong dài hạn, tổ chức của bạn sẽ là một tổ chức có văn hóa doanh nghiệp tích cực, các thành viên cảm nhận được sự hạnh phúc, thoải mái tại nơi làm việc.

Ví dụ như tại Ubiquity Retirement + Savings, mỗi ngày trước khi rời khỏi văn phòng, nhân viên sẽ ấn một nút ở sảnh văn phòng. Nút bấm này không phải nút chấm công như ở nhiều văn phòng khác mà là nút để ghi lại cảm xúc của nhân viên.

Nhân viên Ubiquity Retirement + Savings sẽ có 5 nút để lựa chọn thể hiện cảm xúc. Mặt cười tươi nếu họ cảm thấy hạnh phúc với ngày làm việc. Còn mặt mếu nếu họ cảm thấy buồn chán.

Bằng cách thu thập dữ liệu cảm xúc này, các nhà quản lý của Ubiquity Retirement + Savings có thể thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của các thành viên và tìm cách chủ động tạo cảm hứng, truyền động lực cho nhân viên tốt hơn.

yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp
Quan tâm đến cảm xúc của nhân viên trong nhiều trường hợp sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ nút thắt về hiệu quả, hiệu suất công việc

*

Văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời không phải một đích đến mà với doanh nghiệp, đó là một hành trình song hành cùng trải nghiệm. Nhân viên của bạn có đang làm việc hiệu quả, họ có đang hạnh phúc tại nơi làm việc không? Mấu chốt giải quyết vấn đề này nhiều khi không phải ở câu chuyện tăng lương thưởng mà nằm ở văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp có đủ thu hút, lan tỏa trong thực tế vận hành doanh nghiệp hay không.

Hi vọng những chia sẻ về 6 yếu tố tạo nên nền văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời VNOKRs chia sẻ ở trên hữu ích, là gợi mở tốt dành cho doanh nghiệp của bạn.

Tìm hiểu thêm những bài viết hay về Văn hoá doanh nghiệp của VNOKRs tại đây