Trong bộ phận Bán hàng, Hỗ trợ hay Tài chính của doanh nghiệp, các con số luôn hiện diện nên việc thiết lập và đo lường mục tiêu cũng trở nên dễ dàng. Trong khi đó, bộ phận Thiết kế (Design) lại thường xuyên khiến các công ty phải “đau đầu” bởi vấn đề này.

Vậy làm sao để Thiết kế – với công việc khó định lượng có thể thiết lập và đo lường các mục tiêu dễ dàng?
Hãy để VNOKRs gợi ý cho bạn một vài mẫu OKRs phù hợp cho Thiết kế sau đây!

Lưu ý: Các mẫu OKRs chỉ mang tính chất tham khảo, để thiết lập được bộ OKRs phù hợp cho cá nhân cần phải dựa vào bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.

1. Lợi ích khi áp dụng OKRs cho nhóm thiết kế

Thỏa thuận minh bạch về khối lượng công việc và các ưu tiên

OKRs có thể giúp bạn thỏa thuận minh bạch về khối lượng công việc và các ưu tiên cho nhóm Thiết kế. Các mục tiêu, kết quả cần đạt được đều rõ ràng giúp nhân viên của bạn nhìn nhận và nắm bắt rõ ràng lộ trình công việc cần thực hiện. Điều đó cũng giúp hạn chế tối đa sự nhầm lẫn về các ưu tiên.

Theo dõi được tất cả các hoạt động 

OKRs giúp bạn theo dõi được tất cả các hoạt động của team Thiết kế. Công việc của Thiết kế là sáng tạo nhưng mục tiêu to lớn nhất vẫn là doanh thu. Bạn có thể không cần phải giám sát nhân viên của mình xem liệu họ có làm việc đủ 8 tiếng một ngày không mà chỉ cần theo dõi xem các kết quả then chốt đang được hoàn thành ở mức nào. Tất cả các hoạt động đều được theo dõi, kiểm soát dễ dàng với OKRs.

Mặt khác, OKRs của nhóm Thiết kế minh bạch với toàn công ty, với các phòng ban, nhóm khác. Do đó, các công việc liên quan giữa các phòng ban được theo dõi dễ dàng và tránh trùng lặp.

Nhận được tín nhiệm trong công việc 

OKRs có thể giúp nhân viên của bạn dễ dàng truy cập và nhìn nhận được các thành tích đã từng đạt được trong quá khứ. Giữa rất nhiều dự án, đầu việc khác nhau, họ sẽ nhớ mình đã hoàn thành được một OKRs khó khăn đúng hạn, thậm chí vượt thời gian. Đây cũng là những dấu mốc công việc giúp nhân viên nhận được tín nhiệm cao hơn từ cấp trên và đồng nghiệp.

Tạo động lực hoàn thành công việc xuất sắc

OKRs là phương pháp quản lý mục tiêu giúp nhân viên của bạn gia tăng động lực làm việc. OKRs của từng nhân viên cộng hưởng để giúp đạt OKRs phòng ban. OKRs của từng phòng ban cộng hưởng để giúp đạt OKRs toàn công ty. Lợi ích của OKRs mang lại cho nhân viên giúp họ nhìn nhận được những đóng góp của mình vào thành công chung công ty đang hướng tới. Hiểu ý nghĩa công việc và họ sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn rất nhiều.

Đặc biệt, team Thiết kế là những người thiên về sáng tạo. Khi họ nhìn nhận được những nỗ lực của mình đóng góp đáng kể cho nỗ lực chung của tập thể, khả năng sáng tạo, hiệu suất công việc sẽ vượt trội hơn.

2. Xác định mục tiêu OKRs cho team thiết kế

Các cột mốc và sản phẩm

Mục tiêu của team Thiết kế có thể là các cột mốc và sản phẩm được giao. Nhóm mục tiêu này liên quan đến những việc hữu hình như hoàn thiện bản thiết kế mới, thiết lập giao diện website mới…  theo cột mốc thời gian xác định.

Giai đoạn

Mục tiêu của team Thiết kế còn là hoàn thành các giai đoạn công việc, tiến tới hoàn thiện sản phẩm. Ví dụ như chuyển từ giai đoạn xây dựng bộ nhận thương hiệu chuẩn sang thiết kế các ấn phẩm liên quan (bộ tài liệu kinh doanh, giao diện website, blog…).

Các chỉ số về tương tác, kích hoạt, nghiên cứu và sử dụng

Một nhiệm vụ khác của team Thiết kế còn là cải thiện các chỉ số về tương tác, kích hoạt, nghiên cứu và sử dụng. Đây là những chỉ số cần cải thiện để gia tăng trải nghiệm, mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm. Ví dụ như chỉ số đánh giá giao diện thân thiện, dễ sử dụng từ người dùng; chỉ số tăng thời gian trải nghiệm mẫu thiết kế trên website…

Dự án

Team Thiết kế cũng có nhiệm vụ hoàn thành các dự án trong khung thời gian nhất định. Ví dụ như dự án xây dựng website mới cần hoàn thiện vào tháng 1 trước khi đưa vào chạy chính thức, dự án thiết kế bộ tài liệu kinh doanh cần được hoàn thành đúng hạn vào quý II…

Tuyển dụng 

Khi bạn muốn phát triển team Thiết kế hoặc đang tìm kiếm nhân sự có các kỹ năng mới mà hiện tại team chưa có, bạn sẽ cần đặt ra mục tiêu tuyển dụng cho nhóm Thiết kế và đề bạt yêu cầu này đến phòng Tuyển dụng của bộ phận Nhân sự để thực hiện đúng mục tiêu.

Đào tạo

Liên tục đào tạo sẽ giúp team phát triển về kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ. Nhiệm vụ đào tạo team Thiết kế có thể sử dụng nguồn lực từ chính các thành viên nổi trội vững vàng kiến thức chuyên môn trong nhóm hoặc tìm nguồn đào tạo uy tín từ bên ngoài.
Mẫu OKRs cho team thiết kế (Design)

3. Ví dụ mẫu OKRs cho thiết kế (Design)

Về cơ bản, thiết kế có 3 dạng là UX Design, UI Design và Visual Design với đặc thù công việc riêng. Do đó, chúng ta sẽ tiến hành phân định mẫu OKRs cho thiết kế theo 3 dạng thiết kế phổ biến này.

OKRs cho UX Design

UX Design là viết tắt của User Experience (trải nghiệm người dùng). Nhân viên UX là người nghiên cứu trải nghiệm, thói quen, nhu cầu người dùng về sản phẩm. Từ những nghiên cứu này, nhân viên UX kết nối với các lập trình viên, bộ phận sản phẩm để tối ưu sản phẩm dựa trên trải nghiệm người dùng. Nhân viên UX vì vậy được ví như một chiếc cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ phát triển sản phẩm.

Ví dụ về UX Design: 

Ứng dụng dạy trẻ mầm non học các hình khối, con vật, đồ vật rất thú vị. Tuy nhiên, bố mẹ các bé muốn giới hạn việc học trong một khoảng thời gian nhất định để tránh các bé bị mỏi mắt. Hiểu được nhu cầu này của khách hàng, đội ngũ UX kết hợp với team Phát triển sản phẩm tạo ra tính năng khi trẻ học được 30 phút, ứng dụng sẽ tự động tạm dừng và phát ra lời nhắc bé nghỉ ngơi.

o
Nghiên cứu tâm lý người dùng mục tiêu của sản phẩm.
kr1
Tiến hành phỏng vấn sâu 30 khách hàng đã sử dụng sản phẩm trong tháng 9/2020.
kr2
Chạy phiên bản thử nghiệm trong 15 ngày và đo lường mức độ hứng thú của khách hàng, hoàn thành trong tháng 9/2020.
kr3
Lên danh sách các nhu cầu tính năng sản phẩm mới của khách hàng, hoàn thành xong trước 15/10/2020.

KHÁM PHÁ | 17+ Mẫu OKRs cho team nghiên cứu/ phát triển sản phẩm

OKRs cho UI Design

UI Design là viết tắt của User Interface (giao diện người dùng). Nhân viên UI là người thiết kế những gì người dùng sẽ nhìn thấy trên sản phẩm. Ví dụ như giao diện, màu sắc, bố cục, font chữ, cỡ chữ, hình ảnh… Nhân viên UI đề cao sự đồng nhất theo nhận diện thương hiệu công ty hướng tới.

Ví dụ về UI Design:

Màu sắc chủ đạo trên logo, trên các ấn phẩm truyền thông, trên các website, fanpage của taxi Mai Linh đều là một màu xanh với tỷ lệ phối màu đồng nhất. Nhân viên UI sẽ cần nắm rõ tỷ lệ màu sắc như thế nào để đạt chuẩn nhận diện cho tất cả các sản phẩm thiết kế.

o
Cung cấp mẫu thiết kế kịp thời cho giao diện website.
kr1
Chốt bộ nhận diện màu dùng cho logo sản phẩm trước 15/9/2020.
kr2
Chốt bộ font chữ dùng cho giao diện website trước 15/9/2020.
kr3
Hoàn thành thiết kế giao diện website định dạng PSD xong trước 30/9/2020.

OKRs cho Visual Design

Visual Design là thiết kế trực quan. Nhân viên Visual là người thiết kế đề cao tối ưu giao diện sản phẩm thông qua nghiên cứu trải nghiệm người dùng, nghiên cứu khả năng tương tác của sản phẩm đối với người dùng.

Ví dụ về Visual Design: 

Hàng ngày bạn có thể truy cập rất nhiều các website, ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên, sẽ có những website rất ấn tượng và bạn thực sự bị thu hút trong từng trải nghiệm khi click chuột. Visual Design hướng tới tối ưu giao diện sản phẩm để thu hút khách hàng.

o
Thiết kế giao diện website cho trải ấn tượng vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.
kr1
Nghiên cứu ít nhất 5 website của các đối thủ cạnh tranh trong quý III-2020.
kr2
Lên danh sách các tính năng vượt trội có thể áp dụng cho website, hoàn thành xong trước 15/10/2020.
kr3
Kiểm thử tính năng website mới, hoàn thành xong trước 15/12/2020.
kr4
Chính thức launching website mới vào ngày 1/1/2021.

Lời kết,
OKRs cho team Thiết kế có thể giúp team gia tăng hiệu suất, hiệu quả và nỗ lực trong công việc. Thiết kế là công việc nghiêng về sáng tạo, khó định lượng nhưng nếu phân định rõ các mục tiêu, chúng ta hoàn toàn có thể thiết lập mẫu OKRs cho thiết kế phù hợp. VNOKRs chúc các bạn xây dựng được team Thiết kế ngày càng phát triển.

Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.