Các nhà quản lý giỏi giúp nhóm của họ gắn bó và đạt hiệu suất cao. Để làm được điều này những người lãnh đạo/quản lý cần phải đặt ra được tầm nhìn, những mục tiêu quan trọng và dẫn dắt nhân viên của mình đi đúng hướng. Và tạo ra OKRs – (Mục tiêu và Kết quả chính) đúng đắn chính là yếu tố quyết định đưa những nhà quản lý tiến gần hơn đến thành công. 

Bài viết dưới đây VNOKRs chia sẻ một số mẫu OKRs cho cấp quản lý – lãnh đạo để các bạn tham khảo và dễ dàng hơn trong việc xây dựng nên những bộ OKRs phù hợp với công ty của mình.

Lưu ý: Các mẫu OKRs chỉ mang tính chất tham khảo, để thiết lập được bộ OKRs phù hợp cho cá nhân cần phải dựa vào bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.

1. Các mục tiêu của cấp quản lý/lãnh đạo

Đưa ra tầm nhìn và mục tiêu cho nhóm

Một nhà quản lý thay vì làm các công việc tỉ mỉ, vi mô thì họ có thể thực hiện trao quyền và tập trung phát triển tổ chức, gia tăng động lực làm việc cho nhân viên. Xu hướng quản trị hiện nay ở nhiều tổ chức cho thấy nhà quản lý đã dần chuyển từ vai trò một người quản lý dự án với các công việc rất cụ thể sang một người dẫn dắt, đưa ra tầm nhìn, mục tiêu, truyền cảm hứng và vạch chiến lược phát triển cho tổ chức.

Các câu hỏi giúp xác định mục tiêu:

  • Tầm nhìn chiến lược của công ty là gì?
  • Làm thế nào để phòng ban/nhóm của tôi có thể đóng góp hoàn thành chiến lược công ty?
  • Cơ hội lớn nhất của phòng ban/nhóm của tôi trong năm tới là gì?
  • Làm thế nào để khắc phục điểm yếu lớn nhất mà phòng ban/nhóm tôi đang có?

Xây dựng nhân lực và biết sử dụng kỹ năng của họ

Nhà quản lý cần đặt ra mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực ổn định, lâu dài, có kế hoạch cho công ty. Mặt khác, họ cũng cần biết sử dụng các kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức của nhân viên vào đúng việc, đúng trường hợp.

Ví dụ nhân sự Phòng Kinh doanh cần các tố chất như chủ động, tư duy tích cực, kỹ năng giao tiếp, đàm phán tốt… trong khi nhân sự Phòng Hành chính lại cần các tố chất như luôn sẵn sàng hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu…

Xác định mục tiêu OKRs của cấp quản lý, lãnh đạo
Xác định và sử dụng đúng kỹ năng của nhân sự giúp phát triển tối đa điểm mạnh của nhân viên và phòng ban/nhóm. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó rất cần lãnh đạo có tầm nhìn trong việc xây dựng, phát triển và sử dụng nhân sự trong khoảng thời gian ngắn, trung bình và dài hạn.

Các nhà quản lý giỏi sẽ xây dựng đội ngũ trên cơ sở tầm nhìn, mục tiêu của công ty/phòng ban/nhóm. Bạn sẽ cần xác định các kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm nhân sự tùy thuộc từng vị trí khác nhau cần có. Bạn có thể tổ chức đào tạo cho nhân sự cũ hoặc cũng có thể tuyển dụng nhân sự mới phù hợp yêu cầu.

Các câu cần hỏi:

  • Nhân viên thuộc phòng ban/nhóm của tôi cần những kỹ năng nào giúp họ khác biệt, vượt trội hơn?
  • Mỗi thành viên trong phòng ban/nhóm cần những kỹ năng gì cho cấp độ công việc, vị trí tiếp theo?
  • Những kỹ năng nào của nhân viên cần để gia tăng hiệu suất, hiệu quả công việc?

Tăng cường sự gắn bó của nhân viên

Một tập thể đoàn kết chưa chắc sẽ giúp công ty bạn đi thẳng đến thành công nhưng chắc chắn muốn thành công thì tập thể phải đoàn kết, gắn bó. Công ty bạn cũng như một xã hội thu nhỏ. Ở đó có những con người với nét tính cách, kỹ năng, kinh nghiệm, thói quen sống khác nhau… Tuy nhiên, khi đứng chung trong một tập thể, họ cần chung một mục tiêu và đồng lòng để hoàn thành mục tiêu chung đó.

Người lãnh đạo với vai trò dẫn dắt, kết nối cần đặt mục tiêu tăng cường sự gắn bó của nhân viên với nhân viên, nhân viên với lãnh đạo và nhân viên với công ty. 

Các câu nên hỏi:

  • Tôi có thể làm gì để tăng sự gắn bó giữa nhân viên với nhau?
  • Tôi có thể làm gì để tăng sự gắn bó giữa nhân viên với công ty?
  • Tôi có thể làm gì để xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
  • Tôi có đang khuyến khích các mục tiêu táo bạo, đầy khát vọng của nhân viên không?

Cải thiện kết quả đầu ra

Cải thiện kết quả đầu ra của nhân viên bạn bằng cách “nhận trợ giúp” từ chính họ. Một cách để đo lường giúp cải thiện kết quả đầu ra là bạn tổ chức các cuộc đánh giá nhân viên định kỳ theo quý, tháng hoặc tuần. Từ các cuộc đánh giá mục tiêu thường xuyên này, bạn sẽ nhận được nhiều sáng kiến của nhân viên trong việc tối ưu con đường hoàn thành đúng mục tiêu.

Các câu cần hỏi:

  • Mục tiêu này có đúng hướng không?
  • Làm cách nào giúp nhân viên và cả nhóm đạt được mục tiêu của mình?
  • Có điều gì khiến bạn phải thay đổi kết quả chính không?

Tinh chỉnh mục tiêu 

Các kế hoạch được thiết lập không phải để in ra đóng khung. Các mục tiêu được đề ra cũng không phải để giữ nguyên cố định. Thực tế triển khai công việc có rất nhiều biến số. Sẽ có những yếu tố khiến các kế hoạch, mục tiêu cần được tinh chỉnh, thậm chí điều chỉnh, thay đổi. Lãnh đạo là người cần nhìn nhận, đánh giá và phát hiện được sự biến chuyển của tình hình để tinh chỉnh kịp thời các mục tiêu đề ra.

Việc tinh chỉnh mục tiêu cần được xác định là quá trình liên tục, thường xuyên. Ngay kể cả khi mục tiêu ở giai đoạn 1 đã được hoàn thành xuất sắc, giúp cải thiện hiệu quả làm việc ở công ty bạn thì sang giai đoạn 2, điều đó chưa chắc đã còn đúng nữa. Ngay kể cả khi OKRs đã được đánh giá hoàn thành thì việc xem xét kỹ lưỡng cũng giúp bạn nhìn nhận được cách thức có thể làm tốt hơn cho các OKRs tiếp theo.

Các câu hỏi cần tự hỏi bản thân và nhóm của bạn:

  • Tôi và nhóm đã làm được gì?
  • Tôi và nhóm đã hoàn thành mục tiêu bằng cách nào?
  • Nếu được thay đổi mục tiêu vừa hoàn thành, tôi sẽ thay đổi điều gì?

Ở phần 1 bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu các mục tiêu của cấp quản lý và một vài câu hỏi gợi ý giúp bạn xác định mục tiêu. Tiếp theo, ở phần 2, chúng ta sẽ đi vào cụ thể một số mẫu OKRs tốt nhất cho cấp quản lý, lãnh đạo.

2. 10+ mẫu OKRs tốt nhất cho nhà lãnh đạo/ quản lý

Quản lý công nghệ – sản phẩm

o
Biến Todaylist trở thành ứng dụng “phải có” của người dùng.
kr1
Tăng từ 30.000 lên 50.000 lượt tải ứng dụng trên các nền tảng AppStore và PlayStore.
kr2
Phát hành phiên bản 2.0 trước 15/12/2020.
kr3
Khảo sát ít nhất 10,000 người dùng về trải nghiệm sử dụng sản phẩm, hoàn thành xong trước 15/11/2020.

Quản lý hệ thống thông tin

o
Đảm bảo thông suốt, bảo mật hệ thống thông tin tại văn phòng.
kr1
Rà soát thay thế, nâng cấp hệ thống máy chủ để đảm bảo cải tiến tốc độ truy cập server tăng 10% so với quý III-2020.
kr2
Nâng cấp hệ thống máy tính cần đảm bảo tối thiểu 4GB Ram trước 1/10/2020.
kr3
Lắp đặt hệ thống mạng wifi riêng cho khách đến văn phòng trước 1/10/2020.
kr4
Toàn bộ thiết bị của nhân viên muốn truy cập hệ thống wifi cho nhân viên cần được phê duyệt IP từ Bộ phận Hệ thống thông tin.
kr5
Đảm bảo tình trạng gián đoạn hệ thống mạng được xử lý sau tối đa 30 phút.

Quản lý kinh doanh

o
Đạt doanh thu kỷ lục.
kr1
Áp dụng chính sách khuyến mãi trong quý IV-2020.
kr2
Gia tăng quy mô hợp đồng ký kết từ trung bình 200 triệu / hợp đồng lên 500 triệu / hợp đồng.
kr3
Tăng tỷ lệ chốt đơn hàng thành công từ 33% lên 50%.
kr4
Gặp ít nhất 3 khách hàng tiềm năng mỗi tháng.
kr5
Tuyển dụng thêm 3 nhân viên kinh doanh trong tháng 10/2020.

Quản lý chiến lược thị trường

o
Mở rộng thị trường các tỉnh phía Nam.
kr1
Tiến hành nghiên cứu toàn diện thị trường phía Nam, hoàn thành xong trước 15/12/2020.
kr2
Tiến hành phân tích SWOT về thị trường phía Nam, hoàn thành xong trước 30/12/2020.
kr3
Tạo ra các mẫu quảng cáo phù hợp thị hiếu người dùng các tỉnh phía Nam.
kr4
Mở rộng 10% hệ thống đại lý phân phối sản phẩm tại các tỉnh phía Nam mỗi quý.
kr5
Tiến hành khảo sát 100% các đại lý phía Nam để thu thập ý kiến đóng góp trong tháng 10/2020.

Quản lý hành chính

o
Kiến tạo không gian văn phòng trở thành nơi làm việc lý tưởng cho nhân viên.
kr1
Khảo sát ý kiến về ý tưởng cải tiến không gian văn phòng từ các phòng ban trong tháng 9/2020.
kr2
Đề xuất duyệt chi phương án ngân sách cải tạo văn phòng trước 15/10/2020.
kr3
Đàm phán thuê thêm diện tích văn phòng ở tầng 9 của tòa nhà trước 15/11/2020.
kr4
Đàm phán để tìm nhà cung cấp dịch vụ cây xanh phù hợp cho văn phòng, hoàn thành xong trước 15/11/2020.
kr5
Đàm phán để tìm đơn vị thiết kế, thi công nội thất văn phòng, hoàn thành xong trước 15/11/2020.

Quản lý nhân sự

o
Phát triển đội ngũ nhân sự đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty.
kr1
Mở rộng quy mô nhân sự từ 200 người lên 300 người trong năm 2021.
kr2
Tăng tỷ lệ nhân sự có 3 năm làm việc tại công ty lên 35%.
kr3
Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các phòng ban định kỳ vào ngày 25 hàng tháng.
kr4
Ký kết hợp đồng đăng tuyển với CareerBuilder trong tháng 9/2020.
kr5
Kênh Youtube tuyển dụng của công ty đạt ít nhất 10,000 lượt theo dõi tính đến 30/9/2020.

Quản lý nội dung

o
Xây dựng các kênh nội dung phù hợp, hấp dẫn với khách hàng mục tiêu.
kr1
Nghiên cứu tâm lý, thói quen của người dùng mục tiêu, hoàn thành xong trước 15/9/2020.
kr2
Tuyển dụng 5 nhân viên nội dung trong tháng 9/2020.
kr3
Ký kết hợp đồng với 3 KOL định kỳ chia sẻ nội dung về sản phẩm công ty ít nhất 1 tháng 1 lần.
kr4
Ký kết hợp đồng sản xuất nội dung quảng cáo với nhóm FAPTV trong tháng 9/2020.
kr5
Kênh Fanpage công ty có ít nhất 50,000 lượt theo dõi.

Quản lý thương hiệu

o
Tăng uy tín thương hiệu công ty.
kr1
Giành danh hiệu Sao Khuê cho lĩnh vực phần mềm nhân sự vào tháng 4/2021.
kr2
Lãnh đạo công ty xuất hiện trả lời phỏng vấn trên các kênh báo chí chính thống ít nhất 1 lần mỗi quý.
kr3
Lãnh đạo từ cấp phòng ban của công ty tham gia ít nhất 1 hội thảo ngành nhân sự mỗi quý.

Quản lý truyền thông

o
Mở rộng phạm vi truyền thông xã hội.
kr1
Tăng 5% ​​số lượt đọc blog thông qua các phương tiện truyền thông xã hội mỗi tháng.
kr2
Nhận ít nhất 500 phản hồi khảo sát ý kiến trên fanpage công ty.
kr3
Tăng số lượng người theo dõi Fanpage công ty lên 10% so với tháng trước.
kr4
Tạo ra ít nhất 1 video giới thiệu về công ty đạt 50,000 lượt xem trên Youtube.
kr5
Tiến hành chạy quảng cáo trên Facebook giới thiệu về công ty trong tháng 9/2020.

Quản lý thiết kế

o
Tăng tư duy thẩm mỹ cho nhân viên thiết kế.
kr1
Tổ chức khóa học nâng cao về tư duy màu sắc, hình khối vào tháng 9/2020.
kr2
Tổ chức khóa học chuyên sâu về tư duy thẩm mỹ trong thiết kế vào tháng 10/2020.
kr3
Mời chuyên gia từ ĐH Mỹ thuật về công ty tổ chức workshop trong tháng 11/2020.
kr4
Tăng 10% ngân sách đào tạo hàng năm cho đội ngũ nhân viên thiết kế.
kr5
Đặt định kỳ ít nhất 1 ấn phẩm mỹ thuật cho phòng thiết kế mỗi tháng.

Quản lý tài chính – kế toán

o
Dự báo sớm tình hình tài chính cho lãnh đạo.
kr1
Lên danh sách các khoản dự kiến thu – chi định kỳ hàng quý.
kr2
Cảnh báo ban lãnh đạo về nguy cơ chậm lương nhân viên trước kỳ thanh toán lương ít nhất 2 tuần.
kr3
Khảo sát ý kiến các phòng ban về tình hình thu – chi tài chính định kỳ hàng quý.

Quản lý đào tạo

o
Xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp với tình hình phát triển của tập đoàn.
kr1
Khảo sát nhu cầu đào tạo của các phòng ban, nhóm trong tháng 9/2020.
kr2
Tăng 10% ngân sách sử dụng cho đào tạo trong năm 2021.
kr3
Tài trợ, liên kết đào tạo với ít nhất 3 trường đại học trong năm 2021.

Quản lý chăm sóc khách hàng

o
Gia tăng sự tin tưởng, hài lòng của khách hàng.
kr1
Khảo sát ý kiến khách hàng về phiên bản sản phẩm mới, hoàn thành xong trước 15/12/2020.
kr2
Hotline tổng đài chăm sóc khách hàng trực 24/7.
kr3
Tuyển dụng thêm 5 nhân viên chăm sóc khách hàng trong tháng 9/2020.
kr4
Đào tạo ít nhất 1 buổi kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc khách hàng cho nhân viên mỗi tháng.
kr5
Cập nhật tin tức hữu ích với khách hàng qua email định kỳ 2 tuần 1 lần.

Lời kết,

Trên đây, bạn đã cùng VNOKRs tìm hiểu mẫu OKRs cho quản lý, lãnh đạo. VNOKRs chúc bạn thiết lập được mẫu OKRs phù hợp nhất giúp phát triển đội ngũ nhân sự của bạn thành công.

Bài viết của VNOKRs, vui lòng ghi nguồn khi trích dẫn.